Nghệ nhân hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm kèn Tây
Tại Nam Định, địa phương được biết đến là nơi đạo Công giáo phát triển mạnh mẽ bậc nhất cả nước, không hiếm người biết chơi kèn Tây.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường là người hiếm hoi vừa thành thạo cách chơi, vừa giỏi chế tác, sửa chữa kèn đồng. Ảnh: Vân Anh
Không chỉ sử dụng thành thạo các loại kèn Tây, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường (67 tuổi) làng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) còn có thể sửa chữa và chế tác được loại nhạc cụ này.
“Cái khó ló cái khôn”
Kèn Tây là tên gọi chung cho các loại kèn đồng như Trumpet, Trombone, Saxophone… có xuất xứ từ các nước phương Tây du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 thông qua các nhà thờ Công giáo.
Tại Nam Định, địa phương được biết đến là nơi đạo Công giáo phát triển mạnh mẽ bậc nhất cả nước, không hiếm người biết chơi kèn Tây. Ở xứ đạo Phạm Pháo (xã Hải Minh) còn có những người vừa thành thạo biểu diễn, vừa giỏi sửa chữa và chế tác loại nhạc cụ này.
Phạm Pháo được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 16 cùng với các giáo xứ phía Nam của Nam Định như Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng xưa… Ngay từ những năm 1908, giáo xứ Phạm Pháo đã xây dựng ngôi thánh đường khá nguy nga và thành lập đội kèn đồng mà mọi người hay gọi là đội nhạc Tây.
Qua thời gian, tiếng kèn đồng đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây, trở thành thanh âm quen thuộc không thể thiếu trong các dịp lễ lớn của người Công giáo như Giáng Sinh, Phục Sinh… Ở Phạm Pháo, trẻ em cũng biết thổi kèn. Mỗi gia đình ở Phạm Pháo là một đội kèn nhỏ, mỗi gia tộc là một đội kèn lớn hơn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, người có khoảng 60 năm kinh nghiệm sửa chữa và chế tác kèn đồng ở làng Phạm Pháo cho biết, thuở ban đầu, kèn ở làng đều được nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, kèn không tránh khỏi hư hỏng, mà việc gửi đi sửa chữa lại tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian.
“Cái khó ló cái khôn”, từ những năm 1950, cụ Nguyễn Văn Biên – bố ông Cường, một trong những nhạc công đầu tiên ở xứ đạo Phạm Pháo - đã khởi xướng, học và tìm tòi kỹ thuật sửa chữa, làm kèn đồng.
Ông Cường kể, bố ông là người am hiểu nhạc lý và thành thạo chơi kèn đồng nên đã mày mò để tìm ra “bệnh” của những chiếc kèn này. Sau bao lần tháo ra lắp vào rồi cũng thành công. Từ người thợ tay ngang, cụ Biên dần sửa được nhiều loại kèn đồng và được nhiều người tin tưởng, tìm đến nhờ sửa.. Và rồi, cụ trở thành “bác sĩ” kèn đồng từ lúc nào không hay.
Cứ thế, không chỉ sử dụng thành thạo, người làng Phạm Pháo đã nắm được kỹ thuật sửa kèn Tây. Không dừng lại ở đó, khi đã nắm vững kỹ thuật sửa kèn, “bác sĩ” lại tháo từng bộ phận của chiếc kèn ra để tìm hiểu nguyên lý hoạt động rồi chế tạo ra những sản phẩm giống hệt nguyên mẫu.
Dần dần, nghề làm kèn đồng đã hình thành và phát triển ngay trên mảnh đất thuần nông Phạm Pháo và theo dòng chảy của thời gian, nơi đây đã trở thành “xứ sở” sản xuất và sửa chữa kèn đồng nổi tiếng khắp cả nước.
