'Nghề giáo viên như người pha nước chấm'
Nghề giáo bao năm được so sánh như người lái đò. Điều này nghe cũng hay nhưng quen thuộc quá. Tôi lại nghĩ nghề giáo cũng như người pha nước chấm.
Tôi khá mê các món truyền thống của Việt Nam (nem, bánh cuốn). Trong đó, món nước chấm là một phần không thể thiếu. Trong suy nghĩ lan man, tôi thấy nghề giáo giống với người pha nước chấm.
Cần nghiêm khắc và yêu thương
Hai thành phần bắt buộc của nước chấm là nước mắm và đường. Thiếu một trong hai không thể làm được nước chấm.
Cũng như vậy, hai điều nhất định giáo viên cần có là nghiêm khắc (nước mắm) và yêu thương (đường).
Thầy cô chỉ nghiêm mà thiếu yêu thương sẽ khô cứng, học sinh gặp nhiều áp lực, yêu thương mà thiếu nghiêm khắc sẽ không có uy, khó uốn nắn học sinh tiến bộ.
Ngoài hai thành phần bắt buộc trên thì nước. chấm còn thêm chanh, giấm, tiêu, ớt... tùy theo đặc trưng món ăn cần chấm.
Cũng như vậy, ngoài nghiêm khắc, yêu thương, giáo viên cũng cần một chút hài hước, chút "chanh" chua, chút gay gắt, chút trẻ trung... Tóm lại, giáo viên cũng cần lắm chiêu.
Vậy tại sao cùng các nguyên liệu như nhau mà mỗi người lại pha thành một nước chấm khác nhau, người được khen hết lời, người bị chê tới tấp? Điều này do người pha gia giảm liều lượng các thành phần khác nhau.
Cũng vậy, mỗi thầy cô là một phong cách khác nhau, không đụng hàng. Có thầy nghiêm khắc, có cô nhẹ nhàng.
Nó giống việc hỏi bạn thích loại nước chấm nào. 100 người là 100 sở thích khác nhau. Nhưng có thể tổng hợp một số điểm chung của thầy cô được nhiều học sinh quý trọng.
Học sinh "kết" kiểu giáo viên nào?
Thầy cô tâm huyết, đây là đặc điểm nghề nào cũng yêu cầu. Theo tôi, xuất phát điểm của người giáo viên không quá quyết định tất cả. Thầy cô tâm huyết, yêu nghề sẽ tự tìm tòi học hỏi, điều chỉnh qua từng tiết học để tìm ra cách tiếp cận phù hợp giúp học sinh hiểu bài, yêu môn học hơn.
Giáo viên nghiêm khắc, công bằng rất quan trọng. Trẻ em rất trung thực, do vậy các con luôn đánh giá rất cao thầy cô nào giữ lời, công bằng. Những người đứng trên bục giảng đã đề ra nội quy thì phải nghiêm túc thực hiện, không thiên vị bất cứ học sinh nào. Một số thầy cô hay dọa học sinh các hành vi như hạ hạnh kiểm, gọi cho bố mẹ nhưng lại không thực hiện dần làm các con không tôn trọng.
Thầy cô hài hước luôn được học sinh yêu mến. Giáo viên vào lớp có gương mặt nghiêm trọng, học sinh im thin thít, bỗng nhiên kể một câu chuyện cười. Ví dụ thầy cô đang giảng bộ môn Hình học khô khan nhưng kể chuyện ngày xưa đến đón bạn gái đi chơi phải đi đường nào cho ngắn nhất, đó chính là ứng dụng bất đẳng thức trong tam giác. Khi cả lớp gặp bài khó, thầy cô giảng vài lần các em vẫn lơ mơ thì mang túi kẹo ra phát cho cả lớp, đảm bảo ăn xong, giảng lại thì cả lớp sẽ hiểu bài. Người lớn chúng ta đôi khi cũng thích những người thú vị như thế phải không?
Những thầy cô liên hệ thực tế, dễ hiểu khi dạy kiến thức luôn có sức hấp dẫn. Các câu hỏi "Học để làm gì" luôn khiến chính người lớn băn khoăn. Khi dạy toán lớp 6, tôi hay lấy ví dụ các bạn trong lớp góp tiền kinh doanh, trong đó lãi là số dương, lỗ là số âm. Các em sẽ chia số tiền lãi và lỗ như thế nào? Như vậy qua một tình huống thực tế, học sinh sẽ hiểu được khái niệm số nguyên âm, tỷ lệ thức. Khi hiểu được mục đích, các con sẽ học chủ động, hiệu quả hơn hẳn, không còn thấy việc học vô nghĩa nữa.
Thầy cô cần am hiểu tâm sinh lý học sinh. Các em đang ở lứa tuổi phát triển, cả về cơ thể và tâm sinh lý, mỗi ngày một khác, đặc biệt ở lứa tuổi cấp 2. Giáo viên ngoài giỏi chuyên môn cần nắm vững tâm lý học sinh để uốn nắn kịp thời khi các con có biểu hiện chưa phù hợp. Xét cho cùng, dạy làm người mới là cốt lõi nhất. Khi biết tôn trọng thầy cô, có thái độ học tập đúng đắn thì kết quả học tập sẽ tự động được cải thiện.
Ông bà ta có câu "Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng".
Đã yêu quý người pha thì dù nước chấm bình thường vẫn thấy ngon. Cũng như vậy, những giáo viên được học sinh quý trọng thì việc dạy học khá nhẹ nhàng, hiệu quả. Bản thân học sinh là người cảm nhận rõ nhất thầy cô nào tâm huyết, thực sự tốt với mình, từ đó dần quý trọng và yêu thích học tập.
Mỗi học sinh là một thực khách với khẩu vị khác nhau, thậm chí trái ngược. Không có công thức chung cho nước chấm ngon cho tất cả, cũng như không thể có phương pháp chung cho tất cả học sinh.
Theo tôi, giải pháp duy nhất là những người làm nghề giáo không ngừng học hỏi, đọc sách, mạnh dạn áp dụng vào thực tế, gia giảm để tìm ra "khẩu vị" phù hợp với từng học sinh. Khi đó việc dạy học sẽ như một thú vui, càng dạy càng ham, càng nói nhiều càng sang sảng, như một dạng dopping vậy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-giao-vien-nhu-nguoi-pha-nuoc-cham-post1195520.html