Nghề của lòng nhân ái

PTĐT - Công tác xã hội (CTXH) là nghề đặc biệt. Những người làm CTXH có vai trò, nhiệm vụ xóa bỏ rào cản bất công, mang lại hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững.

Nhân viên y tế Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ cấp thuốc cho người bệnh.

Nhân viên y tế Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ cấp thuốc cho người bệnh.

PTĐT - Công tác xã hội (CTXH) là nghề đặc biệt. Những người làm CTXH có vai trò, nhiệm vụ xóa bỏ rào cản bất công, mang lại hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững. Do đó, đòi hỏi ở họ lòng nhân ái và sự đồng cảm sâu sắc, sẵn sàng sẻ chia với những người yếu thế. Nhiều năm nay, những hoạt động của đội ngũ cộng tác viên CTXH trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng nói chung, đối tượng yếu thế nói riêng, chung tay xây dựng xã hội văn minh và nhân ái.
Thầm lặng vì cộng đồng
Đã đôi lần tôi có dịp đến thăm Trung tâm trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần của tỉnh ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Nằm cách quốc lộ 2 khoảng 1km, song mỗi lần bước qua cánh cổng Trung tâm, tôi lại có cảm giác như mình đi vào một thế giới riêng với không gian trầm lắng và thời gian dường như ngưng đọng lại. Đây là nơi y sỹ Lê Thị Thi Vĩnh - Phó trưởng Phòng Y tế - Phục hồi chức năng gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Trung tâm hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 186 đối tượng, trong đó 146 người tâm thần đặc biệt nặng, 40 người già cô đơn và người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa.Chị Vĩnh chia sẻ: “Thật lòng mà nói, đối với mỗi cán bộ ở đây, việc chăm lo, phục vụ cho người khuyết tật tâm thần, người già, trẻ sơ sinh mà không phải là người thân thích của mình gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi bản thân tôi và đồng nghiệp phải có tình yêu thương lớn lao, tâm huyết với nghề. Ở Trung tâm, mỗi người một thể bệnh, có những người phải nằm liệt giường, phải phục vụ hoàn toàn; có những người tâm thần cao tuổi vì bất mãn với con cái mà xé rách quần áo, chửi bới hay có những người khi ở nhà đã từng đánh chửi người thân, giết người, có án tích. Hằng ngày chúng tôi còn phải đối mặt với nguy cơ đối tượng bỏ trốn vì nhớ nhà hay vì họ cho rằng mình không bị bệnh”.Do đó, việc chăm sóc, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho các đối tượng ở đây vô cùng khó khăn, đòi hỏi cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải kiên trì, bền bỉ. Chị Vĩnh không khỏi xót xa khi phải điều trị cho những thanh niên, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học bị tâm thần phải vào Trung tâm nuôi dưỡng trong hoàn cảnh khó khăn mà chưa biết tương lai sẽ ra sao. Chị Vĩnh luôn tự nhắc nhở mình phải làm tròn trách nhiệm, cống hiến hết mình bằng cái tâm của người thầy thuốc, của cán bộ làm CTXH để chăm lo, động viên cho những người kém may mắn yên tâm điều trị. Bởi với chị, không gì hạnh phúc bằng tình cảm, sự quý trọng mà người bệnh dành cho mình. Chính điều đó đã sưởi ấm, trở thành động lực khích lệ chị và đồng nghiệp vượt qua khó khăn để tiếp tục cống hiến. Được đánh giá là cán bộ trẻ năng nổ, nhiệt huyết, 6 năm qua, anh Trần Duy Hùng- Cộng tác viên CTXH xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn luôn nỗ lực đóng góp cho các hoạt động cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2014, anh quyết định trở về quê đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương. Võ Miếu là xã miền núi đông dân với hơn 13.000 nhân khẩu, trong đó gần 400 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Nhớ lại những ngày đầu làm cộng tác viên CTXH, anh Hùng tâm sự: “Tôi tưởng rằng mình không theo đuổi nghề được lâu dài bởi chế độ đãi ngộ thấp, trong khi lượng công việc phải làm không hề nhỏ. Va vấp với thực tế đã cho tôi thấy rằng, những khó khăn ở ngoài đời sống còn hơn cả những gì tôi nghĩ. Nhưng càng tiếp xúc với những hoàn cảnh éo le, tôi càng thêm đồng cảm với họ. Từ những trường hợp được tôi động viên, trợ giúp đã vươn lên thoát khỏi cảnh khó khăn đã trở thành những bài học sinh động và tiếp thêm cho tôi niềm say mê, tình yêu với nghề”.

