Nghề 'hot' chơi vơi giữa mùa dịch

Những người làm nghề 'hot' ở vùng đất du lịch Sa Pa đang chơi vơi giữa mùa dịch Covid-19 bởi không có thu nhập để nuôi gia đình và trang trải cho những khoản nợ do vay vốn đầu tư.

Anh Hoàng Đức Kìn dọn dẹp homestay hằng ngày để chờ cơ hội đón khách trở lại.

Anh Hoàng Đức Kìn dọn dẹp homestay hằng ngày để chờ cơ hội đón khách trở lại.

Trở lại thời điểm vài năm trước, khi du lịch cộng đồng nở rộ ở thị xã Sa Pa cũng là lúc nhiều hộ ở đây đầu tư xây dựng homestay đón khách du lịch. Làm mô hình du lịch cộng đồng và hướng dẫn viên du lịch trở thành nghề “hot” ở các xã Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải... Nhà nhà làm du lịch, người người làm hướng dẫn viên làm cho cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi từng ngày. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, những người làm nghề này đang “chơi vơi giữa dòng nước” bởi khách du lịch khi có khi không, nhiều homestay phải đóng cửa, hướng dẫn viên không có việc. Nhiều người lâm vào khó khăn, loay hoay, xoay sở mọi cách để có tiền trang trải cho cuộc sống và những khoản gốc, lãi vay.

Hơn 1 năm nay, ngày nào ông Hoàng Đức Kìn, chủ Anh Đức homestay tại thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van cũng chăm chỉ lau dọn homestay, chăm sóc cây cảnh để chờ đón khách du lịch. Tuy nhiên, lượng khách đến đây không đáng kể bởi những làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra. Làm homestay từ năm 2013, tuy nhiên đây là lần đầu tiên homestay của ông Kìn vắng khách như thế.

Ông Kìn tâm sự: Bao nhiêu vốn liếng, mồ hôi, công sức, tâm huyết của cả gia đình đổ vào homestay nhưng “quả ngọt” chưa được hưởng trọn vẹn thì dịch bệnh kéo đến. Ngoài vốn liếng tích cóp, gia đình tôi phải vay thêm để đầu tư xây dựng homestay. Vốn chưa thu hết, khoản vay 500 triệu đồng vẫn treo trên đầu mà hơn 1 năm không có thu nhập. Chúng tôi phải xoay sở đủ việc để trả lãi ngân hàng hằng tháng. Có lúc chúng tôi cũng nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình nhưng vốn đã cạn, có phát triển chăn nuôi cũng không khả quan. Chỉ mong dịch bệnh qua đi để du khách trở lại.

Chị Phan Bích Hợp, hướng dẫn viên du lịch chỉ biết chăm sóc mảnh vườn khi không có tour.

Chị Phan Bích Hợp, hướng dẫn viên du lịch chỉ biết chăm sóc mảnh vườn khi không có tour.

Không chỉ những chủ homestay, mà hướng dẫn viên du lịch ở xã Tả Van cũng gần như không có việc làm. Không làm hướng dẫn viên, họ lại trở về với công việc đồng ruộng hằng ngày nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Làm hướng dẫn viên du lịch hơn 6 năm nhưng gần 2 năm nay ít khách, chị Phan Bích Hợp, thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van phải về làm ruộng cùng bố mẹ đẻ và chăm sóc mảnh vườn quanh nhà. Cuộc sống của cả gia đình nay chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của người chồng làm giáo viên. Để chuyển từ một nông dân thuần túy thành hướng dẫn viên du lịch, chị Hợp đã phải cố gắng rất nhiều, từ việc trau dồi khả năng giao tiếp đến học tiếng Anh, liên kết với các công ty du lịch tìm tour... nhưng nỗ lực của chị đã bị dịch Covid-19 lấy đi.

“Trước đây, tháng cao điểm tôi có thể đi tour từ 17 đến 20 ngày, thu nhập tương đối ổn định. Tôi còn vay vốn mở homestay đón khách nhưng chưa được bao lâu thì phải đóng cửa. Làm hướng dẫn viên tự do, không ký hợp đồng cố định với công ty, không có tour thì các công ty không hỗ trợ. Chúng tôi mong được tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chị Hợp tâm sự.

Anh Phan Văn Cương, hướng dẫn viên du lịch tự do, thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Gia đình anh Cương có 6 khẩu (4 người lớn, 2 trẻ em) thì 4 người làm du lịch, nguồn thu nhập chính từ homestay và những lần đi tour của anh Cương. Mặc dù một tay bị dị tật nhưng anh vẫn nỗ lực vượt qua bản thân, trở thành hướng dẫn viên du lịch được nhiều đoàn khách tin tưởng. Trước hi dịch xảy ra, mỗi tháng thu nhập của anh có thể đạt 7 - 8 triệu đồng. “Thời gian dài không có thu nhập khiến tôi nản lòng với công việc hướng dẫn viên. Thế nhưng, nếu không bám vào du lịch thì cũng không biết làm gì bởi đất đai không còn nhiều. Tôi nhiều lần chạy đi, chạy lại để tiếp cận các gói hỗ trợ nhưng chưa được. Nếu dịch bệnh tiếp tục, không biết cuộc sống gia đình sẽ đi về đâu”. - anh Cương giãi bày.

Nói về việc triển khai Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Thúy Hồng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa cho biết: Chúng tôi đang rà soát và thẩm định theo các nhóm đối tượng được quy định, đặc biệt là đối tượng người lao động không có hợp đồng giao kết để đề xuất với các cấp, các ngành xem xét hỗ trợ. Vướng mắc lớn nhất là việc thẩm định đối với nhóm người lao động không có hợp đồng giao kết. Tuy nhiên, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Các chủ homestay, hướng dẫn viên du lịch, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Sa Pa đang “chơi vơi” với nghề. Họ đều có chung mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cấp, các ngành cần sớm triển khai đưa Nghị quyết 68 và Quyết định 23 vào cuộc sống. Sự hỗ trợ chỉ thực sự có ý nghĩa khi được triển khai đúng thời điểm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346164-nghe-hot-choi-voi-giua-mua-dich