'Nghề cổ' trong phố cổ

Thành phố Nam Định xưa có đến hơn 40 phố cổ. Trong bài ca dao 'Thành Nam cảnh trí', tác giả dân gian đã miêu tả sự sầm uất, tấp nập bán mua trên những phố 'Hàng' ở Thành Nam. Mỗi phố gắn với một nghề, nghề làm nên 'đặc trưng' riêng của phố. Để rồi, đời nọ nối đời kia, người phố nối nghiệp, gìn giữ nghề xưa, tiếp tục làm nên thương hiệu của những phố 'Hàng' nức tiếng.

 Ông Vũ Đức Tỉnh, nhà thuốc số 21 Bắc Ninh (thành phố Nam Định) thuộc thế hệ thứ 5 trong dòng họ Vũ theo nghề làm thuốc Bắc.

Ông Vũ Đức Tỉnh, nhà thuốc số 21 Bắc Ninh (thành phố Nam Định) thuộc thế hệ thứ 5 trong dòng họ Vũ theo nghề làm thuốc Bắc.

"Nghề cổ" trong lòng phố cổ

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, Thành Nam xưa vốn là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, các phố, phường nổi tiếng với nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Kinh kì Thăng Long. Xưa kia, cộng đồng dân cư sinh sống, lập nghiệp ở Thành Nam đã hình thành nên hai loại phố cơ bản là những phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và những phố có nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa bản địa độc đáo, đa dạng, phong phú.

“Thành Nam cảnh trí an bài. Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông. Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông. Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng. Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng. Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen. Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm. Gặp nhau Bến Gỗ vui sân một nhà. Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa. Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng” (Thành Nam cảnh trí)… Mỗi câu thơ gần như liệt kê một mặt hàng buôn bán đặc trưng của phố. Nhiều tên phố được đặt theo các phường nghề như: Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Cấp, Hàng Mành, Hàng Đường, Hàng Mắm, Hàng Gà, Hàng Thùng… Phố Hàng Sắt chuyên sản xuất, buôn bán sản phẩm rèn, gò từ tôn, sắt. Phố Hàng Mành chuyên bán mành tre, đồ luồng nứa. Phố Hàng Song bán vàng mã, hương nến. Phố Hàng Tiện chuyên sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, nghề mộc, chạm khắc từ làng Chôm (Hà Tây cũ) và những người thợ gốc La Xuyên, Cát Đằng xưa là đất Vọng Doanh (Ý Yên). Phố Hàng Cấp chuyên nghề dệt cấp (một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm), lụa của những người thợ dệt gốc làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Phúc (Hà Tây cũ). Phố Vải Màn là nơi sinh sống, buôn bán các mặt hàng dệt vải của dân làng Dịch Diệp (Trực Ninh); làng Thịnh, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc trước đây); làng Hoa Chiểu, Tiên Lữ (Hưng Yên)… Các phố nghề không chỉ cung cấp sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống dân sinh, mà còn mang đến các giá trị văn hóa nghề truyền thống từ khắp nơi hội tụ về, tạo nên sự đa dạng các sắc thái văn hóa.

“Hỗ trợ” cho các nghề thủ công phát triển Thành Nam xưa còn có hệ thống các chợ, là trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất nối liền Thành Nam với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và các vùng miền khác. Ở đây có các chợ: Rồng, Đò Chè, Vị Hoàng, Cửa Trường, Năng Tĩnh… với đặc thù riêng về mặt hàng, sản phẩm và kiến trúc. Đặc biệt, chợ Rồng được coi là trung tâm thương mại lớn thứ hai khu vực Bắc Kỳ (sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội). Năm 1873, Pháp đánh chiếm thành Nam Định, nhận thấy vị trí “địa lợi”, thực dân Pháp đã xây dựng thành phố trở thành trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của miền Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng); nạo vét sông Đào, xây dựng hệ thống điện, đường… càng tạo điều kiện cho những nghề thủ công trong lòng phố phát triển, có cơ hội giao thương. Tài hoa của thợ nghề, vì vậy càng có cơ hội “phô bày”, giới thiệu đến khách gần xa.

Tài hoa thợ phố nghề

Tầng 2 số nhà 75, phố Hai Bà Trưng có 1 gian trang nghiêm thờ quan Cửu phẩm Trần Văn Thủy, người được coi là “tổ nghề” hàng mã, đồ thêu ở thành phố Nam Định xưa kia. Ông Thủy vốn người gốc Huế, được triều Nguyễn sắc phong, ban đất ở Nam Định rồi về Thành Nam sinh cơ lập nghiệp. Anh Trần Anh Phong là đời thứ 5 trong dòng họ Trần nối nghiệp nghề xưa. Trước đây, khi mẹ anh còn khỏe, nhà anh giống như một “tổ hợp” sản xuất thu nhỏ gồm xưởng may thêu và khu vực làm đồ hàng mã. Những năm đầu đổi mới, mẹ anh, bà Phạm Thị Chương còn được biết đến với vai trò là chủ nhiệm một hợp tác xã (HTX) thêu có tiếng ở Thành Nam. Thêu cờ, phướn, theo bà Chương đòi hỏi người thêu phải am hiểu chữ Nôm và có kỹ thuật thêu đủ "tứ linh" long, ly, quy, phượng… mới cho ra sản phẩm tốt. Tuổi cao, bà Chương hiện đã nghỉ công việc thêu thùa, hàng ngày ngồi bán hàng mã, rảnh rỗi thì xem con cháu làm lân, rồng, sư tử. Để làm hoàn chỉnh một con lân, sư tử, rồng có kích thước cỡ vừa, anh Phong mất khoảng 7 ngày “cật lực”. “Kỹ” trong từng công đoạn, các sản phẩm do gia đình anh Phong làm ra được thị trường đánh giá cao, có giá bán trung bình từ 3,5-7 triệu đồng/sản phẩm. Anh cũng từng làm các con lân, rồng lớn phục vụ những sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội), lễ hội Đền Trần hàng năm…

