Nghề không dành cho phái yếu

Khi lựa chọn gắn bó với công việc vốn không dành cho phái yếu, những người phụ nữ này đã lường trước được nỗi vất vả, khó khăn. Thế nhưng vì sở thích, đam mê và cũng vì mưu sinh, họ đã nỗ lực bám trụ với nghề, tỏa hương cho đời theo những cách rất riêng.

Chị Mẫn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử - Ảnh: T.P

Chị Mẫn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử - Ảnh: T.P

Góc khuất nghề nghiệp

3 giờ 15 phút sáng, sau khi kết thúc chuyến xe chở khách từ TP. Đông Hà ra thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, chị Phan Thị Thùy Nhi (50 tuổi), hiện đang sống tại Phường 5, TP. Đông Hà cẩn thận kiểm tra lại xe một lần nữa rồi nhanh chóng trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. “Chị bắt đầu công việc từ sớm thế à?”, trả lời thắc mắc của chúng tôi, chị Nhi cười: “Đâu có, đó là chuyến cuối cùng trong ngày làm việc của tôi”.

Câu trả lời của chị khiến chúng tôi hiểu rằng, công việc này không phân biệt ngày hay đêm, chỉ cần khách hàng gọi điện đến là các tài xế sẵn sàng lên đường ngay. Vốn yêu thích cảm giác được ngồi sau vô lăng nên dù ở tuổi ngoài 30, chị Nhi vẫn quyết tâm học lái xe ô tô.

Năm 2006, chị “đầu quân” vào hãng xe taxi Mai Linh, trở thành tài xế taxi xuôi ngược trong, ngoài tỉnh và gắn bó cho đến bây giờ. Công việc này không chỉ giúp chị thỏa mãn được đam mê mà còn tạo cho chị nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình.

Hơn 17 năm qua, chị Nhi không còn nhớ nổi mình đã chạy bao nhiêu chuyến xe, trên bao nhiêu cung đường nhưng mỗi nơi đã qua, mỗi vị khách đều để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, chị Nhi cũng tự thừa nhận rằng, nghề lái taxi vốn vất vả, với phụ nữ, sự vất vả đó càng nhân lên gấp bội.

Chị bộc bạch: “Nghề này tiềm ẩn nguy hiểm khó lường, không cẩn thận thì mất mạng như chơi. Bị khách cư xử sỗ sàng; bị quỵt tiền hoặc không tin tưởng vào tay nghề là những điều mà cả tôi lẫn chị em đồng nghiệp thường gặp phải”.

Nhớ về một kỷ niệm khó quên, chị Nhi kể có lần khoảng 22 giờ đêm, chị được một nhóm thanh niên thuê chở từ TP. Đông Hà lên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Quá trình đến nhận khách, chị phát hiện nhóm thanh niên này mang theo số lượng lớn dao, mã tấu cùng ma túy. Sợ hãi nhưng bằng bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, chị đã kịp nhắn tin cho quản lý.

“Nhận thấy nguy hiểm, tôi nhắn vội cho anh quản lý. Suốt quá trình đó, quản lý đã chỉ đạo anh chị em đồng nghiệp liên tục điện thoại để vừa đánh lạc hướng, vừa đảm bảo sự an toàn cho tôi, đồng thời báo cáo với lực lượng công an khiến nhóm thanh niên không thể hành động. Trả khách xong, tôi nhanh chóng về nhà, tim khi đó muốn nhảy ra khỏi lồng ngực”, chị Nhi nói.

Chị Nhi luôn kiểm tra xe cẩn thận trước mỗi chuyến đi - Ảnh: T.P

Chị Nhi luôn kiểm tra xe cẩn thận trước mỗi chuyến đi - Ảnh: T.P

Tuy không trực tiếp cầm lái như chị Nhi, song công việc của một “lơ xe” như chị Nguyễn Thị Liên, hiện đang sống tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà cũng không mấy đơn giản. Gom góp nhiều năm, vợ chồng chị sắm được chiếc xe 16 chỗ chuyên chạy tuyến Quảng Trị - Huế. Hôm nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng, chị đã phải dậy dọn dẹp xe, chuẩn bị cho hành trình mới. Tại Bến xe Đông Hà, chị Liên luôn xuất hiện với hình ảnh quen thuộc là chiếc áo chống nắng, khẩu trang bịt kín khuôn mặt, chiếc mũ rộng vành và chiếc túi đeo phía trước.

