Nghe nhạc và đọc thơ

Tự dưng lại lại nhớ đến nhà văn Võ Phi Hùng, bộ truyện dài 'Sống sót vỉa hè' (NXB Kim Đồng) của anh mươi năm trước đã được nhiều thanh thiếu niên yêu thích. Nghĩ đến một người, luôn nhớ đến nụ cười của họ. Hầu như những ai hiền hậu, lương thiện đều có nụ cười giống nhau. Tự tin và sảng khoái. Cũng là lúc người ta nghĩ về cái tình của nhau.

Những năm tháng cuối đời, anh thường ngồi viết tại quán cà phê vỉa hè gần đường ray xe lửa. Bất chấp âm thanh đường phố, tiếng rao mời vé số, tiếng chửi rủa tục tằn… anh vẫn cắm cúi viết.

1. "Đường ray" du nhập vào tiếng Việt từ bao giờ? Chắc chắn từ thời Pháp, theo cách nói của người Pháp: rail. Dù xe lửa chạy xình xịch trên đường ray nhưng anh vẫn viết như đang sống trong một cõi khác. Những lúc ấy, anh như cậu học trò chăm chỉ, viết bằng bút bi nắn nót từng dòng trên giấy A4. Viết xong, anh đọc lại và sửa trực tiếp lên đó; ưng ý rồi anh mới chép sang một trang giấy khác, xem như hoàn chỉnh.

Tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn minh họa tập nhạc của ông.

Tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn minh họa tập nhạc của ông.

Những ngày cuối đời, Võ Phi Hùng tâm sự chua chát: "Tôi đã không ngừng tìm mẹ từ thuở còn ấu thơ cho đến lúc tóc trên đầu đã bạc, nhưng vô vọng! Năm nay tôi đã 62 tuổi. Cách đây hơn một năm, tôi đã ngưng việc tìm kiếm mẹ, vì thấy không còn hy vọng, vì nghĩ có lẽ mẹ tôi đã không còn sống trên cõi đời này. Thôi thì đành tự an ủi mình: cuộc đời có những bí mật không thể giải được và ta đành phải chấp nhận. Có những điều ngang trái mà mình phải chấp nhận, dù đã cố gắng hết sức".

Lại nhớ đến nhà thơ Đơn Phương. Mỗi người có một cách viết. Chẳng ai giống ai. Nhìn thi sĩ Đơn Phương viết mới khó khăn làm sao. Những ngón tay của anh đã rụng gần hết. Mỗi lần sáng tác thơ, anh phải dùng răng siết sợi dây để cột chặt cây bút bi vào bàn tay co quặt. Và viết. Thơ anh mang âm điệu, ngôn từ của Hàn Mặc Tử. Anh đã viết tiếp kịch bản “Quần tiên hội” của Hàn Mặc Tử. Làm nhiều thơ. Thơ hay và nhiều tâm sự bi thiết của một kiếp đời đã gánh quá nhiều tai ương.

Lần lên Bến Sắn cùng VTV làm bộ phim về anh. Anh nói: "Số phận người bệnh phong như chúng tôi là những người tù không bản án, vì phải sống hết đời trong sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Thời trẻ, đã có lần vì đớn đau, vì tuyệt vọng tôi đã dại dột tự tử, may mà các soeur cứu được. Nhờ có thơ mà tôi sống được đến hôm nay. Bao nhiêu nỗi niềm của tôi đều trút cả vào thơ".

Mỗi con người đã là một số phận. Nó đã được lập trình rồi chăng? Nghĩ thế, vậy hóa ra, với cái tử vi ấy, cung mạng ấy thì người ấy phải như thế ấy? Chẳng biết đâu lần. Cái sự bí ẩn đó cũng khí lý giải như tại sao, trên đường đời, ta gặp người này rồi ăn đời kiếp? Đồ rằng những chàng trai trẻ người Huế, lúc mới lớn biết yêu thương, với người con gái mà mình đang "thả thính", họ gọi bằng nhiều từ quen thuộc, nhất từ "o" rất đỗi thân mật. Thế nhưng còn có một từ khác nữa: "con tinh".

Nghe lạ tai nhỉ?

