Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?

Mọi sân si, đau đớn… đều bỏ lại cả. Và hơn tất cả, làm đẹp cho người vừa khuất núi, hiểu một cách đơn giản và nhân văn, đó là chút tình, chút nghĩa cuối cùng của người ở lại dành cho người ra đi.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi có mặt tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để gặp chị Đinh Thị Phương Loan (sinh năm 1988, quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là người làm nghề trang điểm cho người đã khuất, có lẽ là đầu tiên ở Việt Nam chăng?

Khi chúng tôi đến, chị Loan đang tỉ mẩn lau dọn, sắp xếp lại bộ dụng cụ trang điểm của mình, chuẩn bị cho ca làm việc vào ngày mai. Trước mỗi ca trang điểm, chị sẽ nhận được những thông tin cần thiết từ gia đình của người đã khuất để lựa chọn một bộ dụng cụ phù hợp.

Duyên âm duyên dương…

Là người đầu tiên ở Việt Nam đến với công việc trang điểm tử thi chuyên nghiệp, chuyển ngang từ một thợ trang điểm cho các sự kiện, đám cưới, đám hỉ… chị Loan vấp phải không ít những ý kiến trái chiều từ người thân trong gia đình và bạn bè xung quanh.

Khoảng 5 năm trước, chị gái một người bạn thân của chị Loan không may qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Người bạn buồn bã than thở với chị rằng mong muốn tìm một người thợ trang điểm cho chị gái thật đẹp trước khi khâm liệm, nhưng tiếc là không tìm được ai dám làm việc đó? Ở nhà tang lễ, người ta cũng chỉ đánh một chút son và thoa một ít phấn nhưng cũng không kỹ càng.

Chị Đinh Thị Phương Loan kể về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Chị Đinh Thị Phương Loan kể về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Câu nói “sao không có ai làm việc đó” của người bạn thân đã khiến chị Loan phải trăn trở cả tháng trời, chị nghĩ về việc chuyển hướng từ trang điểm thông thường sang trang điểm cho người đã khuất. Cứ như thế, suy nghĩ ấy, cùng những kỹ năng tích lũy từ quá trình làm nghề trong nhiều năm, chị đưa đến quyết định sẽ theo con đường này, mặc dù công việc lúc bấy giờ còn khá xa lạ.

Chị giấu người nhà để cộng tác với nghĩa trang bắt đầu từ năm 2019. Chị cứ lặng lẽ đi làm, cho đến khoảng năm 2022, báo chí, truyền thông biết đến công việc của chị nhiều hơn, chị mới dám chia sẻ với những người thân trong gia đình. Lần đầu thông báo, mẹ chị nghe xong chỉ biết im lặng rồi cúp máy, có lẽ bà thực sự bất ngờ với quyết định của con gái. Một khoảng thời gian sau, bà nhận được những lời khen từ họ hàng, làng xóm về cô con gái dũng cảm của mình, làm công việc ý nghĩa cho những người quá cố.

"Vài tuần sau, khi tôi trở về nhà, mẹ không nhắc gì đến công việc của tôi mà chỉ thổi xôi và luộc gà cho tôi đi lễ. Tôi biết, như vậy là mẹ đã ngầm đồng ý với công việc của tôi" - Chị Loan chia sẻ. Không may mắn được gia đình cảm thông như chị Loan, một người cộng sự của chị khá thạo nghề nhưng vẫn phải quyết định từ bỏ công việc chỉ bởi một lí do là chồng của cô ấy không biết trả lời ra sao khi có người hỏi "vợ anh làm nghề gì?". Cũng có những bạn trẻ sau khi biết đến công việc này đã xin đi cùng chị Loan để học nghề, nhưng có lẽ vì chưa đủ duyên, nên họ không gắn bó với nghề được lâu.

Những vị “khách” đặc biệt

“Khách hàng” đầu tiên của chị là một cụ bà tuổi đã cao. Nhiều năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in ngày đầu tiên cùng đồng nghiệp bước vào nhà xác. Lúc tấm vải trắng được lật lên, người đi cùng chị sợ lắm, còn chị thì bình thản đeo găng tay và thực hiện các công đoạn trang điểm cho người đã khuất. Mọi công đoạn, từ chải tóc, trang điểm, đánh môi, sơn móng đều được chị thực hiện một cách tỉ mỉ.

Người thợ tỉ mỉ trong các bước trang điểm.

Người thợ tỉ mỉ trong các bước trang điểm.