Cộng tác viên CTXH xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (bên trái) đến gặp gỡ, tư vấn cho gia đình có người bị tâm thần ở khu Hà Biên.

Cộng tác viên CTXH xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (bên trái) đến gặp gỡ, tư vấn cho gia đình có người bị tâm thần ở khu Hà Biên.

Cần nâng cao nhận thức của cộng đồngThực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 32) và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tháng 8/2011, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Thực tế những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách đối với người nghèo, chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, tiếp nhận chăm sóc người tàn tật, người già yếu cô đơn, người tâm thần, trẻ mồ côi không nơi nương tựa… tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đội ngũ cộng tác viên, nhân viên CTXH trên địa bàn tỉnh hiện có 229 người, trong đó 225 CTV cấp xã và 4 nhân viên CTXH cấp tỉnh (thuộc Trung tâm trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần). Những địa phương có đông CTV CTXH như: Hạ Hòa, Yên Lập, Tân Sơn… Các huyện như: Thị xã Phú Thọ, Lâm Thao… có số cộng tác viên CTXH ít hơn. Mặc dù không có chức danh CTXH, song Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện đều có cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có phòng Bảo trợ xã hội, trẻ em và bình đẳng giới; Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 9 trung tâm, cơ sở thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CTXH. Bà Phạm Thị Thu Hương- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Sau 10 năm thực hiện Đề án Nghề công tác xã hội tại tỉnh đã đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Căn cứ nhiệm vụ, đội ngũ cộng tác viên CTXH trong tỉnh đã hoạt động tích cực, mỗi năm đã hỗ trợ hàng ngàn cá nhân, gia đình và người dân giải quyết những vấn đề khó khăn nảy sinh trong đời sống xã hội đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế như: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người già cô đơn, hộ nghèo… Thực hiện Đề án, mỗi cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vận dụng sáng tạo nghề CTXH trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thông qua việc quản lý, thực hiện chính sách, kết nối nguồn lực hỗ trợ cá nhân, cộng đồng chăm lo đời sống các đối tượng chính sách xã hội thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 10% (năm 2010) xuống còn 4,34% (năm 2020). Đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội tăng từ 40.595 người (năm 2010) lên gần 65.000 người (năm 2020). Những người tâm thần nặng, tâm thần lang thang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội…Tuy vậy, CTXH nói chung còn một số khó khăn. Các trung tâm liên quan đến CTXH được thành lập chủ yếu thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần tại các trung tâm mặc dù đã được đầu tư cải thiện, song chưa phong phú. Đa số cộng tác viên CTXH cấp xã là kiêm nhiệm, số ít được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH… Trước sự phát triển của kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như: Đời sống của các hộ nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ mồ côi còn gặp nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; tình trạng ly hôn; người tâm thần lang thang. Số lượng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt cần sự trợ giúp của cán bộ, cộng tác viên CTXH ngày càng tăng. Vì vậy, thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, tạo điều kiện cho đối tượng yếu thế vươn lên hòa nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đòi hỏi tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về nghề CTXH; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên làm việc tại các sở, ngành, địa phương, các trung tâm, trường học, bệnh viện… Hiện nay, Trường Đại học Hùng Vương đang thực hiện đào tạo cử nhân chuyên ngành CTXH với mục tiêu đào tạo những sinh viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe; nắm vững hệ thống kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề công tác xã hội; có khả năng nghiên cứu, phát hiện và giúp cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết vấn đề xã hội trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cả 3 cấp độ bệnh viện, cộng đồng và hoạch định chính sách với nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.Hy vọng, thời gian tới, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh trong phát triển nghề CTXH cùng với việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của nghề này sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, đưa Phú Thọ ngày càng phát triển giàu đẹp và văn minh.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/nghe-cua-long-nhan-ai-175832