Nghề lau kính ở tòa nhà chọc trời: Đu mình cheo leo giữa hai thế giới, một cơn gió nhẹ cũng báo hiệu hiểm nguy
Chắc chắc nghề lau kính ở tòa nhà cao tầng không dành cho những người sợ độ cao.
Bình minh vào một buổi sáng tháng 12, Bob Menzer đi thang máy lên tầng 45 của tháp Hearst, một tòa nhà chọc trời ở New York.
Anh mở cửa tầng mái, trời trong xanh và lạnh. Đứng ở một nơi cách mặt đất hơn 150m, anh chỉ nghe được tiếng gió, tiếng ù ù phát ra từ những chiếc quạt điều hòa không khí khổng lồ. Theo truyền thống, việc lau cửa sổ trong các tòa nhà thương mại phải luôn bắt đầu vào sáng sớm, để tránh làm phiền những cá nhân hay tổ chức đang thuê nhà.
Bob, năm nay tuổi ngoài 50, là một người đàn ông có chất giọng nhỏ nhẹ, đôi mắt xanh, mái tóc nâu bù xù và thường trực trên môi một nụ cười “lo lắng”. Anh đảm nhiệm vị trí quản lý đội lau cửa sổ tòa tháp.
Khi đồng hồ điểm 5 giờ, anh mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh đậm, buộc dây bảo hộ, đeo găng tay. Bên cạnh anh còn có người đồng nghiệp Ron Brown, 58 tuổi và Janusz Kasparek, 55 tuổi, những người đàn ông trung niên chuẩn bị đu xuống tòa nhà để lau chùi những ô cửa sổ “khó nhằn” nhất New York.
Khi kiến trúc sư Norman Foster trình bày các bản phác thảo của tòa tháp Hearst trước khi tiến hành thi công, người chủ tương lai của tòa nhà đã đặt ra câu hỏi: “Rồi chúng tôi phải lau sạch những ô cửa sổ kia bằng cách nào?”. Cấu trúc cửa sổ hình thoi đan xen với nhau khiến người dọn dẹp khó tiếp cận và làm sạch từng ngóc ngách ô cửa, họ cần tận dụng thêm nhiều thiết bị chuyên dụng khác.
Ngành dịch vụ lau cửa sổ ở New York bắt đầu ăn nên làm ra từ cuối thế kỷ 19, khi hàng loạt các tòa nhà chọc trời mọc lên khắp nơi. Thời điểm đó, một người Ba Lan nhập cư đến New York ngay lập tức nhìn thấy cơ hội kiếm ra tiền từ hoạt động dọn dẹp.
Ông tập hợp một nhóm các chuyên gia lau cửa kính và thuê họ theo hợp đồng. Đến năm 1931, khi Tòa nhà Empire State được hoàn thành, đã có từ hai đến ba nghìn người lau cửa sổ ở New York. Empire State thuộc top 10 tòa nhà cao nhất New York, nhưng chỉ yêu cầu 8 người đàn ông lau dọn 6500 ô cửa.
Theo tờ New Yorker, đây là một công việc gần như không yêu cầu trình độ học vấn, và cần phải có chút “quan hệ” nếu muốn gia nhập đội ngũ.
Công việc đòi hỏi “tinh thần thép”
Sau khi kiểm tra đầy đủ các thiết bị giữ an toàn, nhóm ba người tại tháp Hearst bước lên một bục sắt di động được kết nối với hệ thống ròng rọc để di chuyển xuống tòa tháp.
Bục sắt di động, hay giàn giáo di động là một khoang chứa có hình dáng giống như lan can tòa nhà, được nối với hệ thống ròng rọc ở trên tầng thượng. Bục sắt đầu tiên ở New York được xây vào năm 1952 và đã giúp công nhân thuận tiện hơn rất nhiều trong việc dọn dẹp, thay vì lúc nào cũng phải buộc mình chơi vơi như lơ lửng trên vách núi.
Tuy vậy, ở trên bục sắt cũng đòi hỏi “tinh thần thép” không kém việc đu dây. Bởi bục sắt càng lên cao, thì chỉ một cơn gió lạnh thổi qua hay một cử động nhẹ cũng khiến nó lắc lư - một cảm giác kinh hoàng với bất cứ ai mắc chứng sợ độ cao.
