Nghệ nhân gỗ lũa

Ông là Nguyễn Quang Vịnh, tổ dân phố 11-9, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Xuất phát điểm là một Cựu TNXP, công nhân nghèo, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng, ông đã trở thành nghệ nhân gỗ lũa giỏi có tiếng của vùng.

Ông Vịnh (sinh năm 1944), quê ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu (Nam Định). Năm 1966, ông tham gia Thanh niên xung phong (TNXP), đơn vị “Thanh niên xung kích chống Mỹ cứu nước” tỉnh Tuyên Quang. Hoàn thành nhiệm vụ, ông chuyển công tác về làm công nhân tại bến phà Chiêm Hóa. Năm 1972, ông xây dựng gia đình. Cả 2 vợ chồng ông đều là công nhân thuộc ngành giao thông cầu đường, lương thấp, nuôi 4 con ăn học, cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Năm 1989, vợ ông về nghỉ theo chế độ 176, hưởng “một cục” chỉ còn lương công nhân của ông, gia đình càng khó khăn, túng thiếu hơn. Vì thế, vài năm sau, ông đã quyết định xin về hưu sớm tập trung phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm ổn định cho các con, đặc biệt đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng.

Ông Nguyễn Quang Vịnh với chiếc cúp “Thương hiệu nổi tiếng đất Việt”.

Ông Nguyễn Quang Vịnh với chiếc cúp “Thương hiệu nổi tiếng đất Việt”.

Ông suy nghĩ, trăn trở, tính toán, vạch ra nhiều mô hình, nhiều phương án làm kinh tế. Do sinh sống ở trung tâm thị trấn, diện tích nhà hẹp chỉ đủ ở, không phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi được, buôn bán, dịch vụ lại không thuận lợi. Ông đã bàn với vợ quyết định vay vốn ngân hàng mở xưởng chế tác gỗ lũa cảnh. Năm 2000, xưởng gỗ lũa của ông bắt đầu hoạt động. Sẵn có thú chơi cây cảnh, ông đã tận dụng các gốc cây gỗ lũa sẵn có ở ven sông, suối, trong rừng. Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa được trời phú mà những gốc, rễ cây khô ông đã tạo ra những tác phẩm lũa cảnh như: “Long - Phượng dưỡng tử”, “Bát tiên giáng động”, “Kỳ lũa hóa thân”... Những sản phẩm được nhiều người biết đến, ưa chuộng và đã được đưa đi triển lãm ở các hội chợ của huyện, tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong nước. Qua bình chọn các tác phẩm nghệ thuật của ông đã đạt 2 giải vàng, 3 giải bạc.

Xưởng từ hoạt động đơn lẻ chỉ có một mình, nay đã phát triển mạnh, có từ 5 - 7 thợ làm việc thường xuyên. Sản phẩm làm ra bán chạy, thu lợi nhuận lớn. Thợ của xưởng đều là con em đồng đội, với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vịnh còn là Cựu TNXP đầu tàu, gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ khi thành lập Hội (2008) đến nay, ông Vịnh liên tục được hội viên tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP thị trấn Vĩnh Lộc. Ông tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, có lòng nhân hậu yêu thương đồng đội. Hơn 10 năm làm chi hội trưởng, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho chi hội hoạt động, như: tặng sổ tiết kiệm cho cựu TNXP là hộ nghèo, khó khăn, tặng quà cho hội viên cựu TNXP. Mỗi năm, ông đều tặng 10 suất quà cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Năm 2019, ông Vịnh tiếp tục kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Chiêm Hóa.

Với những nỗ lực, cố gắng của mình, ông Nguyễn Quang Vịnh đã được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen và nhiều giấy khen của Hội Cựu TNXP tỉnh, UBND huyện, huyện Hội. Năm 2013, ông được Hội đồng khoa học Nhà nước phong tặng cúp “Bàn tay vàng” và được bình chọn “Nghệ nhân phát triển kinh tế giỏi”; năm 2015 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam tặng cúp “Thương hiệu nổi tiếng đất Việt”...

Bài, ảnh: Trâm Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/nghe-nhan-go-lua-134516.html