Nghề giúp xin thôi việc tại Nhật

Đài CNN cho biết văn hóa làm việc của Nhật Bản gây khó cho lao động muốn xin thôi việc, từ đó sinh ra nghề giúp thực hiện chuyện này.

Yuki Watanabe từng dành 12 tiếng mỗi ngày để làm việc quần quật trong văn phòng một công ty viễn thông và thanh toán điện tử lớn nhất nước. Một ngày làm việc điển hình từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối là mức tối thiểu, thời điểm rời văn phòng muộn nhất là 11 giờ đêm.

Yêu cầu công việc căng thẳng đến mức nữ nhân viên 24 tuổi bắt đầu thấy chân run và dạ dày gặp vấn đề. Watanabe biết mình phải nghỉ, nhưng văn hóa làm việc kiểu áp đặt từ trên xuống của Nhật cản trở cô làm vậy.

Tại Nhật, tan ca đúng giờ hoặc xin nghỉ phép chẳng phải chuyện dễ. Việc nộp đơn từ chức càng khó khăn hơn vì bị xem như hành vi thiếu tôn trọng tột cùng do lao động nước này thường gắn bó với một công ty vài chục năm, thậm chí cả đời. Trong vài trường hợp cực đoan, chủ doanh nghiệp còn xé nát đơn từ chức và quấy rối nhân viên để buộc họ ở lại.

Wanatabe không hài lòng với công việc cũ. Người quản lý trước đây thường làm ngơ khiến cô cảm thấy vô cùng tồi tệ, nhưng nữ nhân viên không dám xin thôi việc. Cô phá vỡ thế bế tắc bằng cách tìm đến công ty Momuri chuyên giúp lao động nhút nhát rời bỏ chủ doanh nghiệp đáng sợ.

Chỉ với mức phí bằng một bữa tối sang trọng, lao động Nhật đã có thể ủy quyền cho đơn vị như Momuri giúp xin thôi việc. Nghề này tồn tại từ trước dịch COVID-19, vài năm gần đây trở nên phổ biến vì thời gian làm việc tại nhà khiến nhiều lao động suy ngẫm về sự nghiệp của bản thân.

Không rõ có bao nhiêu công ty giúp xin thôi việc, nhưng rõ ràng nhu cầu đang gia tăng. Giám đốc điều hành Momuri Shiori Kawamata cho biết chỉ riêng năm qua họ nhận đến 11.000 yêu cầu.

Nằm ở khu thương mại sầm uất Minato trên địa bàn thủ đô Tokyo, công ty được thành lập năm 2022. Momuri trong tiếng Nhật nghĩa là “tôi không thể làm điều này nữa”. Họ lấy phí 22.000 yên (khoảng 150USD) hoặc 12.000 yên với khách hàng làm việc bán thời gian, cam kết giúp nộp đơn từ chức, đàm phán với doanh nghiệp mà khách làm việc cho và tư vấn thuê luật sư nếu phát sinh tranh chấp pháp lý.

“Một số người tìm đến chúng tôi sau khi đơn từ chức của họ bị xé 3 lần. Bên sử dụng lao động không cho nghỉ việc dù họ quỳ xuống đất cầu xin. Vài trường hợp khóc lóc gọi cho Momuri hỏi rằng có thể nghỉ việc vì lý do nào đó hay không. Chúng tôi nói rằng nghỉ việc nằm trong quyền lao động”, bà Kawamata chia sẻ.

Nhiều lao động phàn nàn chủ doanh nghiệp tiến hành quấy rối nếu họ cố nghỉ việc, chẳng hạn đến căn hộ nơi lao động ở bấm chuông liên tục. Thậm chí có trường hợp bị chủ kéo đến một ngôi đền ở Kyoto vì nghĩ rằng người này “bị nguyền rủa”.

Theo bà Kawamata, khách tìm đến Momuri thường làm việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều nhất là lao động ngành thực phẩm và y tế.

Văn hóa làm việc quá sức

Nhật nổi tiếng với văn hóa làm việc quá sức. Lao động không ít ngành nghề phải làm việc trong thời gian dài dưới áp lực từ cấp trên. Giáo sư Hiroshi Ono (Đại học Hitotsubashi) cho biết tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ công bố danh sách doanh nghiệp vô đạo đức nhằm cảnh báo người tìm việc, đến nay danh sách có đến hơn 370 cái tên.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật, năm 2022 có 54 trường hợp qua đời vì bệnh não hoặc bệnh tim do làm việc quá sức. Hai thập kỷ trước ghi nhận đến 160 trường hợp. Trong cùng khoảng thời gian, số người nộp đơn khiếu nại về căng thẳng tinh thần tại nơi làm việc tăng vọt từ 341 lên 2.683.

Năm 2017, một phóng viên làm việc cho đài NHK qua đời do suy tim sau khi làm thêm đến 159 giờ trong 1 tháng. Đến 5 năm sau lại thêm một bác sĩ ở thành phố Kobe tự tử sau khi làm thêm hơn 200 giờ trong 1 tháng.

Giáo sư Hisakazu Kato (Đại học Meiji) nhận định mặc dù luật pháp Nhật bảo vệ và cho phép lao động từ chức, nhưng đôi lúc môi trường nơi làm việc khiến họ khó xin thôi việc.

Thế hệ trẻ thay đổi

Vậy tại sao vài năm gần đây là xuất hiện nghề giúp xin nghỉ việc? Theo giới chuyên gia thì đây là do quan điểm với công việc của thế hệ trẻ thay đổi.

“Khi một bên không hài lòng, bạn có thể kết thúc bằng một cuộc ly hôn. Nhưng giống như ly hôn, không bên nào hoàn toàn không có lỗi cả”, theo ông Ono.

Trong bối cảnh dân số già hóa cùng tỷ lệ sinh giảm khiến đất nước thiếu hụt lao động, thế hệ trẻ “có giá” hơn trên thị trường việc làm. Họ không còn giữ quan điểm nên làm bất cứ điều gì được bảo bất kể bản chất công việc là gì. Hơn nữa họ sẵn sàng từ chức nếu công việc không đáp ứng kỳ vọng.

Nhưng như vậy không có nghĩa họ đủ dũng khí trực tiếp nộp đơn từ chức. Ông Ono cho biết: “Tôi cho rằng thế hệ trẻ ngày nay ít dám đối đầu hơn. Nhiều người càng trở nên khép kín hơn vì COVID-19, do đó lao động trẻ tuổi thích xin thôi việc mà không cần gặp trực tiếp cấp trên”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nghe-giup-xin-thoi-viec-tai-nhat-223307.html