Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm - người giữ lửa văn hóa dân tộc và nghĩa cử cao đẹp giúp đời, giúp người

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm không chỉ là một nghệ nhân hầu đồng suất sắc mà còn là một người làm việc tâm huyết và đặt cái tâm lên hàng đầu cô được coi là tấm gương sáng về cái tâm trong nghệ thuật. Với cô hầu đồng không chỉ là công việc mà là sứ mệnh, là con đường để cô dâng hiến và phục vụ cộng đồng. Cô luôn cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hầu đồng.

Bắc Giang - Vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa. Giáp danh với Bắc Ninh nên vùng quê này cũng có truyền thống với di sản văn hóa dân ca Quan Họ. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn là nơi có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo phật pháp thiền phái Trúc Lâm. Chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc”. Đó cũng chính là quê hương của đồng thầy Nguyễn Thị Năm sinh ra, cô sinh năm 1966, mặc dù đến nay cô đã gần 60 tuổi nhưng với lòng yêu mến của mình cô vẫn hăng hái tham gia và giữ gìn di sản văn hóa thờ Mẫu, đặc biệt với những bài hát chầu văn. Hiện nay cô cũng đang là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát văn, diễn xướng hầu đồng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm trong giá hầu Quan Hoàng Mười

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm trong giá hầu Quan Hoàng Mười

Tấm gương sáng và cái tâm của người bảo tồn nét đẹp hầu đồng

Trong nền văn hóa dân gian Việt Nam, nghệ thuật hầu đồng không chỉ là một loại hình nghệ thuật biểu diễn mà còn là một nghi lễ tôn giáo mang đậm màu sắc tâm linh. Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm, một trong những người thổi hồn vào hầu Thánh, đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống này.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hầu đồng, ngay từ khi còn bé cô đã đam mê từng điệu hát cung đàn và cô đã được cha mẹ cùng các bậc thầy truyền dạy những kỹ năng cơ bản của hầu đồng, từ cách biểu diễn, hát chầu văn cho đến các nghi lễ tâm linh. Trải qua hơn 30 năm hoạt động, thực hành “tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm đã nắm vững những kiến thức, kỹ năng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hiểu rõ hầu đồng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác thanh đồng để cầu mong những nhu cầu của cuộc sống hiện thực như quốc thái, dân an, sức khỏe, tiền tài, hạnh phúc… Mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi thanh đồng, mục đích, giá trị sâu xa ở đây chính là hướng về tổ tiên nguồn cội, tri ân các vị thánh nhân đất Việt cũng như những bậc anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian, qua nghi lễ hầu đồng, sẽ hiểu biết được trang phục, cách sinh hoạt của cha ông xưa, được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh đã được “lịch sử hóa” với những chiến công, phong cách rất riêng của từng nhân vật. Do đó, cô đặc biệt chú trọng đến việc giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi, cô luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị Thánh, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Cô chia sẻ: “Trong hầu đồng có quy định hẳn hoi, giá nào, khăn áo thế nào, rồi người hầu dâng phải như thế nào để hầu bóng của các đấng thần linh, ví dụ như giá hầu ông quan lớn thì đội khăn xếp lên chỉ có nét quấn ở trên đầu, không được dùng nét dài bỏ múi đằng sau, nét dài bỏ múi đằng sau chỉ dành cho các quan hàng, các cô”.

Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát văn, diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm luôn cùng các thanh đồng và các nhà nghiên cứu dày công hỗ trợ cho Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học ở các tỉnh, thành, địa phương về hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, đồng thời, luôn dìu dắt, hướng dẫn và truyền dạy cho các đệ tử con nhang của mình hiểu chính xác về tín ngưỡng thờ Mẫu để thực hành một cách đúng đắn. Cô luôn tâm niệm người làm con của Mẫu phải giữ gìn được đạo đức, để tôn vinh được đạo Mẫu không để nó biến dạng, lúc nào cũng phải gìn giữ và bảo tồn, ra sức lan tỏa tín ngưỡng dân gian này sao cho xứng đáng với sự vinh danh của cộng đồng trong nước và quốc tế. Cô cho biết, hiện nay, các tài liệu ghi chép về tín ngưỡng thờ Mẫu, các phép tắc, quy chuẩn trong thực hành di sản này rất hạn chế, nên việc truyền dạy chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng. Khó nhất là cách diễn xướng không chỉ đúng động tác, đúng nhịp mà chủ thể thanh đồng khi hầu phải nghe được Văn, thể hiện được phong thái của từng nhân vật… Nhận thấy được những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghệ thuật diễn xướng này, cô đã đi khắp các đền phủ tích cực sưu tầm lời văn cổ để trao truyền lại cho thanh đồng trẻ sau này.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm không chỉ là một nghệ nhân hầu đồng suất sắc mà còn là một người làm việc tâm huyết và đặt cái tâm lên hàng đầu cô được coi là tấm gương sáng về cái tâm trong nghệ thuật. Với cô hầu đồng không chỉ là công việc mà là sứ mệnh, là con đường để cô dâng hiến và phục vụ cộng đồng. Cô luôn cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật hầu đồng. Nhờ những đóng góp không nhỏ của mình, cô đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý trong nghành nghệ thuật dân gian như: Bằng khen của Trung ương Hội di sản Văn hóa Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông cấp bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cấp bằng, cùng nhiều bằng khen của UBND huyện Lục Nam và các Sở ban nghành khác từ Trung ương tới địa phương.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm (mặc áo dài đỏ) nhận bằng Liên hoan giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức

