Nghề làm hương truyền thống của người Mông

Bước vào tháng 9 âm lịch, đồng bào Mông ở thôn Seo Khái Hóa, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm hương cho dịp lễ, tết cuối năm.

Cùng cán bộ văn hóa xã Giàng A Dơ, chúng tôi tới gia đình ông Ma Seo Nhà - người có nhiều kinh nghiệm trong làm hương của người Mông. Bước sang tuổi 60, ông Nhà vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi tay nhỏ nhắn, gân guốc vót que một cách thuần thục.

Vừa làm việc, ông Nhà vừa kể tỉ mỉ về các công đoạn làm hương thơm truyền thống của người Mông ở Sán Chải. Ông Nhà có mấy chục năm làm hương và đây là nghề truyền thống của gia đình, dòng họ truyền lại. Mỗi bó hương chỉ bán 10.000 đồng nhưng vợ chồng ông chưa bao giờ muốn bỏ nghề. Hằng ngày, vợ chồng ông vẫn cần mẫn làm hương, chờ tới phiên chợ bán sản phẩm, lấy đó là nguồn thu nhập chính và thường xuyên.

Để chuẩn bị cho những mẻ hương, ông Nhà phải chuẩn bị nguyên liệu trước hàng tháng. Phần que hương, ông chọn những cây tre già, sau khi chặt thành từng đoạn theo đúng kích thước mong muốn sẽ vót nhỏ, tròn, phơi khô, sau đó hong lên gác bếp.

Chuẩn bị xong que hương, ông vào rừng tìm thân, lá của cây hương và một số hương liệu mang về phơi khô, nghiền nhỏ. Đến khi se hương, ông vừa nhúng que vào bột vừa nhẹ nhàng xoay tròn nhiều lần cho bột hương dính đều vào que. Những chỗ bột hương trên que chưa đủ độ dày và chưa phẳng, ông phải dùng tay rắc đến khi tròn đều mới đem phơi khô.

“Nếu trời nắng to, hương phơi trong 2 ngày sẽ thành thành phẩm, gặp ngày mưa phải mang lên gác bếp sấy”, ông Nhà nói.

Theo ông Nhà, công đoạn quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm hương là bột hương. Để bột hương tốt thì cây hương phải chọn đúng loại già, ít sâu bệnh, nguyên liệu phải được rửa sạch trước khi phơi khô, nghiền nhỏ thành bột có màu xanh rêu, khi nào bột thật mịn mới đạt tiêu chuẩn. Hương của đồng bào Mông ở Sán Chải làm từ nguyên liệu tự nhiên, chế biến hoàn toàn thủ công, điều này tạo nên sản phẩm hương trầm chất lượng, có mùi thơm nhẹ, được nhiều người ưa chuộng.

Hiện nay, xã Sán Chải có 6 hộ còn lưu giữ nghề làm hương truyền thống. Anh Giàng A Dơ, cán bộ văn hóa xã Sán Chải cho biết: Mặc dù có rất nhiều loại hương trên thị trường nhưng nghề làm hương truyền thống vẫn được người Mông ở Seo Khái Hóa duy trì, góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa, phong tục độc đáo của người dân địa phương.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nghe-lam-huong-truyen-thong-cua-nguoi-mong-post375285.html