Nghề làm tráp lễ ở Hải Dương kiếm bộn tiền

Nghề làm tráp lễ mấy năm gần đây ở Hải Dương thịnh hành do nhu cầu ngày càng cao trong các đám cưới, hỏi. Nghề này giúp 'chủ shop' kiếm bộn tiền do nhiều cặp đôi không ngại đầu tư cho sự kiện trọng đại của đời mình.

Nhiều cặp đôi không ngại chi số tiền lớn cho bộ tráp lễ ngày trọng đại (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhiều cặp đôi không ngại chi số tiền lớn cho bộ tráp lễ ngày trọng đại (ảnh nhân vật cung cấp)

Khách chịu chi

Để chuẩn bị cho lễ ăn hỏi của mình, bạn Đặng Quỳnh Nga ở đường Nguyễn Quý Tân cùng bạn trai tìm đến tiệm Tráp cưới Royal Florist (phố An Thái, phường Bình Hàn, cùng TP Hải Dương). Số tiền bao nhiêu với Nga và bạn trai không quá quan trọng, miễn sao gói tráp lễ cho ngày ăn hỏi phải đáp ứng được các tiêu chí: đẹp, thanh lịch và sang trọng.

Sau khi nghe tư vấn, Quỳnh Nga và bạn trai chốt chọn bộ tráp 9 lễ với tông trắng của hoa sen và tráp mây. Các đồ lễ như bánh kẹo, rượu, thuốc… đều phải là hàng chất lượng. Giá bộ tráp lễ của Quỳnh Nga 18 triệu đồng.

Đây chưa phải là mức giá cao nhất của các bộ tráp lễ. Bà Phạm Thị P. ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) chuẩn bị lễ cưới cho con trai thứ 2. Do quan niệm cưới hỏi là việc trọng đại cả đời, gia đình lại có điều kiện, bà P. quyết chi hơn 70 triệu đồng cho bộ tráp 11 lễ. “Tôi muốn bộ tráp phải bắt mắt, lịch sự, mọi người còn nhìn vào”, bà P. nói.

Theo các chủ tiệm tráp cưới, hiện có nhiều loại tráp phục vụ lễ dạm ngõ, ăn hỏi (đính hôn), cưới. Trong khi tráp ăn hỏi thường có 7, 9, 11 lễ (mỗi lễ một món gồm: trầu cau, chè, thuốc, rượu, bánh, kẹo, lợn quay)… thì tráp dạm ngõ, cưới chỉ có 1 (tráp thập cẩm). Mức giá cho các bộ tráp lễ cũng nhiều loại. Giá bình dân nhất từ 7-8 triệu đồng/bộ, cao hơn thì từ 10-13 triệu đồng/bộ. “Thông thường, khách hay đặt ở mức từ 13-18 triệu đồng/bộ. Với những khách kỹ tính, cầu kỳ có thể sẽ đặt cao hơn”, chị Phạm Thị Thu Hương, chủ tiệm Tráp ăn hỏi cao cấp Hải Dương (đường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương) cho biết.

Tùy mức giá, yêu cầu của khách, các chủ tiệm sẽ linh hoạt biến tấu các bộ tráp lễ. “Với giá bình dân thì cách làm đơn giản, đồ lễ cũng là hàng thường. Với giá cao hơn, đồ lễ phải là hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc đồ nhập ngoại”, chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ tiệm Tráp cưới Ngọc Lá (thị trấn Nam Sách) nói.

Giá bộ tráp 11 lễ này trên 70 triệu đồng (ảnh nhân vật cung cấp)

Giá bộ tráp 11 lễ này trên 70 triệu đồng (ảnh nhân vật cung cấp)

“Chủ shop” bội thu

Mùa cưới thường bắt đầu từ tháng 8, rộ nhất từ tháng 10 đến tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Đây là dịp các chủ tiệm tráp cưới bội thu từ việc làm nghề.

