Nghề có từ thời tiền sử 'biến' những mảnh xương động vật thành tác phẩm nghệ thuật kinh ngạc
Chạm khắc xương có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa Ấn Độ. Vào triều đại Mughal, các thành viên hoàng gia sẽ sử dụng những tác phẩm chạm khắc xương tinh xảo để trang trí cung điện của họ.
Tại huyện Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), có một nhà xưởng đang giúp bảo tồn truyền thống nghệ thuật có từ thời tiền sử. Jalaluddeen Akhtar - chủ của khu xưởng - đã học kỹ năng điêu khắc xương từ chú mình vào năm 1980 và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp kể từ đó. Giờ đây, con trai ông - Aqueel - cũng đang tiếp nối nghề nghiệp của cha mình tại một trong số ít các xưởng điêu khắc còn hoạt động trong vùng.
Tuy nhiên, cùng với xã hội ngày càng hiện đại, nghề chạm khắc xương đang gặp phải khá nhiều thách thức. Dù nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng những khó khăn như chi phí điện cao, khan hiếm nguyên liệu và thị trường thu hẹp đã khiến người lao động khó để duy trì nghề truyền thống này.
Hiện tại, gia đình Akhtar đang cố gắng kéo dài nghề truyền thống bằng cách tham dự và truyền bá kiến thức về chạm khắc trong các hội thảo do chính phủ trợ cấp, đồng thời cùng với một số nghệ nhân chuyên nghiệp khác tiếp tục tạo ra những tác phẩm chạm khắc bằng xương tuyệt đẹp.
Nguồn gốc của nghệ thuật chạm khắc xương
Kể từ khi con người bắt đầu biết săn bắn, họ đã sử dụng xương động vật để chế tạo công cụ. Vì vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao hơn gỗ, xương bắt đầu được sử dụng để làm ra công cụ lao động. Về sau, các món đồ trang sức từ xương cũng được tạo ra và sử dụng như một vật tượng trưng cho quyền lực và kỷ niệm.
Đến thế kỷ 17, khi nghệ thuật chạm khắc dần phát triển, các nghệ nhân thường sử dụng ngà voi hoặc sừng tê giác để phô bày kỹ năng của mình. Các tác phẩm nghệ thuật như đồ trang sức, gậy chống hoặc rương đựng đồ được chạm khắc tinh xảo dần trở nên thịnh hành ở vùng Đồng bằng Ấn - Hằng, được các nhà cai trị cùng các vị vua đánh giá cao và đặt làm riêng. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy nghệ thuật chạm khắc xương, thậm chí còn khiến việc săn trộm voi để lấy ngà trở nên phổ biến trong khu vực.
Vào cuối thế kỷ 20, sau khi chính phủ đưa ra lệnh cấm buôn bán ngà voi, ngành nghề truyền thống này đã gặp phải nguy cơ lớn.
Trong khi một số người tận dụng kỹ năng chạm khắc của mình để chuyển hướng sang chạm khắc gỗ, những người khác lại quyết tâm bỏ nghề và chuyển sang làm lĩnh vực khác để mưu sinh.
Đối với những người muốn duy trì truyền thống của gia đình và tổ tiên, họ bắt đầu sử dụng các loại xương động vật như xương trâu - loại xương động vật có thể dễ dàng thu mua từ các cửa hàng bán thịt - để thay thế cho các vật liệu cũ. Hiện nay, đây vẫn là loại xương chủ yếu được gia đình Akhtar sử dụng để tạo nên các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.
Quá trình làm việc tỉ mỉ và phức tạp
Khi những đoạn xương đến với tay người nghệ nhân, chúng sẽ được cắt nhỏ, làm sạch và bắt đầu được chạm khắc. Sản phẩm được tạo ra vô cùng đa dạng từ đèn lồng, bút, dao đến hoa tai và dây chuyền. Những mảnh xương vụn không được sử dụng về sau sẽ được bán cho các doanh nghiệp để nghiền nát và cho vào phân bón.
Công việc phức tạp nhất mà Aqueel từng làm là khôi phục một chiếc đèn có tuổi đời lên đến 60 tuổi. Chiếc đèn cao khoảng 1,5m và được trang trí bởi vô số những hình chạm khắc có kích cỡ chưa đến 1mm trên khắp thân đèn. Dù đã kéo dài vài năm, việc sửa chữa chiếc đèn vẫn chưa thể hoàn thành.
Hầu hết các chi tiết chạm khắc xương đều đòi hỏi người nghệ nhân phải thực hiện hoàn toàn bằng tay. Quá trình tạo nên tác phẩm vẫn sử dụng máy móc, nhưng chúng chỉ giới hạn ở những giai đoạn thô sơ như dùng máy cưa để cắt xương hoặc máy khoan để tạo lỗ.
Nhiều người vốn có quan điểm tiêu cực về nghề chạm khắc vì lịch sử sử dụng ngà voi, tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, những người nghệ nhân cũng nhận ra rằng việc làm hại động vật chỉ vì nghệ thuật là một hành động sai lầm. Chính vì vậy, họ đã quyết tâm thay đổi bằng cách sử dụng xương của các loại động vật khác - thông thường là động vật nuôi lấy thịt - thay cho xương hoặc ngà của các loài quý hiếm.
Aqueel chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với My Modern Met: "Khi mọi người nhìn vào tác phẩm của chúng tôi, chúng tôi mong rằng họ không chỉ nhìn thấy những hoa văn phức tạp bề ngoài mà còn nhìn thấy được lịch sử hàng ngàn năm của nó. Tôi muốn họ nhận ra rằng chúng tôi đã tiến bộ bao nhiêu so với nguồn gốc ban đầu".
Nguồn: My Modern Met