Nghề báo thời đại số: Đa năng và thích ứng
Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nhu cầu của công chúng ngày càng nâng cao, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải cung cấp thông tin nhanh và đa dạng về hình thức. Bởi vậy, người làm báo phải là những người đa năng, tiếp cận, đổi mới để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của tòa soạn.
• Uy tín nghề báo trước thách thức thời đại
Những người đa di năng
Trong xu hướng chuyển đổi số, có rất nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng nền tảng công nghệ mới. Nhờ vậy, một số tờ báo không ngừng lớn mạnh, lan tỏa. Một số tờ báo điện tử, trang Fanpage đã có lượng độc giả vượt so với các tờ báo có bề dày truyền thống. Tuy nhiên, tốc độ thông tin ngày càng nhanh, đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi cơ quan báo chí và nhà báo càng lớn hơn để đảm bảo đưa thông tin chuẩn xác, đầy đủ và có ý nghĩa nhân văn tới công chúng.
Đặc biệt, thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả ngày càng thay đổi, từ đọc báo, xem tivi truyền thống nay đã chuyển dần sang đọc báo, thông tin qua ứng dụng hoặc trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, WhatsApp... Từ đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí cũng phải thay đổi, thích ứng về nội dung và công nghệ.
Trong vài năm trở lại đây, các cơ quan báo chí đã hướng phóng viên đến cách làm việc “2 trong 1, 3 trong 1, thậm chí là 4 trong 1”. Thay vì chỉ chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, phóng viên kiêm luôn việc đọc, dựng thành phẩm hoặc ít nhất là dựng thô. Đó cũng là xu hướng chung trong cách tác nghiệp của phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí hiện nay. Chính từ sự đa năng của phóng viên như thế mới có thể cùng cơ quan cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và có sức thu hút nhất với độc giả, khán - thính giả.
Trong thời đại số, yêu cầu thông tin phải nhanh, chính xác, sống động, người làm báo cũng phải năng động, nhạy bén, đổi mới cách thức làm việc. Phóng viên Hải Danh (Báo Lao động) từng chia sẻ: "Làm báo trong thời đại mới đòi hỏi một phóng viên phải liên tục trang bị, nắm vững nhiều kỹ năng mới trên nền tảng đa phương tiện. Chẳng hạn, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy quay nhỏ là có thể hoàn thành một bản tin, bài viết hoàn chỉnh từ quay, chụp ảnh, ghi âm, biên tập tài liệu, biên tập video…".
Ngoài ra, khi là một phóng viên đa phương tiện của Báo Lao Động, Hải Danh còn phải có cả những kỹ năng của một MC như làm kịch bản, dẫn các bản tin hàng ngày, dẫn tọa đàm, Talkshow…
Tương tự, biên tập viên Thùy Linh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước chia sẻ: “Làm việc trong môi trường truyền thông số, phóng viên, nhà báo sẽ phải đa năng hơn, vừa phải có kỹ năng viết bài, vừa biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật trong tác nghiệp để có thể khai thác, cập nhật thông tin nhanh chóng, thể hiện tác phẩm ở nhiều góc cạnh khác nhau”.
Người làm báo phải là những người đa năng, tiếp cận, đổi mới để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của tòa soạn (Ảnh minh họa)
Tự thay đổi để thích ứng
Có thể thấy, hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin trong công việc làm báo trở thành bắt buộc, tất yếu. Ở các nước phát triển, công nghệ đã đi những bước rất xa trong hoạt động báo chí, với nhiều kỹ năng phức tạp. Việc sản xuất nhà báo- robot đã được nhắc đến nhiều hơn và thậm chí đã có một số tờ báo sử dụng công nghệ này. Đối với cá nhân người làm báo, việc không ngừng học hỏi, làm chủ các phương tiện công nghệ hiện đại giúp cho thao tác làm báo của mình trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn là vô cùng cần thiết.
Mô hình tòa soạn hội tụ đang được triển khai ở nhiều cơ quan báo chí, theo đó, một người làm báo chuyên nghiệp hiện đại phải thành thạo đa kỹ năng như viết, chụp ảnh, quay phim, dựng clip, làm MC dẫn dắt....Tức là khi một nhà báo đi tác nghiệp, sản phẩm của anh ta phải có khả năng sử dụng được cho cả các loại hình báo viết, báo điện tử, báo phát thanh, báo hình.
Đặc biệt, mô hình tòa soạn hội tụ, phóng viên, biên tập viên, phóng viên ảnh cùng hợp tác làm tin, bài thay vì hoạt động độc lập như trước. Nói một cách đơn giản, khi xảy ra sự kiện có tính thời sự, một nhóm phóng viên cùng thu thập tin tức. Đồng thời, chia sẻ những thông tin đã thu thập được và thống nhất chọn cách tốt nhất để đưa tin.
Khi làm việc trong môi trường truyền thông số, các nhà báo sẽ phải làm việc “đa năng” hơn và phải đối mặt với hình thức hội tụ đa phương tiện, dù bản tin đó chỉ là một mẩu tin của kênh truyền hình, hay báo mạng hoặc tờ báo in. Nhà báo tác nghiệp trong môi trường này phải chuẩn bị những bản tin đó một cách đa dạng hơn để có thể đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Như vậy, muốn làm tốt nội dung, phóng viên, biên tập viên của tòa soạn phải là phóng viên “đa năng”, vừa có kỹ năng viết bài, vừa biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật báo chí đa phương tiện.
Phóng viên Anh Thu, Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho rằng, sự phát triển của công nghệ tác động không nhỏ đến nghề báo. Nó vừa thúc đẩy các phóng viên, nhà báo sáng tạo đa dạng tác phẩm báo chí, vừa “lột trần” sự yếu kém, chậm chạp, an toàn của những tòa soạn còn đang “ngủ ngon” trên bề dày truyền thống. Trước đây, mọi người muốn xem hình sẽ xem qua tivi, muốn nghe âm thanh sẽ lựa chọn qua đài, muốn đọc chữ sẽ mua báo in…
Thế nhưng càng ngày, mạng internet phát triển, những chiếc điện thoại thông minh ra đời giúp mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm tin tức, xem video, xem ảnh và những trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube… được phần đa công chúng sử dụng. Điều này đòi hỏi nhà báo, phóng viên phải thực sự quyết liệt trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí: vừa đáp ứng chất lượng hấp dẫn, vừa đáp ứng về mặt thời gian lên bài nhanh chóng. Một buổi sáng thức dậy, công chúng sẽ có rất nhiều lựa chọn để cập nhật tin tức. Chỉ cần chậm một chút, bạn đã bị bỏ xa trên đường đua thông tin với các phương tiện khác. Và tất nhiên, công chúng sẽ tìm đến những kênh thông tin nhanh nhạy hơn và bỏ qua tòa soạn của bạn.
Thảo Nhi
• Nhà báo Minh Nhật: “Với tôi đặc ân lớn nhất của nghề báo là sự trải nghiệm”
• Nghề báo: Nghề chọn người hay người chọn nghề?
• Nghề báo nguy hiểm, không say mê khó thành công
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nghe-bao-thoi-dai-so-da-nang-va-thich-ung-d199566.html