“Tôi không hề cảm thấy sợ hãi trước những người đã khuất, ngay cả khi đến nghĩa địa tôi cũng không cảm thấy sợ hay cảm thấy lạnh lẽo. Khi tôi đã xác định làm công việc này có nghĩa là tôi không sợ, còn nếu mà sợ thì tôi đã không làm” -Chị Loan chia sẻ.

Hơn 4 năm trong nghề, chị Loan đã trang điểm cho hàng trăm tử thi, từ người già cho đến trẻ em, từ nam cho đến nữ. Mỗi lần vén tấm khăn trắng che mặt người đã khuất, ngắm nhìn dung nhan của họ, lòng chị buồn rười rượi như mất đi người thân của mình vậy. Cũng vì thế, mỗi gương mặt chị đều dành vào đó sự chân thành từ đáy lòng mình, cố gắng tập trung cao độ để người quá cố có dung nhan đẹp nhất. Sau mỗi ca trang điểm, lòng chị luôn thấy nhẹ nhõm hơn khi nhận được sự cảm ơn chân thành của thân nhân những người đã khuất.

Trong suốt quá trình làm nghề, nhận hàng trăm ca trang điểm, đã có những trường hợp đặc biệt khiến chị nhớ mãi. Chị xúc động kể cho chúng tôi nghe về trường hợp một cô bé mới chỉ 15 đã phải rời xa cõi đời này. "Gương mặt nhỏ nhắn, thanh thoát của bé gái khiến tôi phải kiềm chế cảm xúc, cố gắng tập trung làm việc và không được để nước mắt rơi. Thậm chí đến khi về nhà, gương mặt của cô bé vẫn lưu trong tâm trí đến nhiều ngày sau đó" - chị Loan kể.

Cũng có lần, chị nhận trang điểm cho một người phụ nữ qua đời ở tuổi 37. Cứ ngỡ đó cũng chỉ là một ca trang điểm bình thường như biết bao ca trang điểm khác. Nhưng khi đến nơi, phía sau người phụ nữ đang nằm ở đó là 4 đứa trẻ vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Có em nhỏ chỉ mới 2 - 3 tuổi, vẫn hồn nhiên chưa biết là mẹ đã mất, trong tâm tưởng của các em, mẹ chỉ đang ngủ thôi, rồi mẹ sẽ tỉnh dậy… Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng đến khi kể lại, chị vẫn không khỏi day dứt, xúc động, thương cho hoàn cảnh của những đứa trẻ phải rời xa mẹ. Có lẽ, những lần day dứt đó cũng trở thành một trong những lý do để chị Loan muốn được gắn bó với công việc đầy khó khăn này.

Khó hơn với trang điểm người sống

Mặc dù trước đó chị Loan đã là một thợ trang điểm chuyên nghiệp nhưng khi chuyển hướng sang trang điểm cho người đã mất, chị Loan vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Các bước trang điểm không khác gì người sống nhưng thao tác thì nhiều hơn. Hơn nữa, công việc trang điểm cho tử thi ở Việt Nam còn khá mới mẻ, không có những khóa học chuyên biệt nên chị Loan phải tự mình mày mò, học hỏi, rồi tự thực hành để rút kinh nghiệm.

Cùng đồng nghiệp thực hiện một ca trang điểm cho người đã khuất.

Cùng đồng nghiệp thực hiện một ca trang điểm cho người đã khuất.

Chị Loan chia sẻ, khi làm công việc trang điểm cho tử thi, chị gặp khá nhiều khó khăn, không nghĩ rằng công việc này lại phức tạp đến vậy. So với việc trang điểm cho người sống thì việc trang điểm cho người chết khó gấp nhiều lần. Bởi nếu thông thường, người thợ chỉ cần trang điểm cho khuôn mặt và tạo kiểu tóc, thì với những người đã chết, chị còn làm thêm cả móng tay, móng chân; “khách hàng” nữ sẽ sơn màu, còn với nam thì sơn bóng. Da của người chết cũng thường tái và khô, khi trang điểm cần phải chọn các dòng mỹ phẩm cũng như tông màu phù hợp. Trước khi làm công đoạn nào cũng sẽ phải thông báo cho gia đình, gia đình có thể yêu cầu làm nhiều hơn hoặc lược bỏ bớt công đoạn.

Thợ trang điểm tử thi cũng có những quy tắc rất đặc biệt. Nếu thợ trang điểm bình thường có thể lựa chọn các loại trang phục thoải mái thì với thợ trang điểm tử thi, họ phải chuẩn bị quần áo chỉn chu, tối màu, đầu tóc gọn gàng và hiểu được một số điều kiêng kỵ. Ở Việt Nam, việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay cho người chết là điều cấm, trừ trường hợp người nhà yêu cầu thì mới được làm. Trong quá trình trang điểm, mọi động tác động chạm phải thật kín kẽ, tuyệt đối không được lật mặt của họ từ bên này sang bên kia như với người sống.

