'Nghề' ăn xin
Sống bằng lòng trắc ẩn của người khác, diễn 'sâu' bằng những mánh khóe khiến bản thân trở nên đáng thương. Dường như ăn xin đang dần trở thành một 'nghề' bài bản, được 'đầu tư' để mang lại những nguồn kinh tế không nhỏ...
Một trong những hình thức ăn xin “thịnh hành” và hiệu quả nhất.
Một buổi sáng, đang nhấm nháp hương vị của ly cafe sữa, tôi bỗng giật mình bởi động tác vỗ vai của một ai đó. Quay lại, trước mặt tôi là hình ảnh của một thanh niên, dắt theo một cậu bé trạc 8 tuổi, chìa về phía tôi một gói tăm nhỏ và không quên phụ họa bằng cái chất giọng nhỏ nhẹ, van lơn: “Anh ơi, mua giúp em”. Tôi lắc đầu. Vẫn không chịu từ bỏ, đến lượt cậu bé lên tiếng: “Anh không mua thì cho bọn em xin mấy đồng mua cơm. Từ hôm qua đến nay, hai anh em em không được miếng cơm nào vào bụng rồi”. Tôi nhìn kỹ hơn và nhận ra đứa bé tên Tuấn, người ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa), hay lê la ăn xin ở mấy quán cafe thuộc khu vực Bào Ngoại 2, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Do dự một lúc, định không cho, nhưng trước thái độ khẩn khoản và sự lì lợm của cả hai, tôi cũng đành phải rút ví móc ra 10 nghìn đồng cho họ. Nghĩ rằng sẽ nhận lại được lời cảm ơn. Ai dè, đáp lại sự tử tế của tôi, chàng trai trẻ giật nhanh tờ tiền rồi lôi Tuấn quay ngoắt đi, vội vã tìm đến các bàn khách khác. Lòng tôi chợt hụt hẫng. Chả biết bản thân vừa làm được việc tốt hay là đã trao gửi một niềm tin không đúng chỗ...
Hình ảnh những người ăn xin cứ chạy đi chạy lại trong đầu tôi, chắp nối lại thành những gương mặt quen thuộc. Một bác trạc 50 tuổi, có gương mặt khắc khổ; một bà tuổi đã ngoài 60, miệng lúc nào cũng thều thào câu than “bà khổ lắm cháu ơi!”, vài ba đứa bé cũng trạc tuổi như Tuấn... Tất cả họ thường lui tới những quán cafe mà tôi hay ngồi. Họ xin nhiều đến nổi nhiều vị khách phải thốt lên “cháu, chú vừa cho hôm qua mà!”. Đó là hiện trạng chung, là bức tranh thu nhỏ của cái nghề được gọi là “ăn xin tình thương”.
Tìm hiểu thêm về thực trạng này, tôi dành ra một thời gian để theo dõi các điểm “nóng” mà những người hành nghề “cái bang” thường lui tới. Tại chợ Đầu mối rau, củ, quả, phường Đông Hương, hai đối tượng một nam một nữ, qua lời giới thiệu là hai vợ chồng, đang nỉ non xin tiền của cánh tiểu thương. Anh chồng ăn mặc rách rưới, cầm mic hát, cô vợ “như” người bị khuyết tật, ngồi xe lăn, cầm ca nhựa cũ xin tiền. Chị Lê Thị Mai, người bán rau tại chợ chia sẻ: “Nhìn thì thấy thương thật, nhưng giờ thật, giả lẫn lộn lắm!. Ngày trước, tôi còn hay cho, bây giờ phải hạn chế hơn, tại họ cứ lợi dụng tình thương của mình mãi”. Chị Mai cho biết thêm, hầu như ngày nào cũng có người hát rong xin tiền ở chợ, trước đây chị còn thấy có một chị bị tật nguyền bế theo một đứa trẻ lê lết ở chợ xin tiền, có cả một ông cụ ăn mặc rách rưới ngày nào cũng ngồi ngay giữa chợ, đặt chiếc mũ cối rách trước mặt để người đi đường cho tiền.