Là gia đình sửa chữa, chế tác kèn đồng đầu tiên của xã, sau khi cụ Biên mất, cả 3 người con của cụ là ông Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương đều nối nghiệp cha làm kèn.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề kèn, đối với ông Cường chẳng có gì hạnh phúc hơn khi con cái đều đam mê kèn đồng và sẵn sàng nối nghiệp cha. Ảnh: Vân Anh
Mỗi chiếc kèn là một tác phẩm nghệ thuật
Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Với hầu hết loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải du nhập từ phương Tây.
Từ lá đồng phẳng, người thợ lắp vào một dụng cụ hình tròn, dài khoảng 50cm, làm bằng gỗ gọi là cần. Sau đó, dùng búa nhỏ (thường gọi là búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ để thành hình cái loa kèn với đường kính khoảng 20cm.
Đối với những chiếc kèn đồng lớn, người thợ Phạm Pháo phải sử dụng máy tiện và máy uốn tự chế để định hình các chi tiết. Tuy nhiên, các công đoạn như đánh bóng, tạo âm vẫn đòi hỏi sự tỉ mẩn và tinh tế của người thợ.
Mỗi cây kèn phải mất hàng tháng mới làm xong. Để làm hay sửa kèn sao cho giữ được thanh âm, ngoài việc lựa chọn chất liệu đạt tiêu chuẩn, người thợ phải có đôi tay khéo léo và đôi tai biết “thẩm âm”.
Về chất liệu, ông Cường cho biết, kèn chủ yếu được chế tác từ đồng, sau đó có thể được mạ crom, vàng hay bạc tùy theo yêu cầu của khách hàng. Nếu như trước đây, khi nguồn nguyên liệu còn khan hiếm, người thợ Phạm Pháo phải tỉ mẩn lấy đồng từ vỏ đạn, mâm đồng rồi dùng búa gò nhiều ngày đêm mới hình thành chiếc loa kèn thì ngày nay, nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, việc bảo dưỡng, chế tác các bộ phận của kèn đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Để làm ra 1 chiếc kèn đồng, phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tính toán các chi tiết thật chính xác. Một chiếc kèn thường có từ 180 - 250 chi tiết và giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.
Theo ông Cường, trong quá trình chế tác, công đoạn khó nhất vẫn là làm bộ phím và quả pháo. Bộ phím của kèn không chỉ cần độ kín tuyệt đối như một chiếc xi lanh, mà còn phải nhẹ nhàng, trơn tru để người chơi dễ dàng bấm và tạo ra âm thanh mượt mà. Ngoài ra, chế tác quả pháo cũng là kỹ thuật khó.
Quả pháo và bộ pháo là trung tâm của chiếc kèn, quyết định chất lượng âm thanh của cây kèn nên bên cạnh tay nghề điêu luyện, người thợ còn cần có kiến thức nhất định về âm nhạc. Quan trọng hơn cả, họ phải sở hữu đôi tai thẩm âm tinh tế để nhận biết từng biến tấu nhỏ nhất , đảm bảo mỗi cây kèn khi hoàn thiện đều có âm sắc chuẩn.
Hiện, các gia đình ở làng Phạm Pháo có thể chế tác tới hàng chục loại kèn Tây khác nhau như Clarinet, Saxophone, Trumpet, Alto Saxophone, Trombone, Baritone, Bass, Tubas... Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh bởi người thợ kèn nơi đây là những “kỹ thuật viên” thành thục, có thể bảo đảm tất cả các yêu cầu một cách chuẩn xác.

Một số loại kèn Tây được sản xuất tại làng Phạm Pháo. Ảnh: Vân Anh
Hơn nửa thế kỷ giữ “lửa nghề”
Hiện nay, ông Cường là một trong số ít những nghệ nhân có tiếng trong việc chế tác và sửa chữa kèn Tây tại Việt Nam. Bước vào xưởng làm kèn của gia đình ông, ai cũng sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi hàng nghìn chiếc kèn đồng lớn nhỏ đủ loại treo kín tường, cái nào cũng cầu kỳ, tinh xảo với rất nhiều chi tiết, nút, lẫy phức tạp.
