'Nghệ nhân' luyện viết chữ đẹp lưu danh hàng trăm thế hệ học sinh
'Viết đẹp không chỉ nằm ở nét chữ, mà còn thể hiện ở sự say mê và tinh thần cầu thị tiến bộ của các con', thầy giáo Đào Duy Tuấn bày tỏ.
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện viết chữ đẹp, thầy Đào Duy Tuấn - Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả bản quyền của phần mềm Dạy - Học viết chữ Việt đẹp, thẳng thắn nhận định rằng, nền văn hóa của một dân tộc đó là ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc đó. Khi mà một dân tộc còn ngôn ngữ và chữ viết thì dân tộc đó còn giữ được nền văn hóa của mình. Chữ viết là một biểu hiện của giá trị văn hóa đẹp, mà cái đẹp thì bao giờ cũng đáng quý, đáng trân trọng. Do vậy chữ viết cần phải đúng, phải đẹp.
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Từ khi học Tiểu học, tôi cũng là một trong những người viết chữ đẹp của lớp, được thi vở sạch, chữ đẹp. Tôi từng bị thầy giáo phạt nặng vì bắt chước nét chữ của người lớn.
Chính người thầy ấy lại khiến tôi từ rèn để viết được chữ đẹp đến đam mê viết được chữ đẹp như thầy. Hồi đó, tôi cũng được thuê viết giấy khen, bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận… và trở thành người thầy luyện viết chữ đẹp với nhiều sáng kiến dạy - học viết chữ đẹp. Tôi là tác giả bản quyền của phần mềm Dạy - học viết chữ Việt đẹp nét thanh nét đậm và viết thành sách Nét chữ - Nết người năm 2011 và cũng là tác giả của gần 20 bài báo chuyên ngành về viết chữ đẹp.
Thầy có thể chia sẻ gì về cơ duyên đã đưa thầy đến với nghề luyện chữ đẹp?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Năm ấy, con gái của tôi học lớp 1, khi đưa con đến trường, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn bảng thông báo viết bằng phấn rất giản dị như ngày tôi còn học Tiểu học. Thấy vậy, trong tâm trí tôi như một sự lặp lại, tôi nhớ về khoảng thời gian mình đã được học thế nào, viết thế nào,…
Tôi say sưa luyện viết bảng, tôi luyện viết với mong ước có phương pháp tốt để dạy cho con của mình, sau đó tôi được nhiều người nhờ dạy cho con cái của họ, dạy gia sư chữ đẹp,… nhiều học sinh, giáo viên nhờ tôi tập huấn, dạy viết chữ đẹp được giải. Từ đó, tôi may mắn bén duyên với nghề luyện viết chữ đẹp và mong muốn có phương pháp tốt để từ đó truyền cảm hứng, tình yêu nét chữ đến nhiều người hơn.
Tiếng lành đồn xa, các cô giáo từ miền Nam, miền Trung ra học thêm để về mở “lò luyện chữ”. Với nhiều cải tiến đi trước đón đầu để dạy - học viết chữ Việt đẹp, cuối cùng đã đốc thúc tôi kiên trì, bền bỉ với 5 năm liền nghiên cứu chuyên sâu về chữ Việt đẹp, dạy - học viết chữ Việt đẹp. Phần mềm dạy - học viết chữ Việt đẹp được công nhận bản quyền tác giả năm 2008 và sách Nét chữ - Nết người xuất bản năm 2011.
Thưa thầy, là một người ngày ngày dạy và luyện chữ, tiếp xúc với hàng trăm học viên đủ mọi lứa tuổi, có học sinh nào đã thay đổi nhờ việc viết chữ khiến thầy đặc biệt ấn tượng khi nhắc tới?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Trong rất nhiều lứa học trò của tôi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh về em học trò tên L.V.Đ. Vào năm 2003, bố mẹ Đ. đến đặt vấn đề nhờ tôi dạy chữ cho con mình. Đ. là học sinh cá biệt tại một trường tiểu học tại Hà Nội, em có tố chất thông minh, nhưng cá tính rất rõ. Hằng ngày, khi học trên lớp, Đ. thuộc diện học sinh “cá biệt” nên việc học của Đ. mỗi ngày một kém, chữ viết ngày một xấu. Lúc bấy giờ, hầu hết thầy cô đang giảng dạy và bố mẹ của Đ. gần như bế tắc trước việc dạy dỗ em.
Hôm đầu tiên tôi gặp Đ., tôi đứng nghiêm trước mặt em và nói “Thầy chào con!”. Đ. không nói gì, em chỉ cười. Tôi tiếp tục kiên trì nghiêm túc chào Đ., em vẫn phớt lờ sự hiện diện của tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian, Đ. bắt đầu tò mò về những nét chữ tôi viết. Cứ như thế, tôi dạy cho Đ. liên tục trong 15 buổi thì nét chữ và tính cách của em ngày càng tốt lên, các bạn học và thầy cô giáo ở trường đều nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc của Đ. trong một thời gian ngắn.
Sau đó, Đ. đã thi đỗ vào trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (lớp 6 khối THCS - Đại học Sư phạm Hà Nội), em học càng ngày càng giỏi, tính tình hiền lành nên được thầy yêu bạn mến. Từ khi viết được chữ đẹp, Đ. còn học được một thói quen tốt là chép các bài thơ, bài văn hay và thậm chí còn làm thơ tặng ông nội và những người thân trong gia đình.