“Lơ xe” - công việc vốn tưởng chỉ dành cho cánh mày râu sức dài, vai rộng, ăn nói nhanh nhẹn, chịu đựng được nắng gió bụi đường nhưng vì miếng cơm manh áo, chị Liên đã bám trụ với nghề suốt mấy chục năm qua. “Thời gian đầu mới làm “lơ xe”, chỉ ngửi thấy mùi xăng thôi là tôi đã say, không còn tỉnh táo để quan sát, bắt khách dọc đường. Ấy vậy mà đi mãi cũng thành quen”, chị Liên bộc bạch.

Ngoài luyện tập để có sức chịu đựng tốt, chị còn phải khéo léo chào mời khách; chuẩn bị sẵn tâm lý, cách xử lý cho những tình huống không hay có thể xảy ra. Những ngày vắng khách, chị Liên lại rong ruổi khắp bến, nhận chở các kiện hàng để kiếm thêm thu nhập. Làm “lơ xe”, chị Liên phải chấp nhận với cuộc sống ăn uống tạm bợ, ngủ trên xe, chẳng còn thời gian chăm lo cho con cái. “Vợ chồng tôi đi làm khi các con chưa thức dậy và trở về nhà khi con đã ngủ say. Ngày bình thường còn đỡ, gần lễ tết, cố chạy thêm vài chuyến kiếm tiền đặng sắm sửa đồ dùng trong nhà. Nhìn thấy gia đình người ta quây quần bên nhau, ngẫm con mình lại xót xa”, chị Liên xúc động nói.

Nhìn nụ cười hiền lành của chị Phạm Thị Mẫn (sinh năm 1984), hiện đang sống tại thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, ít ai nghĩ rằng chị đã và đang làm rất tốt vai trò công an viên, một công việc dường như chỉ dành cho nam giới. Dù mới nhận nhiệm vụ chưa đầy 1 năm nhưng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và cấp trên, chị đã nhanh chóng bắt nhịp được công việc, cùng với lực lượng công an xã lập hồ sơ ban đầu các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn; tuần tra, tiếp nhận, giải quyết các công việc hành chính, hộ khẩu, góp phần tích cực trong nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa phương. Tuy nhiên, công việc này đôi lúc khiến chị gặp không ít hiểm nguy.

“Còn nhớ buổi tối hôm đó, đồng hồ đã điểm 10 giờ 30 phút nhưng một số hộ dân vẫn tập trung ca hát, nhậu nhẹt, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của các hộ xung quanh. Khi tôi đến nhắc nhở, lợi dụng men rượu, những người đàn ông trong cuộc nhậu ấy lớn tiếng la lối, chửi bới và đe dọa đánh tôi. Nhưng bằng trách nhiệm của mình, tôi vẫn kiên quyết yêu cầu họ dừng hát để tránh làm phiền người khác”, chị Mẫn nhớ lại. Suốt quá trình trò chuyện, chị còn kể cho chúng tôi nghe về những cuộc phối hợp rượt đuổi, đối đầu các đối tượng trộm cắp; những lần theo dõi các đối tượng bị tình nghi hay những cuộc tuần tra đêm... “Thú thật, ban đầu khi được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi khá e ngại vì mình là nữ và nhận thức được những nguy hiểm có thể gặp, những lần phải đi đêm về hôm vì thực hiện nhiệm vụ, lại còn chuyện gia đình. Nhưng may mắn là tôi được gia đình ủng hộ, đồng nghiệp yêu quý, giúp đỡ hết mình để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Mẫn bộc bạch.

Lấy niềm vui làm động lực

Dù làm những công việc khác nhau nhưng điểm chung của những người phụ nữ chúng tôi có dịp gặp gỡ luôn lấy niềm vui làm động lực, nỗ lực bám trụ với nghề vốn không mấy ưu ái cho phái đẹp.

Chị Phạm Thị Mẫn cho biết, đằng sau những giờ phút căng thẳng, hiểm nguy rình rập trong quá trình làm nhiệm vụ, chị luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì đã góp một phần sức lực, trí tuệ để bảo vệ sự bình yên cho quê hương.

Thời gian qua, chị không ngừng học tập, tự trau dồi kiến thức xã hội, pháp luật, kiến thức về tâm lý tội phạm để từ đó dự báo tình hình, diễn biến tội phạm. Đồng thời, với lợi thế là nữ giới, lại là người địa phương nên chị Mẫn đã thực hiện rất hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở; luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và đề xuất công an xã có phương hướng giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến ANTT. Đặc biệt, chị luôn bám sát cơ sở, trở thành “cánh tay nối dài” của công an xã, giúp lực lượng này giải quyết những vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Công việc của “lơ xe” nữ luôn đối mặt với nhiều vất vả -Ảnh: TP

Công việc của “lơ xe” nữ luôn đối mặt với nhiều vất vả -Ảnh: TP

Gần 365 ngày trôi qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, vất vả với đặc thù nghề nghiệp, nữ công an viên Phạm Thị Mẫn đã dần khẳng định mình bằng hiệu quả công tác và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân nơi đây.

