Nghệ nhân kim hoàn Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam hiến tặng hơn 90 hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Vào sáng 23/11/2020, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) sẽ tổ chức 'Lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2020 và ra mắt không gian trưng bày các tác phẩm của Nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành'
Ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho hay, vào sáng 23/11/2020, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) sẽ tổ chức “Lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2020 và ra mắt không gian trưng bày các tác phẩm của Nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành”.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh, đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, với mục đích động viên, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tri ân những nghệ nhân đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trong năm qua. Đồng thời giới thiệu không gian trưng bày mới của Bảo tàng tạo điểm nhấn thu hút công chúng.
Theo đó, vào sáng 23/11, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ tổ chức tiếp nhận hơn 90 hiện vật được gia đình Nghệ nhân nhân dân Trần Duy Mong (Thừa Thiên Huế), Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh và Nghệ nhân Trần Đình Phi (Hội Mỹ nghệ kim hoàn Quảng Nam) hiến tặng.
Các hiện vật này là đồ trang sức dành cho cô dâu chú rể trong lễ cưới truyền thống, đồ mỹ nghệ kim hoàn trang trí và các dụng cụ đã từng được các nghệ nhân kim hoàn của làng Kế Môn - làng nghề mỹ nghệ kim hoàn nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế và nghệ nhân kim hoàn Quảng Nam sử dụng trong quá trình làm nghề.
“Những hiện vật đã được gìn giữ, sưu tầm, chế tác và hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thể hiện tâm huyết của những nghệ nhân thiết tha muốn đóng góp cùng ngành văn hóa nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của nghề truyền thống mỹ nghệ kim hoàn đang ngày càng mai một, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay!” – Bà Nguyễn Thị Trinh nói.
Theo lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, bộ sưu tập hơn 90 hiện vật được hiến tặng nêu trên có thể nói là khá đầy đủ để Bảo tàng này hình thành nên không gian giới thiệu về nghề mỹ nghệ kim hoàn, góp phần làm phong phú nội dung trưng bày chuyên đề mỹ thuật dân gian truyền thống của Bảo tàng.
Cũng trong sáng 23/11, Bảo tàng Mỹ thuật sẽ tổ chức lễ ra mắt Không gian trưng bày các tác phẩm của Nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành (sinh năm 1932 tại làng Hải Châu, nay thuộc quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội). Ông có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ với phong cách sáng tác độc lập, được giới mỹ thuật tôn là “Cây đại thụ của nền Điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20”.
“Không gian trưng bày các tác phẩm đặc sắc của Nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành được đặt tại tầng 3 của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhằm bảo tồn và phát huy bộ sưu tập tác phẩm ông, tôn vinh những đóng góp to lớn của một người con quê hương Đà Nẵng đối với nền mỹ thuật nước nhà; đồng thời giới thiệu đến công chúng, du khách và phục vụ công tác giáo dục mỹ thuật cho thế hệ trẻ!” – Bà Nguyễn Thị Trinh cho hay.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.
Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, thể hiện những tư tưởng, quan điểm của Nhà nước ta về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa.
Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.