Nghệ nhân Ama H'Loan: Giữ hồn nhạc cụ Ê Đê

Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân Ama H'Loan, những vật liệu thô sơ như: Quả bầu khô, ống nứa, tre, trúc, gỗ… đã thành các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê: Đinh năm, đinh tăk, đing klut, đinh tăkta, kipăh, đàn trưng…

Từ khi còn nhỏ, Ama H’Loan đã say mê tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng sáo trong những lễ hội của buôn làng. Trong ký ức của ông, những lễ hội truyền thống ở buôn làng khi dựng nhà rông, mừng lúa mới hay lễ trưởng thành, lễ bỏ mả... đều không thể vắng âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống. Cứ biết chỗ nào có lễ hội là ông đều đến xem. Các âm thanh của nhạc cụ cứ ngấm dần vào máu ông. Sau mỗi lần như vậy, ông lại về mày mò tự làm, tự học cách chế tác nhạc cụ.

Năm 10 tuổi, bằng đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê và chịu khó học hỏi từ nghệ nhân lớn tuổi, ông đã chế tác được những nhạc cụ tre, nứa đầu tiên. Không chỉ dành tình yêu cho nhạc cụ dân tộc, Ama H’Loan còn mang tình yêu đó vào tình yêu đất nước. Năm 13 tuổi, ông xung phong tham gia làm cách mạng. Âm nhạc truyền thống theo ông trên mọi nẻo đường trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến những năm sau giải phóng, khi ông làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn rồi công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk và nghỉ hưu năm 2000.

Sáng tạo tù và bằng gỗ thay những chiếc sừng trâu

Sáng tạo tù và bằng gỗ thay những chiếc sừng trâu

Sau khi nghỉ hưu, nghệ nhân Ama H’Loan có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê nhạc cụ truyền thống. Trăn trở trước thực trạng những nhạc cụ dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền, ông đã tự mình đi nhiều nơi, gặp nhiều người để sưu tầm, ghi chép lại tài liệu về nhạc cụ của người Ê Đê. Cuối cùng, ông cũng thành công khi biến những vật liệu có sẵn như tre, trúc, trái bầu khô, gỗ, sừng trâu... thành nhạc cụ, phát ra âm thanh quyến rũ người nghe. Bằng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo của ông, hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê đều được chế tác thành công.

Gần 20 năm qua, hầu như ngày nào Ama H’Loan cũng bận rộn với công việc chế tác các nhạc cụ của dân tộc Ê Đê. Ông không nhớ mình làm ra bao nhiêu sản phẩm, chỉ biết rằng, tháng nào cũng có người đến đặt ông làm đàn. Các đoàn ca nhạc dân tộc, các đội văn nghệ dân gian ở các huyện, xã, buôn làng có nhu cầu biểu diễn nhạc cụ truyền thống cũng tìm đến ông.

Vì đã quen tay nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh. Mỗi ngày Ama H’Loan có thể chế tác được 1 chiếc đàn đinh năm, còn các loại nhạc cụ khác thì có thể làm được vài cái trở lên. Đối với tù và, việc chế tác có phần phức tạp hơn, bởi ngày nay không còn sừng trâu để làm nên ông lấy nguyên liệu là gỗ xoan, gỗ hương để chế tác. Những chiếc tù và được làm từ các loại gỗ này cũng có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu.

Không chỉ chế tác thành thạo, nghệ nhân Ama H’Loan còn sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu, nắm vững cấu trúc cũng như diễn xướng nhạc cụ truyền thống từ tre nứa đến cồng chiêng Ê Đê. Ông là một trong số nghệ nhân hiếm hoi ở Đắk Lắk giữ được bí quyết tạo ra thanh âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre, nứa. Ông cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên.

Với Ama H’Loan, các loại nhạc cụ truyền thống có giá trị rất lớn, bởi đó là hồn cốt, là bản sắc văn hóa lâu đời của người Ê Đê. Ông nguyện dành cả tâm huyết để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cho đời sau.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-nhan-ama-hloan-giu-hon-nhac-cu-e-de-140772.html