Bob Menzer chống khuỷu tay lên thanh lan can với vẻ thanh thản như một người đang nhìn ngắm đàn vịt bơi lội trên ao. Ông thành thạo điều khiển từng chuyển động của bục sắt bằng một bộ điều khiển từ xa. Khi đến vị trí cần lau dọn, đội nhóm neo các sợi dây thừng vào các điểm treo bên ngoài cửa sổ để ngăn không bị gió tác động.
Một ngày làm việc trung bình mất khoảng bốn giờ. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cũng phải mất một tháng để làm sạch toàn bộ tháp từ trên xuống dưới. Tòa nhà chọc trời lớn hơn dĩ nhiên cũng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, ví dụ tòa Time Warner Center (cao 229m), nếu chỉ có sáu người lau chùi thì cũng phải mất đến bốn tháng.
Đến đây, hẳn bạn sẽ tự hỏi liệu công nghệ ngày nay đã đủ sức sáng tạo ra các loại robot dọn dẹp để thay thế con người chưa. Thực tế là quá trình làm sạch tự động hóa đã bắt đầu từ năm 1973, và lần đầu ứng dụng tại tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), nhưng robot này có hạn chế là không thể lau ở các góc hẹp hoặc các đường gấp khúc phức tạp. “Nhiều năm trước, các tòa nhà chỉ là những tấm kính phẳng thẳng đứng, giờ mọi thứ được xây dựng đa góc cạnh hơn”, Bob Menzer nhận định.
Hơn nữa, mặc dù các nhà sản xuất kính đã phát triển các loại cửa sổ có lớp phủ tự làm sạch, hay các nhà khoa học ở Đức và Nhật Bản đã chế tạo một loạt thiết bị làm sạch đắt đỏ, nhưng dường như vẫn chưa có chỗ đứng ở New York.
Nếu đi sâu vào kỹ thuật, ta thấy việc lau rửa bên trong và bên ngoài đều giống nhau, một khi kính đã được lau bởi các miếng bọt biển, người công nhân sẽ dùng thêm một cây lau kính cầm tay (squeegee) để quét sạch vết ố. Một số người có kinh nghiệm dày dặn đến mức mọi thao tác đều trông như một buổi trình diễn nghệ thuật. Họ dùng cây lau kính để đẩy nước đi ngang, xuôi thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, và trông như cây lau kính không hề tách ra khỏi bề mặt kính bất kỳ lúc nào.
Các vết bẩn không chỉ đơn giản là bụi, nước mưa hay phân chim, đôi khi những người lao động phải dọn dẹp cả cà phê, mứt dâu tây vương vãi xung quanh khắp các cửa sổ. Đây là “sản phẩm” của những người ở các tòa nhà xung quanh, họ đổ hoặc “lỡ tay” làm đổ chất lỏng ra ngoài cửa sổ. Vào mùa đông, các chất lỏng đóng băng nên để chùi sạch là bất khả thi.
Tai nạn rình rập khắp nơi
Kỹ thuật dọn dẹp thôi là chưa đủ để hoàn thành công việc, chất lượng công việc cũng phải phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Gió thổi mạnh sẽ cản trở việc dọn dẹp, các luồng gió thổi ngược có thể đẩy nước lau kính sang một bên, khiến cho mọi nỗ lực làm sạch của công nhân đều trở về công cốc.
Hơn nữa các luồng khí mạnh cũng ảnh hưởng đến cả không gian bên trong. Zon Zeibig cho biết, nếu một văn phòng vừa mở cửa sổ và cửa ra vào trong điều kiện đang có gió mạnh, thì giấy tờ, những đồ vật nhẹ trong căn phòng có thể bị hút ra ngoài cửa sổ. Đây cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng ảnh hưởng đến người lao động.