Là thế hệ thứ 2 trong gia đình có truyền thống làm nghề sửa chữa và làm kèn đồng nên ông Cường được tiếp xúc với kèn từ nhỏ. Âm thanh réo rắt vang lên từ những chiếc kèn ấy đã ngấm vào máu thịt, vào tâm hồn, trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống thường nhật của ông.
Chính vì thế, sau này nối nghiệp cha làm nghề sửa kèn, ông Cường có biệt tài chỉ nghe qua tiếng kèn là biết hỏng ở bộ phận nào và nghĩ ra ngay cách chỉnh sửa cho tiếng kèn đúng âm sắc, kêu vang chuẩn mực.
“Từ lúc còn bé tôi đã được bố dạy thổi kèn, năm 8 tuổi, tôi đã bắt đầu làm nghề cùng bố, với những công việc đơn giản nhất như đặt bễ, cạo mối hàn. Đến khoảng năm 1970, tôi đã trở thành một người thợ thực thụ và kiếm được tiền từ nghề này”, ông Cường tâm sự.
Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề kèn, ông Cường từng trải qua không ít thăng trầm. Có những giai đoạn phải tạm ngưng vì đi bộ đội, rồi lúc kinh tế khó khăn, công làm kèn chẳng bằng công thợ xây, ông cũng đã đôi lần nản lòng, thoáng nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
Nhưng rồi, mỗi khi cầm lại chiếc kèn, lắng nghe âm thanh réo rắt quen thuộc, ông lại thấy như có sợi dây vô hình níu mình ở lại. Bởi với ông, nghề kèn không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là đam mê chẳng thể dứt bỏ.
Để nuôi được nghề, ông Cường còn làm thêm nghề mộc, cũng là một nghề truyền thống của làng Phạm Pháo do đặc thù của nghề kèn không phải lúc nào cũng sẵn việc. Suốt những năm tháng qua, bên cạnh việc miệt mài với nghề kèn, ông Cường còn dành thời gian truyền dạy nghề cho các con.

Mỗi chiếc kèn đồng thường có 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Ảnh: Vân Anh
Không chỉ tự hào về sản phẩm đặc biệt của gia đình mình, ông Cường còn hãnh diện khi nghề truyền thống này vẫn được duy trì, nối tiếp qua các thế hệ trong nhà. Đến giờ, cả 4 người con trai của ông đều thành thạo các công đoạn chế tác kèn và sẵn sàng nối nghiệp cha.
Ngày nay, người làm kèn ở Phạm Pháo còn gặp nhiều khó khăn hơn vì không thể cạnh tranh với những loại kèn ngoại nhập được sản xuất đồng loạt, đặc biệt là kèn có xuất xứ Trung Quốc. Bởi vậy, việc làm kèn ở Phạm Pháo đang ngày càng thu hẹp.
Ông Cường tâm sự: “Nếu như trước đây xưởng của gia đình tôi sản xuất hầu hết các loại kèn đồng thì hiện nay, gia đình tôi chỉ nhận làm mới những loại kèn to, khó kiếm trên thị trường, còn chủ yếu là nhận sửa chữa kèn bị hỏng, lỗi gửi về từ khắp nơi trên cả nước. Bởi nếu gia công những loại kèn nhỏ, các cơ sở thủ công như của gia đình tôi không thể thu hồi vốn.
Dù ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập ngày một kém, nhưng “quý nghề” của cha ông và đam mê vẫn cháy bỏng nên tôi vẫn quyết theo đuổi”.
Điều đặc biệt ở Phạm Pháo là hầu hết những người thợ tài hoa này đều chưa từng qua trường lớp đào tạo chính quy nào về âm nhạc hay chế tác nhạc cụ, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế và niềm đam mê, họ vẫn tạo ra những cây kèn có âm thanh tròn trịa, vang xa. Mỗi chiếc kèn sau khi hoàn thiện không đơn thuần chỉ là một nhạc cụ, mà còn là kết tinh của tâm huyết và sự khéo léo của người thợ. Chính vì thế, mỗi khi hoàn thiện một sản phẩm, họ nâng niu, trân quý như một tác phẩm nghệ thuật.