Nghệ nhân Nguyễn Thị Năm (mặc áo dài đỏ) nhận bằng Liên hoan giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức

Một người thầy dốc lòng hành việc thiện

Bằng cái tâm của một người con của đạo Mẫu, Đồng thầy Nguyễn Thị Năm - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát văn, diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam là một người luôn mang ngọn lửa yêu thương thắp sáng và sưởi ấm cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cuộc sống, luôn tích cực và nhiệt thành trong các hoạt động làm từ thiện, an sinh xã hội.

Người làm việc thiện chỉ cầu cho đi là mang lại thanh thản cho tâm hồn và hy vọng giúp đỡ được phần nào những mảnh đời khốn khó, những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, những gia đình khó khăn túng thiếu, ốm đau bệnh tật mà không có tiền chạy chữa. Xuất phát từ “Tâm” và “Tấm lòng từ thiện không biết sự giàu có hay nghèo khó. Nó chỉ biết từ tình yêu và sự chia sẻ”. Với tâm nguyện ấp ủ từ lâu ngay từ những năm 2015 cô đã nhiều lần ủng hộ, tài trợ nguyên vật liệu để xây dựng nhà trường, ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Lục Nam… cùng những lần xuôi ngược khắp trời Nam đất Bắc cứ thế kéo dài, ngay đến bản thân cô cũng không nhớ rõ đã làm được bao nhiêu việc có ích với người, với đời. Và sau đó là những hoạt động từ thiện tại các đền chùa như ủng hộ, tôn tạo và xây dựng chùa làng tại thôn Muối xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, sau đó là các đền chùa như chùa Yên Tử, chùa Đồng, đền Cửa Ông, Cô Bé Cửa Suốt. Hơn cả là chuyến từ thiện tại chùa Hương đi trong ba ngày, sau đó về Đức Thánh Cả, tại Đền Khổng Tử Minh Không (Phả Lại), đền Quan Lớn Đệ Tam, Quan Tuần (Ninh Giang, Hải Dương). Với tấm lòng hướng tới những điều thiện, cô tiếp tục mang tiền nhà đi từ Mẫu Thượng - Đồng Đăng - Đền Kỳ Cùng - Động Tam Thanh - Đền Nhị Thanh - Chầu Năm - Quan Giám Sát - Chầu Lục - Đền Bắc Lệ, sau đó là những đền Mẫu Thượng (Lào Cai), đền ông Hoàng Bảy Bảo Hà.

Từ miền xuôi đến miền ngược, không quản xa xôi nắng gió, cô vẫn cứ làm theo những gì tâm mình mách bảo, vẫn là những lần từ thiện bằng cả tấm lòng, cô lại tự mình đi đến Mẫu Sòng - Cô Chín - Chầu Đệ Tứ - Đền Ông Mười - Cô Bơ tất cả những lần này cô đều tự mình bỏ tâm công đức. Tính ra trong mấy chục năm theo nghiệp cô cũng bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, tôn tạo đình, chùa. Góp phần tích cực vào xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Với tấm lòng đó khó ai có thể kể hết được những việc thiện từ miền xuôi đến miền ngược của cô. Qua mỗi hành trình làm từ thiện, mỗi người lại có cách nhìn riêng về giá trị của sự cho đi và nhận lại. Nhưng đã làm từ thiện, chẳng ai tính toán thiệt hơn giữa cho và nhận, bởi có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Chúng ta trao yêu thương, nhận lại hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấy được nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt mừng vui của những con người không may mắn khi nhận được sự sẻ chia từ cộng động. Và người con giành cả đời mình để hướng thiện ấy là nghệ nhân Nguyễn Thị Năm - người con của vùng đất danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử.

Nhã Hương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-nguyen-thi-nam-nguoi-giu-lua-van-hoa-dan-toc-va-nghia-cu-cao-dep-giup-doi-giup-nguoi-a27912.html