 Sản phẩm lân - sư - rồng của gia đình anh Trần Anh Phong, số nhà 75, phố Hai Bà Trưng luôn được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao.

Sản phẩm lân - sư - rồng của gia đình anh Trần Anh Phong, số nhà 75, phố Hai Bà Trưng luôn được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao.

Ở vào thời kỳ cực thịnh, thành phố Nam Định đã từng hình thành HTX làm hương quy tụ vài chục hộ và hàng trăm thợ làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống. Qua thời gian, HTX làm hương và nghề hương trầm ở phố Hàng Giấy không còn, để giữ nghề, thợ làm hương tản mát đi khắp nơi và mở các cơ sở làm hương mới. Riêng ở phố Minh Khai hiện vẫn có khoảng chục hộ gia đình duy trì được nghề làm hương trầm. Các phố Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh hiện là điểm tập trung kinh doanh, buôn bán thuốc Bắc của dân “tứ xứ” về đất Thành Nam. Ở đây có những nhà thuốc lâu đời, vang tiếng mà chỉ cần đọc tên đã cảm thấy được dư vị... của thời gian như: Phú Minh Đường, Hưng Thịnh… Qua hàng trăm năm, nhận thấy nơi đây có thể phát triển nghề, những người làm thuốc, kinh doanh thuốc Bắc tập trung tại phố nghề hình thành nên các hiệu thuốc, điểm buôn bán sầm uất. Phát triển nghề, hiện các nhà thuốc còn “đa dạng hóa” nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu khách hàng. Không chỉ kê đơn, bốc thuốc, tại các nhà thuốc trong phố, khách hàng còn có thể tìm mua nhiều dược liệu quý hiếm gồm: bạch sâm, nấm thượng hoàng, sừng tê giác, nhung hươu, tam thất, đông trùng hạ thảo… Ông Vũ Đức Tỉnh, nhà thuốc Vũ Đức Tỉnh, 21 Bắc Ninh thuộc thế hệ thứ 5 trong dòng họ Vũ theo nghề làm thuốc Bắc. Đều đặn từ hơn chục năm nay, người đàn ông ngoài 70 tuổi dậy từ 5h sáng bào chế, sao tẩm, làm thuốc. Đối với mỗi công đoạn làm thuốc, cũng theo ông Tỉnh có các bí quyết gia truyền riêng. Nghề thuốc trong các phố phát triển, trung bình các cơ sở khám, chữa bệnh bốc thuốc, kê đơn cho 10-15 người mỗi ngày.

Anh Trần Văn Mạnh, ở số nhà 41 Hai Bà Trưng đã duy trì nghề làm tôn kéo dài qua 4 thế hệ của dòng họ Trần. Theo thời gian, nhu cầu sử dụng mặt hàng tôn cũng ít dần so với trước nên công việc của anh có những thời điểm tương đối khó khăn. Để duy trì nghề, đòi hỏi những thợ nghề như anh phải nghĩ ra nhiều mẫu mã mới với chất lượng, giá thành phải chăng. Ngoài các sản phẩm truyền thống rương, hòm, xô, chậu…, hiện nay những người thợ làm tôn ở phố Hai Bà Trưng còn sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu đời sống hiện tại như: lò đốt vàng mã, kệ hàng, bếp nướng… Trung bình 1 tháng anh nhập khoảng 3-4 tấn nguyên liệu, 1 năm sản xuất từ 5.000-6.000 sản phẩm xuất đi thị trường cả nước.

“Hàng Dầu, Hàng Mã, Hàng Nồi, Hàng Trống, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng. Hàng Cau, Hàng Nón, tưng bừng. Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây”, kết thúc bài thơ “Thành Nam cảnh trí”, tác giả dân gian đã nhận định sau khi miêu tả kỹ càng từng đặc trưng nghề nghiệp của các phố. Góp phần làm nên một Thành Nam văn vật có những đặc sản của phố nghề, có bàn tay tài hoa của những người thợ làm nghề tâm huyết. Để ngày nay, mỗi khi nhắc đến một tên phố nào đó, người ta vẫn mãi hoài niệm về nghề cũ phố xưa với những bồi hồi, xuyến xao, trân trọng.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/phong-su-ky-su/202501/nghe-co-trong-pho-co-3a92139/