Nghề làm phỗng đất

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Ðông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), ông Phùng Ðình Giáp (trong ảnh) và vợ hằng ngày vẫn cần mẫn làm ra những bộ phỗng đất, một thứ đồ chơi dân gian có từ lâu đời. Có lẽ ông là một trong những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống đã mai một của xứ Kinh Bắc.

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Ðông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), ông Phùng Ðình Giáp (trong ảnh) và vợ hằng ngày vẫn cần mẫn làm ra những bộ phỗng đất, một thứ đồ chơi dân gian có từ lâu đời. Có lẽ ông là một trong những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống đã mai một của xứ Kinh Bắc.

Hơn 60 năm làm phỗng đất, nhưng vợ chồng nghệ nhân Phùng Ðình Giáp cũng không biết nghề này bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ rằng: Trước kia, không chỉ gia đình ông mà cả làng đều làm phỗng đất. Cứ đến Rằm Trung thu, nhà nhà lại tập trung làm phỗng đất rồi quẩy gánh mang ra chợ bán. Bên bờ sông Ðuống, chợ Hồ tấp nập kẻ bán, người mua những ông phỗng nhỏ sặc sỡ sắc mầu trên chiếc mẹt tre cũ. Phỗng đất không chỉ là đồ chơi của con trẻ ngày xưa mà còn mang giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện hồn cốt quê hương. Trong mâm cỗ đón trăng Rằm tháng Tám, ngoài hoa quả, bánh kẹo các loại, không thể thiếu bộ phỗng đất và đèn ông sao.

Bộ phỗng đất được bày ở nhà gồm năm nhân vật, mang ý nghĩa khác nhau, nhưng có sự liên kết: con chim tượng trưng cho khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả và trong tâm linh của người Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng; người già và em bé tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống, còn ông phỗng hình Phật thường được đặt ở giữa có ý nghĩa tâm linh, giáo dục các thế hệ sống hướng thiện. Ðể làm phỗng đất phải tranh thủ đào đất thó từ đồng ruộng, hoặc ao, hồ sen vào mùa cạn nước. Ðất có đặc điểm kết dính rất tốt, mà đất thịt không thể bằng. Ðất đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3 m, và chỉ lấy khoảng 20 đến 30 cm để có độ mịn, sạch. Sau đó đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có mầu xám nhạt là được. Một nguyên liệu khác được sử dụng là bột giấy, giấy bản được ngâm trong nước bảy ngày đến khi mủn hoàn toàn thì sẽ trộn với bột đất thó. Vừa trộn tay, vừa dùng chày đập như trộn bánh dầy cho đến khi hỗn hợp này quyện lại tới độ dẻo, mịn, dùng tay vê thử mà không dính thì đạt yêu cầu.

Nhìn ông Giáp vê nặn làm phỗng đất mới thấy hết được sự khéo léo và tài hoa của lão nghệ nhân. Từng vắt đất được nắn vuốt tỉ mỉ để làm sao tạo hình phỗng không bị góc cạnh, mà phải mềm mại và tự nhiên. Nặn phỗng không đòi hỏi kỹ năng tinh xảo, cốt yếu là phải giữ được dáng vẻ thân thuộc, đậm chất dân dã. Mầu để vẽ phỗng cũng không nhiều, chỉ có vài mầu cơ bản: trắng, vàng, xanh, đỏ. Ông phỗng sau khi đã nặn xong, được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, rồi lại được phủ lên một lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn, lọc qua khăn cho đến khi thật mịn rồi mang đi vẽ mầu. Mặc dù không nung qua lửa nhưng các sản phẩm phỗng có độ bền tốt, dai chắc.

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, hơn 10 năm qua, ông Giáp liên tục nghĩ ra nhiều mẫu mới. Với mỗi mẫu, ông chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại làm tiếp mẫu khác. Nhờ thế, những sản phẩm của nhà ông mang tính độc đáo, đa dạng, đồng thời vẫn giữ được dấu ấn truyền thống kết hợp tính hiện đại. Mấy năm gần đây, ông Giáp thường xuyên được mời đến những hội chợ truyền thống để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nặn phỗng trước công chúng. Nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài và các học sinh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tìm về gia đình ông để trải nghiệm không gian văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ, tham gia các công đoạn làm phỗng.

Tháng 7-2020 vừa qua, Nghệ nhân Phùng Ðình Giáp được mời tham gia sự kiện "Phỗng đất xưa - hồn Kinh Bắc" tại Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng với nghệ nhân về nghề làm phỗng đất, các bạn trẻ được xem phóng sự nói về công việc chọn đất, làm đất và nặn phỗng. Nhiều bạn trẻ lần đầu nhìn thấy cách nặn tượng dân dã, thú vị, đặt nhiều câu hỏi tới nghệ nhân và được ông Giáp kể về công việc nặn phỗng.

Ngày nay, những đồ chơi như phỗng đất không còn được làm và bày bán nhiều, do đó nghề làm phỗng đất cũng bị mai một, ít người theo đuổi. Dẫu vậy, đối với những ai biết trân quý giá trị truyền thống thì khi nhìn thấy những nhân vật phỗng đất sẽ càng thêm yêu mến ký ức tuổi thơ giản dị một thời.

Bài và ảnh: MINH NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/nghe-lam-phong-dat-628839/