“Mỗi ngày, vẫn có rất nhiều công việc đang đợi tôi xử lý nhưng tôi không thấy mệt mỏi, bởi được cống hiến chính là niềm vui. Tôi nghĩ không chỉ 1 năm, 2 năm mà rất nhiều năm về sau, tôi vẫn luôn tin tưởng vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình ngày hôm nay”, chị Mẫn tự hào cho hay.

Còn với chị Nhi hay chị Liên, những ngày rong ruổi trên đường từng là nỗi vất vả, giờ cũng chính là niềm hạnh phúc. Ngồi trên bến xe thưa thớt bóng người sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID - 19, chị Liên nhớ về khoảng thời gian tấp nập khách trước đây. Có những ngày, vợ chồng chị phải chạy tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách.

“Ngày trước vất vả thật nhưng đông khách, vợ chồng tôi chịu khó chạy cũng kiếm được 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Khách đông hơn vào những ngày lễ, tết. Khi ấy, dù chỉ kịp uống hớp nước, ăn vội miếng bánh mì, vợ chồng tôi cũng cảm thấy vui vẻ, yêu đời”, chị Liên nói.

Trong suốt hai mươi mấy năm làm nghề, ngoài vất vả, chị cũng tự tìm thấy niềm vui trong những lần trò chuyện cùng khách. Hay như một vài lần vì khách quá khó khăn hoặc không may... quên ví, vợ chồng chị sẵn sàng cho đi miễn phí. Bây giờ, số lượng gia đình có xe ô tô riêng ngày càng tăng lên, dịch vụ đưa đón tận nhà bằng xe ghép cũng được ưa chuộng hơn khiến xe khách giảm số lượng chuyến; công việc của những nữ “lơ xe” như chị Liên vì thế không còn tất bật như trước. Nhưng chị vẫn giữ cho mình một niềm hy vọng rằng nay mai bến xe sẽ tấp nập, đông đúc trở lại. Đó là lý do mà chuyến xe Quảng Trị - Huế của gia đình chị mỗi ngày vẫn hoạt động và là động lực để chị tiếp tục gắn bó với công việc này.

Cũng như nhiều người làm nghề phục vụ khác, càng vào dịp lễ tết, tài xế taxi càng bận rộn nhưng chị Nhi lại thích cảm giác được ngược xuôi trên những cung đường, phục vụ khách hàng gần xa. Đối với chị, lái xe không chỉ là một nghề mà còn là niềm vui, khát vọng vượt qua chính mình, vượt qua những định kiến của xã hội.

Suốt cuộc trò chuyện, chị dành phần lớn thời gian, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi gần, xa của mình. Với chị, mỗi chuyến xe chở khách đi đến nơi về đến chốn bao giờ cũng mang lại những cảm xúc khác nhau. Giống như chị vừa làm xong một điều tốt đẹp cho cuộc đời.

Đặc biệt, là một nữ tài xế, chị Nhi luôn dặn mình phải cẩn thận. Do đó chị tập thói quen đi một vòng quanh xe để kiểm tra an toàn trước và sau khi khởi hành. “Là phụ nữ, lại làm nghề nhiều rủi ro nên tôi phải cẩn thận hơn để phòng ngừa bất trắc”, chị Nhi cho biết.

Không chỉ trong công việc, mà cả trong cuộc sống, sự tỉ mỉ, cẩn thận là không thừa, điều này được minh chứng rõ trong quá trình theo nghiệp lái taxi, chị gần như không để xảy ra sai sót hay sự cố đáng tiếc nào gây ảnh hưởng đến hành khách, công ty cũng như an toàn của bản thân. Chị Nhi cho biết, ngoài chị, hãng taxi Mai Linh hiện chỉ còn một đồng nghiệp nữ khác làm công việc này. Bởi thế, hình ảnh những nữ lái xe taxi cũng đem lại sự thú vị nhất định cho hành khách. “Nhiều hành khách khi trông thấy lái xe taxi là nữ thì lấy làm lạ. Sau thành quen, nhiều người chủ động gọi đến hãng đề xuất lái xe nữ”, chị Nhi nói thêm.

Ở mỗi ngành nghề, những “bóng hồng” vẫn luôn tỏa sắc hương cho đời theo cách riêng. Tuy có góc khuất với biết bao vất vả, khó khăn song họ vẫn vượt qua tất cả để sống, để cống hiến và ngầm khẳng định với thế giới rằng, không có bất kỳ ngành nghề nào dành riêng cho phái mạnh.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/nghe-khong-danh-cho-phai-yeu/180732.htm