Nghệ nhân nghề mộc 23 năm 'thổi hồn' vào cây cảnh
Bằng tình yêu với thiên nhiên và cây xanh, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến đã gắn bó suốt 23 năm, cho ra đời nhiều kiệt tác nghệ thuật bonsai độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra từ tiếng gõ, tiếng đục
Chúng tôi đến thăm làng nghề Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào những ngày gần giữa tháng 12 của năm 2022. Phù Đổng hôm nay đã đổi thay, một làng quê nhỏ đang thay da đổi thịt, phát triển rực rỡ với các nghề truyền thống như trồng hoa giấy, cây bonsai…
Một trong những nghề truyền thống phải kể đến là nghề mộc với thương hiệu nổi tiếng tứ phương cùng quy mô và trang thiết bị hiện đại, sản phẩm ngày một đa dạng về số lượng, tinh xảo về chất lượng.
Để có được những thành quả như ngày nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của những người thợ gỗ tài hoa nơi đây. Trong đó nổi bật nhất là ông Nguyễn Văn Khuyến, nghệ nhân có ba đời làm nghề mộc được vinh danh bảng vàng gia tộc truyền thống vào năm 2016.
11 tuổi theo cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Sửu bước chân vào nghề mộc, cũng vì lẽ đó mà nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến luôn tâm niệm: “Đã là nghề cha ông truyền lại thì dù có khó khăn đến mấy cũng phải sống và gắn bó với nghề”.
“Hạnh phúc với tôi bây giờ không phải là những tấm bằng vinh danh mà là con cháu của mình đang ngày ngày giữ và phát triển nghề”, nghệ nhân Nguyễn Vă Khuyến nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Mạnh Hưng (sinh năm 1981, người kế nghiệp của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến) chia sẻ: “Tôi luôn nhận thức được việc gìn giữ và phát huy những giá trị của gia đình truyền thống. Những tiếng gõ, tiếng đục từ lâu đã in sâu vào trong tiềm thức để rồi khi đã kế thừa được tinh hoa của ông cha thì chúng tôi lại biến những khúc gỗ xù xì, thô mộc biến hình thành những tác phẩm khắc họa cây cỏ, lá hoa, rồng phượng, những bức tranh tiên cảnh, hạ giới, làng quê, hay những điển tích xa xưa”.
Để có được xưởng mộc hiện tại và thương hiệu của gia tộc mình, ít ai hiểu được ban đầu xưởng mộc nhà ông cũng nhỏ, tay nghề của thợ trong xưởng còn chưa vững. Ông chia sẻ: “Không chỉ học nghề từ cha, tôi đi khắp các tỉnh có thợ lành nghề để học hỏi, nghiên cứu về từng sản phẩm mà họ làm ra. Tôi luôn cho rằng “một cây làm chẳng nên non” và đã tuyển thợ giỏi trên cả nước về xưởng cùng mình phát triển nghề”.
Không phụ sự kỳ vọng và lòng kiên trì, xưởng mộc Gia Nguyễn của ông Khuyến đã tạo ra những sản phẩm chất lượng giá trị cao tạo được lòng tin với nhiều người và theo thời gian thương hiệu ngày càng vang xa.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến, thành công của xưởng mộc Gia Nguyễn còn có sự góp sức của nhiều thợ trong xưởng chứ không phải của riêng mình ông. Đó là thành quả của tập thể, của những nghệ nhân tài hoa, giàu nhiệt huyết và có trách nhiệm. Mỗi nghệ nhân đến từ các vùng miền lại có những nét riêng, tất cả đã gắn kết lại với nhau tạo ra các tác phẩm được chạm, khắc rất độc đáo và tinh xảo. Từ những khúc gỗ thô cứng, vô tri vô giác qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của những người nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm có hồn và có giá trị về nghệ thuật. Họ đều coi chúng như những đứa con tinh thần của mình.
23 năm “thổi hồn” vào cây cảnh
Chỉ vào từng tác phẩm nghệ thuật để đời của mình trong khuôn viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến tâm sự: “Từ những năm 90, tôi đã theo nghề chơi cây cảnh, cây bonsai ở làng Phù Đổng. Lúc bấy giờ đất nước cũng có sự chuyển mình đáng kể, người dân cũng bắt đầu hưởng thụ cái đẹp, đặc biệt thú chơi cây cảnh cũng ngày càng phổ biến với mọi người, mọi nhà”.
Từ đôi bàn tay của nghệ nhân làm nghề mộc, ông quyết định bén duyên thêm với nghề cây cảnh, cây bonsai có giá trị kinh tế cao. Những ngày đầu mới vào nghề, ông cũng gặp vô vàn khó khăn, có những lúc ông muốn bỏ cuộc vì quá gian nan.
“Hồi mới vào nghề, cứ nhìn người ta có “dáng rồng, dáng phượng” thì ngưỡng mộ, đến khi mình bắt tay vào làm thì quả thật rất gian nan, có những cây từ ổn lại thành “thảm họa”. Không ít người khuyên tôi từ bỏ vì vừa tốn thời gian lại chẳng ra tiền bằng các nghề khác”, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến bộc bạch.
Khi được hỏi những thế cơ bản của cây cảnh bonsai, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến hào hứng kể: Với cây cảnh bonsai có tất cả 5 thế: dáng trực (thẳng), dáng lắc (hơi nghiêng), dáng xiên, dáng bay, dáng đổ.
Khi cây mới hình thành thì đều có một dáng cơ bản, người nghệ nhân như người “thầy” uốn nắn, sửa cây tạo thế theo ý thích của mình. Trong suốt thời gian hình thành tạo dáng đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì, bởi bình quân phải mất từ 2-3 năm đối với cây bonsai nhỏ và từ 5-10 năm đối với cây lớn.
Với nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến, sự thành công của người chơi bonsai chính là có cái nhìn, tư duy sáng tạo trong tạo hình để thổi hồn vào tác phẩm, làm cho chúng trở nên sống động. Từ sự quan sát đầy đủ, tỉ mỉ các yếu tố về rễ, thân, cành, lá... sau đó phải tư duy để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Quá trình tạo hình đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cắt tỉa, uốn cành, có đôi bàn tay khéo léo và có tư duy nghệ thuật cao.
Điều đặc biệt ở vườn cây cảnh bonsai của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến không chỉ các cây truyền thống, ông còn tạo hình bonsai cho ra những kiệt tác nghệ thuật thành công đối với các loại cây: Trinh nữ, xương rồng, cây me, mận, ổi, cây vú sữa, đinh lăng, phi lao… Đó chính là điểm khác biệt của vườn bonsai của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến so với các vườn bonsai khác.
Mỗi cây bonsai trong vườn của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến lại là một số phận, một cuộc đời riêng biệt. Đó có thể là những gốc sanh, sung, trâm vối... uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi từ mọi vùng quê khác nhau. Đó cũng có thể là những chiếc cây được ông mua từ những người bạn chơi cây, từ những gốc cây mọc dại đâu đó… Tất cả đến với ông như một cái duyên và được ông chăm chút, tỉ mỉ theo năm tháng của cuộc đời người nghệ nhân trở thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp, có giá trị.
“Tôi đến với nghệ thuật bonsai vì niềm vui hơn là mục đích kinh tế. Mỗi tác phẩm của tôi là một người bạn, một người tri kỷ trong những năm tháng tuổi già sắp tới. Chính vì đó tôi đã dành 23 năm “thổi hồn” cho cây, mong rằng những cống hiến này sẽ giúp cho cuộc sống muôn sắc tươi mới hơn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuyến bày tỏ.