Chị Ngọc cho biết, vào những tháng cao điểm, chị phải thuê thêm người làm để đạt doanh thu tối đa. Có những tháng, chị thu về cả trăm triệu đồng. Khách hàng của chị ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Vào mùa cưới, chị Thu Hương nhận trung bình 7 bộ tráp lễ/tuần, cho lãi 30-40 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức thu nhập mơ ước của nhiều người.

Thu nhập khá nhưng nghề làm tráp cưới cũng có nhiều áp lực. Vào mùa cưới, các khâu chuẩn bị phải được tiến hành trước cả tuần. Chị Thu Hương thường xuyên phải dậy từ 4 giờ sáng ra chợ đầu mối, tự tay chọn những bông hoa đẹp nhất. “Chỉ cần ra muộn chút là không còn hoa đẹp để làm cho khách”, chị Hương nói. Tương tự, trầu cau vào mùa cưới rất đắt lại không được đẹp, chị phải đặt tận Hải Phòng, chọn được những buồng cau xanh, tươi, quả tròn, to, đẹp nhất.

Các đám cưới, hỏi thường tập trung vào dịp cuối tuần. Việc nhận nhiều khách nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tiến độ là sức ép lớn đối với các chủ tiệm. “Thường thì chúng tôi sẽ làm hàng loạt, theo công đoạn. Những tráp lễ hàng khô như chè, thuốc, bánh kẹo... sẽ được làm trước. Những tráp hàng hoa, quả tươi hoặc bánh nướng, bánh phu thê… chỉ được làm trước khi giao cho khách 1 ngày”, chị Lương Thị Lan Anh, chủ tiệm Tráp cưới Royal Florist cho biết. Cũng bởi sức ép về tiến độ và số lượng, người làm tráp lễ thường phải thức xuyên 2 đêm liền dịp cuối tuần để hoàn thành tác phẩm.

Thu nhập khá nhưng nghề làm tráp cưới cũng có nhiều áp lực

Thu nhập khá nhưng nghề làm tráp cưới cũng có nhiều áp lực

Nói về sự cố trong nghề, chị Lan Anh nhớ nhất lần đi xe máy tới tận nhà cô dâu để “chữa cháy”. “Lần ấy đội hình bê lễ làm đổ, vỡ mâm rượu. Dù lỗi không phải do mình nhưng làm nghề cần có cái tâm. Rất may, nhà gái cũng ở TP Hải Dương nên tôi xử lý kịp thời”, chị Lan Anh nói. Ngoài ra, việc tắc đường, hỏng xe, không kịp giờ giao lễ khiến khách liên tục gọi điện cũng là một trong những rủi ro thường gặp trong nghề.

Sự phát triển của nghề làm tráp lễ thời gian gần đây còn tạo ra sức ép về sự cạnh tranh giữa những người làm nghề. Để trụ vững được, người làm tráp cần có tay nghề khéo léo, sáng tạo, làm ra sản phẩm chất lượng, hình thức đẹp. Trong các bộ tráp lễ, cặp rồng, phượng thường khó làm và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, bởi được phối với tráp quả tươi. Trước kia, rồng, phượng được làm từ cốt sợi cói nhưng hiện nay người làm nghề chuyển sang cốt xốp cho gọn nhẹ, đơn giản. “Việc cắt cốt, tạo phôi rất quan trọng, quyết định sự tinh xảo của cặp rồng, phượng. Phần còn lại do tay nghề phối các chất liệu để làm thành sản phẩm”, chị Thu Hương nói. Sau khi tạo cốt, người làm nghề sẽ kết ớt, lá dứa và một số phụ kiện khác để tạo hình rồng, phượng. Đây thường là điểm nhấn của cả bộ tráp lễ.

Những tráp còn lại sẽ được phối màu, trang trí hoa tùy thuộc vào sở thích và yêu cầu của khách. Do vậy, mỗi bộ tráp sẽ có tông màu hay chủ đề khác nhau.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các “chủ shop” thường xuyên học hỏi, nâng cao tay nghề, lên các trang mạng cập nhật xu hướng mới.

LÊ HƯƠNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghe-lam-trap-le-o-hai-duong-kiem-bon-tien-389031.html