Nghề chùi lư đồng kiếm tiền triệu xài Tết
Những ngày cuối năm, khắp mọi nẻo ở miền Tây đâu đâu cũng trang hoàng nhà cửa tươm tất chuẩn bị đón năm mới Canh Tý 2020. Cùng với đó là những tiếng rao mời chùi lư đồng rôm rả. Đây là một trong những công việc thời vụ hái ra tiền, giúp bà con có thêm thu nhập để sắm sửa trong ngày Tết.
Theo đó, lư đồng là một trong những vật thờ cúng quen thuộc, biểu tượng văn hóa tâm linh thuộc của người Việt. Ông bà ta tin rằng, bộ lư đồng có ý nghĩa thiêng liêng, liên quan đến tài lộc, vượng khí; xua tan điềm xấu, mang đến những điều may mắn tốt đẹp cho gia đình. Do đó, mỗi dịp Tết, nhà nhà đều đem bộ lư đồng đi đánh bóng, để nơi thờ tự đón năm mới thêm phần trang trọng.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Tới (57 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) có truyền thống làm nghề chùi lư đồng Tết nhiều năm nay. Vợ chồng ông là truyền nhân đời thứ 3 theo nghề này.
“Hằng năm, sau khi đưa ông Táo xong là vợ chồng tôi bắt đầu đi chùi lư cho bà con ở xóm, có khi đi tới một số xã lân cận nữa. Ngày nào “trúng” thì chùi chừng 10 bộ, “thất” thì cũng 5 bộ, kiếm khoảng vài trăm ngàn, có khi cả triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ làm thời vụ có mấy ngày giáp Tết này thôi, chứ bình thường thì tôi đi làm phụ hồ” – Ông Tới chia sẻ.
Hàng ngày cứ 6 giờ sáng là vợ chồng ông bắt đầu xuất phát và đến khi chạng vạng mới về nhà. Di chuyển từ xã Tân Hòa đến Phong Hòa (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) hoặc phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) để chùi lư cho bà con đón Tết.
Bộ dụng cụ hành nghề của đôi vợ chồng già cũng khá đơn giản. Trên chiếc xe máy cũ được trang bị 1 mô tơ có trục xoay ở giữa, 2 bên gắn thêm 2 miếng xốp tròn dùng để đánh bóng. Kèm theo đó là một ít nước tẩy để vệ sinh sạch phần gỉ bên ngoài bộ lư, cùng một thanh sáp đánh bóng kim loại - “trợ thủ” giúp bộ lư đồng thêm sáng hơn.
Để bộ lư được trông như mới thì mỗi người thợ đều có kĩ thuật và bí quyết riêng. Theo ông Tới, khi bắt đầu làm phải vệ sinh lư thật kĩ, rồi lau khô. Khi đưa vào máy đánh, người thợ cần di chuyển bề mặt lư thật đều tay, kết hợp với đánh sáp vào đĩa xốp để tăng hiệu quả làm bóng lư đồng.
“Chùi bộ lư lớn phải mất cả giờ đồng hồ mới xong, còn bộ nhỏ thì cũng khoảng 45 phút. Mà khó nhất là chùi con kì lân, vì nó có nhiều góc cạnh và chi tiết phức tạp hơn so với những bộ phận khác nên phải làm rất lâu thì nó mới sáng đẹp” – Ông Tới cho hay.
Còn theo bà Nguyễn Thị Bảy (59 tuổi, vợ ông Tới) chia sẻ: “Hồi trước đâu có máy móc như bây giờ, người ta tự chùi thủ công ở nhà nhưng chỉ làm sạch phần đồng gỉ xanh thôi chứ không sáng như mình chùi máy được”.
Thời chưa có mô tơ điện như bây giờ. Mỗi lần đi chùi lư, vợ chồng bà phải kéo theo xe ba gác phía sau để chở chiếc máy dầu. Đi tới đâu thì quay máy chùi tới đó, rất cực.
Thế nhưng bù lại, qua mỗi đợt chùi lư, vợ chồng ông Tới thu về khoảng 6 – 7 triệu đồng, đủ để trang trải chi tiêu trong những ngày Tết đến xuân về.