Tại điểm ngã tư giao cắt giữa Đại lộ Lê Lợi và đường Lê Hoàn, tôi quan sát thấy 1 trường hợp lang thang, xin ăn, người phụ nữ gầy gò, ăn mặc lấm lem, ngày nào cũng ngồi ngay cạnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Chỉ chờ người tham gia giao thông dừng lại, “chị ta” liền dùng những lời lẽ van lơn để xin tiền. Tợn tạo, bất chấp hơn, nếu không đạt được mục đích, lập tức “chị ta” xả ra hàng dài từ khó nghe: “Loại vô lương tâm”, “không có học”, “đã xấu người còn xấu nết”... Nhiều người đi đường dù biết rõ mình đang bị lợi dụng tình thương vẫn phải bấm bụng cho đi vài đồng tiền lẻ để tránh thị phi.
...
Thực ra, nếu đánh đồng người ăn xin là “diễn” hết thì không đúng. Có nhiều trường hợp có hoàn cảnh éo le, như trường hợp của cô bé tên Mai, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) mà tôi biết. Bố mẹ mất sớm, em phải ở với ông bà nội từ nhỏ. Cực chẳng đã, tuổi mới lên 13, em đã phải lao mình ra ngoài xã hội kiếm sống. Em mua lại một số đồ dùng thiết yếu từ quán tạp hóa gần nhà: Bông tăm, bật lửa, kẹo cao su,... rồi mang lên TP Thanh Hóa bán dạo. Em đi bán cùng một người chị trong làng, hai chị em cứ sáng đèo nhau lên phố rồi tối lại theo nhau về. Dù nắng hay mưa thì ngày dài làm việc của Mai cũng phải trải đủ từ sáng đến tối muộn. Nhiều lần gặp tôi, Mai tâm sự: “Ngày nào em cũng phải cố bán lấy hơn trăm nghìn đồng tiền lãi thì mới đỡ đần được cho ông bà. Lớn lên em sẽ kiếm việc làm để tự tay kiếm đồng tiền chân chính, không phải đi xin tình thương của mọi người nữa”.
Dẫu vậy, trường hợp của Mai không nhiều, có không ít trường hợp ăn xin “bịa” ra cho mình một câu chuyện thật cơ cực, đau khổ để dễ dàng hành nghề. Bất chấp hơn, nhiều thanh niên sức dài vai rộng vẫn không kiếm nổi lấy một nghề tử tế mà lại đi ngửa tay xin tiền. Họ có thể viện đủ lý do: Vợ bỏ, đang nuôi con bệnh, bản thân thường xuyên ốm đau không làm được việc nặng... Khả năng diễn xuất của họ có thể gọi là “thượng đẳng”. Hãy thử hình dung, chỉ với một bộ quần áo rộng, chân bắt chéo ra sau cố định lại, một người đàn ông khỏe mạnh đã biến thành chàng trai đáng thương bị cụt chân do tai nạn giao thông. Ngón nghề này không mới, nhưng luôn hiệu quả khi đi kèm một câu chuyện thương tâm về hoàn cảnh gia đình. Thậm chí, còn có hiện tượng lừa lọc, chăn dắt trẻ em, người già, người tàn tật hành nghề ăn xin. Đây là vấn đề xã hội khá nhức nhối cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.
Để gìn giữ nét đẹp và hình ảnh cho thành phố, thời gian qua, chính quyền TP Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, phường thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, không để các đối tượng lang thang cơ nhỡ xin ăn, ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố và gây phiền hà đến người dân và du khách. Từ sự quyết liệt của địa phương, một thời gian dài, số lượng người hành nghề ăn xin, bán dạo tại TP Thanh Hóa đã giảm hẳn. Tuy nhiên, việc chấm dứt hẳn tình trạng này vẫn còn là câu chuyện dài, cần sự phối hợp, chung tay của nhiều phía.
Để giảm thiểu triệt để vấn nạn trên, trước hết, chúng ta cần huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang kiếm sống. Tạo việc làm, dạy nghề cho đối tượng lang thang ăn xin đang trong độ tuổi lao động. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; an sinh xã hội và phát hiện, báo tin kịp thời về đối tượng lang thang, xin ăn. Bản thân người dân cũng cần nhận thức lại cách giúp người lang thang, xin ăn; hạn chế cho tiền trực tiếp và nên báo chính quyền để có những giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nghe-an-xin/116539.htm