Chị cũng không ngại chia sẻ với chúng tôi về các bước để trang điểm cho một người đã khuất. Đầu tiên là niệm Phật: “Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật”.

“Con xin phép cô/bác, ngày hôm nay cho con được làm đẹp cô/bác để cô/bác có khuôn dung tươi tắn nhất khi đi về miền Tây Phương cực lạc”. Đó là những câu niệm và khấn quen thuộc của chị Đinh Thị Phương Loan trước khi bắt tay vào công việc trang điểm tử thi.

Cũng theo chị Loan, để giúp người đã mất có khuôn dung đẹp, trung bình, thời gian trang điểm từ 1 - 1,5 giờ. Thời gian làm việc của những người thợ trang điểm tử thi không cố định, theo yêu cầu của tang gia, họ sẵn sàng xuất hiện bất kể đó là giữa đêm hay rạng sáng tại nhà của người đã khuất, tại nhà tang lễ, hoặc trong các nhà xác, nơi có phòng lạnh.

“Tôi làm công việc này xuất phát từ sự trăn trở của chính bản thân mình. Tôi mong có thể mang đến một khuôn dung chỉn chu và nhẹ nhàng nhất cho người đã khuất khi họ về miền tây phương cực lạc. Hơn nữa là với gia đình của họ, khi thấy người thân không còn vẻ tím tái, nhợt nhạt, thay vào đó là diện mạo hồng hào, tươi tắn, chỉ như đang nằm ngủ. Như vậy họ sẽ bớt đau buồn”- Chị Loan cho hay.

Hơn 4 năm gắn bó với nghề, chị Loan cũng chia sẻ rằng đã nhận được nhiều sự cảm kích từ gia đình, người thân của những người đã khuất. Họ cảm ơn chị vì đã chọn làm một công việc nhân văn mà không phải ai cũng dám làm, để người thân của họ có thể ra đi với một khuôn dung chỉn chu nhất. Đó cũng là một cách để người thân trong gia đình bày tỏ sự thương tiếc chân thành của mình.

“Sẽ theo nghề đến khi nào có thể”

Với riêng chị Đinh Thị Phương Loan, có nhiều lý do để chị muốn được gắn bó lâu dài với công việc đặc biệt này. Đó là sự ủng hộ và hỗ trợ của những người thân trong gia đình; sau đó là những lời động viên, cảm kích từ phía người thân của những người đã khuất.

Có đôi lần, không chỉ người thân của người đã khuất liên lạc với chị, mà có những người đang sống, trong thời gian ốm nặng, hay bệnh nhân ung thư, họ chủ động liên hệ với chị Loan, mong chị sẽ là người trang điểm cho họ lúc lâm chung. Làm sao để trông tươi tắn, nhẹ nhàng nhất trước khi sang thế giới bên kia.

"Xưa nay, người Việt vẫn coi nghĩa trang, cái chết là những gì đen đủi và không muốn nhắc đến. Thế nhưng cuộc sống đã văn minh, Việt Nam đã có những công viên nghĩa trang rất đẹp chứ không còn u ám, buồn bã; cũng có rất nhiều người còn đang sống khỏe mạnh đã tự đi tìm đất nghĩa trang để chuẩn bị cho việc về cõi vĩnh hằng của mình. Nghề trang điểm của Loan cũng vậy, đó là một công việc ý nghĩa, mang những điều đẹp đẽ cho người quá cố, xoa dịu nỗi đau mất mát của người ở lại" - chị Loan chia sẻ.

Ai cũng biết rằng đây là một công việc phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Phải có dũng khí vượt qua được nỗi sợ của chính bản thân mình, vượt qua những dè bỉu, chưa kể đến việc có thể gặp nguy hiểm nếu thường xuyên phải phục vụ cho người mất mắc các loại bệnh truyền nhiễm. Một khi đã vượt qua được những rào cản đó, họ sẵn sàng gắn bó với công việc này một cách thành tâm và nghiêm túc.

Với những người làm nghề trang điểm tử thi nói riêng và những người làm việc ở các nhà tang lễ nói chung, từ tấm lòng của mình, họ làm vì người mất nhiều hơn. Niềm mong ước lớn nhất của họ là có thể giúp những người đã qua đời sang thế giới bên kia với diện mạo tôn nghiêm nhất, trang trọng nhất, đó chính là một công việc nhân văn và ý nghĩa.

Hà Sương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nghe-lam-dep-cho-nguoi-chet--i741657/