Tôi cảm nhận rằng, bản thân có duyên với những học sinh cá biệt, sau Đ., tôi tiếp tục nhận học sinh thứ hai là một học sinh của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. Năm đó, em đang học lớp 12 nhưng rất cá tính, một phần vì mải chơi, một phần vì chữ xấu nên điểm kém, kết quả học tập sa sút, cha mẹ em quá kỳ vọng nên đã vô tình mắng mỏ em. Sau nhiều lần tìm cách, cuối cùng tôi cũng đã tiếp cận được với em, thuyết phục em học và dạy em thành công viết chữ đẹp. Sau đó, em đã đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Thầy có thể chia sẻ một số kỷ niệm đặc biệt trong những năm tháng gắn bó với nghề luyện chữ đẹp?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Vào những năm 2005 - 2006, Trung tâm giáo dục Thường xuyên Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nhờ tôi tập huấn và dạy chữ đẹp cho giáo viên Tiểu học. Lúc đầu lớp đăng ký 70 người, về sau đã lên đến hơn 100 giáo viên, có cả giáo viên Giáo dục Mầm non nghe tin cũng kéo đến Hội trường chen nhau nghe giảng,...
Có dịp tôi được mời tập huấn chuyên đề chữ đẹp do phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Bắc Ninh tổ chức. Trong quá trình tập huấn, người dạy cũng như người học như là bị con chữ mê hoặc, quên hết cả thời gian giải lao. Từ chỗ hồi hộp lo lắng đến chỗ thành công ghi điểm, ghi danh vào danh sách những người con dạy, viết chữ đẹp của quê hương Kinh Bắc.
Nhờ có thành công đó, năm 2015 tôi được chọn là người chép lại bằng chữ Quốc ngữ (Tiếng Việt) trên giấy Gió 14 sắc phong Đình Cẩm Xuyên, Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Tôi ấn tượng nhất là sắc phong La Hầu Thượng tướng quân - Người có Lăng cổ xây dựng bằng đá ở khu Dinh Hương (di tích Lịch sử).
Thầy có thể chia sẻ về những băn khoăn từ khi mới thành lập lớp học? Thời điểm đó thầy đã gặp phải những khó khăn, thuận lợi như thế nào?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Khi mới mở lớp học viết chữ đẹp, tôi cũng rất lo lắng vì chưa có đủ trang thiết bị máy chiếu, máy tính,… dạy rất khó. Điều kiện kinh tế eo hẹp chưa sắm được máy tính tốt để dạy. Tuy nhiên, lúc bấy giờ đối tượng tôi dạy sau này sẽ là giáo viên Tiểu học, giáo viên Mầm non nên họ phải học thật, viết thật để sau này ra trường xin việc thì viết được chữ đẹp, cao hơn là dạy viết được chữ đẹp thì sẽ là một lợi thế lớn.
Cho đến nay, sau nhiều năm giảng dạy, có một điều mà tôi vẫn luôn trăn trở khi luyện viết chữ đẹp cho học viên chính là những quan điểm lệch lạc về thời đại 4.0 chủ yếu dùng bằng khoa học, công nghệ,… ỷ lại quá nhiều vào công nghệ, ngay cả các bậc phụ huynh cũng coi nhẹ việc viết chữ.
Với những bạn nhỏ thuộc nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thể đóng học phí, trẻ khuyết tật, lớp học của thầy sẽ có những chính sách hỗ trợ nào cho các em? Thầy có thể lý giải tại sao mình có sự quan tâm đặc biệt với các bạn nhỏ như vậy?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Nhiều người vẫn nói “thầy Tuấn dạy chữ đẹp vì đam mê”; “thầy Tuấn làm vì đam mê”. Thật vậy đó, tôi đã trải qua cuộc sống khó khăn, gia đình đông con, kinh tế gia đình lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Do vậy, tôi hiểu và cảm thông nên có sự quan tâm đặc biệt với các bạn nhỏ bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, kể cả các cô giáo, thầy giáo.
Tôi sẵn sàng dạy miễn phí, tặng học liệu cho những học sinh, thầy cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà tôi nghèo nên tôi thương họ, bản thân tôi lương cũng thấp nhưng luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và luôn trân trọng những người có nghĩa cử cao đẹp, ý nghĩa như vậy.
Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần phải làm gì để hành trình rèn luyện nét chữ, nết người thể hiện đúng giá trị cốt lõi, thưa thầy?
Thầy giáo Đào Duy Tuấn: Là người chuyên dạy và luyện viết chữ đẹp, tôi luôn tôn trọng, khích lệ, động viên không chỉ học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh. Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh, phụ huynh cũng cần đồng hành cùng các con trong việc rèn luyện từng nét chữ. Tôi thấy nhiều phụ huynh say sưa không chỉ xem tôi viết từng nét chữ mà họ còn để ý, suýt xoa học trò viết từng nét chữ, cổ vũ, khen ngợi đầy phấn khích.
Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh trong hành trình rèn luyện nét chữ, nết người thì các bậc phụ huynh, thầy cô cũng nên có cái nhìn khách quan, nhân văn, cởi mở về con chữ. Khi chấm bài, giáo viên không nên quá khắt khe, rập khuôn, yêu cầu học sinh phải viết đúng ly, đúng từng nét một, mà nên nhìn một cách khái quát, toàn diện khi đánh giá một trang vở.
Viết đẹp không chỉ nằm ở nét chữ, mà còn thể hiện ở sự say mê hay tinh thần cầu thị tiến bộ của các con. Sau khi rèn chữ xong, không cần so sánh chữ với ai đó, chỉ cần chữ của các con đẹp hơn chữ ban đầu chưa luyện thì đã là thành công của các con và người dạy rồi.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của thầy!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất
Tạp chí Trẻ em Việt Nam