Nghề 'hot' ở Bình Giang
Nhiều năm nay, nghề xay xát gạo đã giúp nhiều hộ ở huyện Bình Giang 'ăn nên làm ra', tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Nghề xay xát gạo ở huyện Bình Giang phát triển mạnh từ khoảng đầu năm 2000. Từ các cơ sở xay xát nhỏ lẻ, những doanh nghiệp xay xát lớn đã ra đời. Những chiếc máy xay xát thô sơ, bụi bặm cũng được thay thế bằng các dây chuyền xay xát, chà bóng gạo hiện đại làm nên những hạt gạo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ở đâu đường lớn, vùng lúa tươi tốt, ở đó có doanh nghiệp xay xát làm ăn phát đạt, hoạt động nhộn nhịp quanh năm, đặc biệt tấp nập sau mỗi vụ thu hoạch lúa.
Như thời điểm này tại Công ty TNHH Gạo Hưng Huyền ở thôn Cậy, xã Long Xuyên đang rất sôi động. Gạo sau khi chà bóng được công nhân đóng vào bao rồi vận chuyển lên xe tải đã chờ sẵn phía ngoài để chở đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc công ty cho biết gia đình kế thừa nghề xay xát gạo từ người cha. Hồi đầu, gia đình bà chỉ có 1 máy xay, mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 1 tấn gạo, ngày nhiều mới được 2 tấn. Năm 2000, bà Huyền mở rộng quy mô xay xát gạo, mua sắm thêm máy móc và thuê thêm người làm. Đến năm 2012, bà quyết định thành lập doanh nghiệp, đầu tư thêm máy móc, hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, khép kín, quy mô công nghiệp.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Gạo Hưng Huyền đã đầu tư thêm nhiều máy móc và một số xe tải để vận chuyển hàng hóa với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường từ 450-500 tấn gạo, khách hàng chủ yếu là một số doanh nghiệp, trường học có bếp ăn bán trú tại một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh…
Theo bà Huyền, công ty cũng gặp không ít khó khăn, nhất là thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nhưng đã không ngừng tìm kiếm khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời duy trì các đầu mối cung cấp hàng hóa ổn định, thường xuyên. Hiện công ty tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập trung bình từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, công ty thu lãi từ 700-800 triệu đồng.
Thị trấn Kẻ Sặt hiện có 10 cơ sở làm nghề xay xát gạo. Trong đó, Cơ sở thu mua thóc gạo của anh Phạm Văn Trường đã có hơn chục năm làm nghề. Lúc đầu, anh chỉ phục vụ việc xay xát gạo cho một số bà con trong làng, trong xóm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Dần dần nhận thấy việc xay xát gạo cho thu nhập tốt, anh đầu tư nâng công suất với dây chuyền, hệ thống xay tách vỏ, chà và đóng bao hoàn chỉnh, mở rộng nhà xưởng. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, anh Trường lại mua thóc tươi của bà con nông dân, sau đó thuê lò sấy khô và bắt tay vào công đoạn xay xát gạo. Mỗi vụ anh Trường thu mua khoảng 100 tấn thóc tươi cho bà con nông dân. Từ nghề xay xát gạo, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Theo anh Trường, việc nắm đúng thị hiếu của khách hàng và cung cấp đầy đủ nguồn hàng là điều quan trọng nhất giúp cơ sở của anh giữ chữ tín trong quá trình hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Nghĩa ở thị trấn Kẻ Sặt cho biết trước đây xã Tráng Liệt (cũ) nổi tiếng với nghề hàng xáo và xay xát gạo. Nghề này đã giúp nhiều gia đình có của ăn của để, xây dựng nhà cửa, nuôi con cái ăn học. Hiện nay, các cơ sở cũng có sự thay đổi, bắt nhịp với nhu cầu của thị trường. Cơ sở của ông Nghĩa chủ yếu cung cấp gạo cho bà con ở thị trấn và một số xã lân cận, có dịch vụ giao hàng tận nhà, mang lại thu nhập đều đặn cho gia đình ông.
Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát gạo trên địa bàn huyện tập trung ở xã Long Xuyên, thị trấn Kẻ Sặt. Trong đó xã Long Xuyên có 6 doanh nghiệp, 14 cơ sở lớn, thị trấn Kẻ Sặt có hơn chục cơ sở.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với hệ thống cơ sở xay xát phát triển theo hướng tập trung còn có hơn 100 hộ tham gia xay xát gạo nằm rải rác ở các xã. Ngoài việc thu mua thóc gạo trong huyện, các cơ sở xay xát còn mua thóc gạo ở các địa bàn lân cận và một số tỉnh khu vực phía Nam về chà bóng nhằm tăng chất lượng hạt gạo, sau đó xuất khẩu một phần sang thị trường Trung Quốc. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về sản lượng, giá trị sản xuất của nghề xay xát gạo ở địa phương này nhưng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mỗi năm, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát gạo trên địa bàn xuất khẩu từ 50.000-100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc.
Bình Giang có lợi thế khi đã xây dựng một số vùng nguyên liệu, cơ cấu giống lúa được chuyển đổi theo hướng tăng diện tích giống lúa chất lượng cao, trong đó tập trung vào giống Bắc thơm số 7 và lúa nếp, diện tích từ 2.000-3.000 ha/vùng. Các vùng lúa này cho thu hoạch từ 12.000-15.000 tấn/vụ. Theo ông Luyện, điều khác biệt của Bình Giang với các địa phương khác chính là hệ thống lò sấy phát triển tại một số xã như Thái Hòa, Long Xuyên, Thái Dương nên mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân bán luôn thóc tươi mà không mất công phơi, bảo quản.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/nghe-hot-o-binh-giang-240166