Từ lâu, công việc lau cửa sổ ở Manhattan, New York đã được xếp hạng là nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Nếu là người trong “giới lau cửa sổ”, chắc chắn bạn sẽ nghe được rất nhiều câu chuyện về các nạn nhân gặp tai nạn nghề nghiệp, họ kể cho nhau như một cách để cảnh báo và nhắc nhau chú ý về các biện pháp an toàn. Đó có thể là câu chuyện về bốn người đàn ông cùng thiệt mạng khi một bục sắt bất ngờ rơi xuống vào năm 1962, hay ba người thợ lau cửa thiệt mạng do máy bay khủng bố đâm vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9.
Vào cuối tháng 8/2008, người đàn ông tên Robert Domaszowec đã thiệt mạng khi rơi từ một tòa nhà trên đường 40 Fifth Avenue. Một buổi sáng, Domaszowec trèo ra ngoài, móc dây bảo hộ vào và di chuyển dọc tường. Không may là chốt bu lông bung ra, người đàn ông mất điểm tựa, chới với và rơi thẳng từ tầng 12 xuống đất. Tracey, vợ của Domaszowec, đau đớn nói: “Kết hôn với một người lau cửa sổ cũng giống như kết hôn với một lính cứu hỏa hay một cảnh sát vậy”.
Trước năm 1932, trung bình cứ hai trăm người lau cửa sổ ở New York thì có một người thiệt mạng. Đến năm 1993, chính phủ mở nhiều chương trình đào tạo học viên, tất cả người lau cửa sổ muốn bước vào nghề phải dành 126 giờ học trên lớp. Ngày nay công việc này có tỉ lệ an toàn còn cao hơn cả nghề lái taxi. Dù vậy, mọi thứ đang dần thay đổi, nhiều người thợ thâm niên không mong muốn con cái theo đuổi nghề này.
Khi được hỏi liệu Bob Menzer có thấy công việc này nguy hiểm không, anh chỉ từ tốn: “Lúc nào cũng nguy hiểm hết, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ đâu, nhưng bạn hãy cố gắng không nghĩ đến nó”.
Bù lại, họ chứng kiến những khoảnh khắc hiếm thấy
Nếu phải tìm một tia sáng tích cực để nói về công việc vất vả này, có lẽ hầu hết mọi người sẽ mô tả những khoảnh khắc dễ thương họ từng chứng kiến, giống như một xã hội thu gọn trong tầm mắt, và mỗi tòa nhà lại có một kiểu tính cách, xã hội khác nhau.
Erik Brown, một sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội học đã chọn gắn bó công việc này từ nhiều năm. Khi nhớ lại những gì mình từng chứng kiến, Erik không thể quên được người phụ nữ làm việc ở tòa nhà bên kia, hay một cư dân thường cho chó ăn vào mỗi sáng.
“Có lúc tôi nhìn thấy có ba người không tập trung làm việc mà đang ngồi chơi game”, anh vui vẻ kể lại. Thỉnh thoảng, những người thuê phòng rất ngượng ngùng mỗi khi thấy anh xuất hiện ở cửa sổ, có vẻ họ sợ bị theo dõi nên phải chuyển máy tính ra chỗ khác làm.
Đặc biệt nhất là khi dọn dẹp tại One Penn Plaza, tòa nhà bằng kính đen nguyên khối cao 57 tầng, Erik phát hiện có một người phụ nữ tầng 12 thường giơ ra trước cửa sổ những dòng chữ, tin nhắn nguệch ngoạc để gửi lời chào mỗi khi anh đi qua.
Mọi khoảnh khắc cứ hiện lên thật sống động, chậm rãi. Mỗi ngày là một câu chuyện mới.
Thế giới phía trên tầng bốn mươi là một thế giới gần như tĩnh lặng tuyệt đối, sự cô lập với với xã hội bên ngoài không hề buồn tẻ mà thật phấn khích. “Bạn hạ xuống, bạn nghe thấy tiếng mọi người tranh cãi trên đường, ô tô, còi báo động ồn ã. Nhưng khi ở trên cùng, bạn chẳng nghe thấy gì hết, chỉ có bạn và đồng nghiệp. Cả hai nói chuyện gì cũng được, thậm chí có thể nói chuyện với chính mình, sẽ chẳng có ai la mắng bạn”, một nhân viên kể về trải nghiệm của mình.