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Con tinh yêu thương chưa từng hội ngộ", hầu hết các ca sĩ đều hát "con tim". Hát như thế là không hiểu gì về "lời ăn tiếng nói" đặc trưng của người Huế. Khi họ gọi cô gái ấy là "con tinh" hoặc "con yêu", tức mang ý nghĩa chỉ một người nữ lém lỉnh, ranh mãnh, nghịch ngợm như loài "ma quái yêu tinh" nhưng cũng vừa thuần hậu, e ấp, mặn mà… Nhà văn Trần Kiêm Đoàn có tác phẩm "Con yêu bánh nậm" là cũng nằm trong ý nghĩa đó. "Gọi buốt trăm trăm", có người lại hát "Gọi suốt trăm năm", không cần phân tích dài dòng, đã thấy sự tầm thường của từ "suốt", nó hoàn toàn không gợi lại sự lẻ loi, đớn đau cô độc, tái tê của một tâm hồn "nhất phiến tài tình thiên cổ lụy".

Chữ trong thơ. Chữ trong nhạc. Cả thẩy đều phải chắt lọc. Tìm lấy từ đắc giá nhất. Thơ, đọc thoáng qua, không kịp cảm nhận. Đã khép bài thơ lại. Đã quên. Nhạc lại khác. Nghe đi nghe lại nhiều lần. Có quên, nghe lại nhiều lần sẽ nhớ. Dần dần sẽ phát hiện ra cái hay của chữ đó. "Đất mẹ đầy cỏ úa", nhạc Nguyễn Hiền phổ thơ Kim Tuấn. Nghe kỹ, đọc kỹ sẽ thấy nó tầm thường. Ông bạn hiền hậu Kim Tuấn viết thế này: "Đất mẹ gầy cỏ lúa". Nghe rờn rợn một nỗi niềm nhớ về quê mẹ. Ngay cả cỏ úa cũng gầy guộc. Có thế, mới có thể hình dung ra hết cái sự nghèo nàn ở quê mẹ, mới thấy hiện ra không khí chiến tranh bi thảm của một thời…

Tôi từng nghe đi nghe lại "Vũng lầy của chúng ta" của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, bởi thích câu: "Cho nhau chất ngất thơ ngây". Nghe nhiều lần nên ngày nọ phát hiện ra sao câu ấy tầm thường đến vậy? Bèn tra lại ở tuyển tập nhạc "Khi loài thú xa nhau", nguyên văn: "Cho nhau chắt hết thơ ngây". "Chắt", gợi lên sự trao thân đầm đìa dục tính. Tràn trề cảm hứng. Cho nhau một lần. Và cho tất cả. Trọn vẹn hân hoan. Dâng hiến tột cùng.

Rõ ràng hiểu một từ trong thơ nhạc cũng đòi hỏi sự tinh. Hiểu một câu thơ, một ca từ không dễ.

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 có bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Câu thơ: "Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình", được giải thích: "Phách: một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng vào mùa hè". Do cây phách không mọc ở vùng xuôi nên các nhà biên soạn sách giáo khoa đã giải thích liệu đúng. Theo nhà văn Tô Hoài - người đã viết nhiều sách về vùng Tây Bắc - trong một bút ký ông miêu tả: "Hoa phách tím nhạt lốm đốm lưng núi, như rừng Việt Bắc. Hoa phách nở, mùa tra đậu nương". Ngay cả nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký "Nhớ lại một thời", ông cũng viết: "Phách là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên". Như vậy, hoa phách màu tím chứ không màu vàng như sách giáo khoa đã giải thích. Câu thơ "Ve kêu rừng phách đổ vàng", phải hiểu lúc ấy lá của cây phách đổ xuống màu vàng, chứ không liên quan gì đến sắc hoa của nó cả.

Những cái sai sót linh tinh này, còn nhiều. Mà thôi, cũng chẳng sao, cứ viết thế, người này cứ hiểu thế, người khác cứ hiểu thế. Cũng chẳng sao. Trên hành trình mưu sinh vẫn còn nhiều chuyện còn đáng quan tâm hơn nhiều. Nghĩ thế để thấy mỗi một ngày được nhìn thấy cuộc đời này, đã là một hạnh phúc, một may mắn rồi. Sống nhẹ nhàng, buông xuôi, bằng lòng và tận hưởng lấy giây phút của hiện tại.

Vậy là đủ. Phải không?

2. Một trong những lý do khiến công chúng yêu thích nhạc Trịnh Công Công Sơn, còn vì tìm thấy sự tinh tế, uyển chuyển trong ca từ. Nhận xét về ca từ của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có nói một câu mà nhạc sĩ Văn Cao rất tán thành: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Tưởng là dễ nhưng phải là nội lực của một người am tường tiếng Việt, mới có thể đem đến công chúng cách "nói" mới, thoát ra ngoài sáo mòn, quen thuộc.

Trong ca khúc "Em còn nhớ hay em đã quên", Trịnh Công Sơn viết: "Trong lòng phố mưa đêm trói chân". Từ "trói" trong ngữ cảnh này hoàn toàn bất ngờ. Mưa không là sợi dây, vậy, làm sao có thể buộc được chân? Thế mà có đấy, là cách nói do mưa nên đôi chân không thể tự do đi đứng "trong lòng phố", phải bó chân ngồi một chỗ. Điều này, khiến ta nhớ đến câu đối xưa: "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách). Từ hình ảnh này, Trịnh Công Sơn đã chọn cách nói khác, ấn tượng hơn vẫn là "trói", mà người nghe cảm thấy gần gũi, không hề xa lạ.

Không những thế, có lúc, ông còn vận dụng cách vốn từ trong ca dao, chẳng hạn, "Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào" (Tình sầu). Ở đây, là sự kết hợp hình ảnh "áo": "Ra về để áo lại đây/ Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng"; và "quen hơi": "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi". Rõ ràng, qua sử dụng từ trường hợp này, Trịnh Công Sơn đã thể hiện sự am hiểu về cách nói quen thuộc của người Việt nói chung, nhờ vậy, ca từ dễ dàng đi vào lòng người.

Tuy nhiên, có những lúc ông sử dụng biện pháp tu từ mới lạ đến bất ngờ. Hẳn nhiều người còn nhớ đến ca từ: "Người ra đi có đôi dòng lệ. Cỏ xanh rì, cỏ mướt dưới chân. Miệng môi kia ốm o lời thề" (Có nghe đời nghiêng). "Ốm o" là "gầy gò, ốm yếu, trông thảm hại", “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Ở đây, không chỉ về người mà dùng cho lời thề của người đó, tức là người đó đã quên đi lời thề trước đó. Một cách nói tinh tế lắm.

Miêu tả một bàn tay đẹp, ông viết: "Tay măng trôi trên vùng tóc dài" (Còn tuổi nào cho em). Từ "măng" được hiểu theo hai nghĩa, măng là non, trẻ như ta vẫn thường nói măng tơ, măng non nhưng "măng" còn gợi lên hình ảnh cụ thể nữa khiến ta hình dung ra những ngón tay tựa như hình búp măng, thon, dài trắng trẻo và mềm mại. Và trong ca từ đó, sâu lắng nữa còn là từ "trôi", thay thế cho cách nói về động tác vuốt tóc/ lùa tóc bằng động tác nhẹ nhàng, thanh thoát.

Ca từ trong "Yêu dấu tan theo" cũng là một, trong rất nhiều thí dụ: "Tóc em gầy trong gió/ Trong ta giọt máu mù/ Khô theo ngày thương nhớ/ Vết sầu khắc trên da". Người ta thường nói tóc dài, tóc ngắn bay trong gió, sao ở đây lại gầy? Với từ gầy, tùy theo cảm nhận mà người nghe có thể hiểu khác nhau, đó cũng chính là ma lực của ca từ Trịnh Công Sơn. Đã thế, tôi rúng động với câu "Vết sầu khắc trên da". Từ "khắc" quyết liệt, mạnh bạo và "vết sầu" không còn là tâm trạng, nó đã cụ thể hóa bằng vết xăm hiện hữu trên da thịt. Xăm/ khắc ở đây không diễn ra mà chính là cách nói về sự tột cùng của lúc "Nghe quanh đời mưa bão/ Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo". Không gì còn có thể níu kéo…

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nghe-nhac-va-doc-tho-i753386/