Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn: Trăn trở bài toán đầu ra cho sản phẩm làng nghề

Gần 30 năm làm nghề, chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề chạm bạc Văn Hanh (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn vẫn mong mỏi đưa được sản phẩm của làng tới tận tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giúp gia tăng giá trị, cũng đồng thời tạo thêm thu nhập cho người lao động.

Tiêu thụ phụ thuộc vào khâu trung gian

Là con em của vùng nghề chạm bạc nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn đã sớm theo nghề truyền thống của gia đình. Bắt đầu từ năm 1990, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh chính thức tham gia sản xuất, phát huy nghề của cha ông để lại. Đến nay, sau gần 30 năm làm nghề, anh đã sở hữu 1 cơ sở sản xuất với 15 lao động thường xuyên.

Nói về nghề chạm bạc của Văn Hanh, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn tự hào, đây là nghề truyền thống, độc nhất vô nhị, không chỉ phát triển mạnh tại địa phương, nghề chạm bạc còn theo chân người dân làng nghề đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Anh chia sẻ, tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng, mỗi thời kỳ, sản phẩm của Văn Hanh đều có sự thay đổi cho phù hợp. Đơn cử, khoảng 10 năm về trước dòng sản phẩm hộp, túi, làn, ví… có kích thước nhỏ được sản xuất khá nhiều và chủ yếu phục vụ xuất khẩu nhưng hiện nay thị trường thịnh hành các sản phẩm đồ thờ, tranh đồng thì đây lại là những sản phẩm được sản xuất chính.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn: Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng, mỗi thời kỳ, sản phẩm của Văn Hanh đều có sự thay đổi cho phù hợp

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn: Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng, mỗi thời kỳ, sản phẩm của Văn Hanh đều có sự thay đổi cho phù hợp

Việc chuyển đổi kích cỡ cũng như các dòng sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn cũng như người dân làng nghề không khó. Với tay nghề được rèn rũa qua nhiều năm, cùng sự nhanh nhạy trong nhận thức, anh tính toán kích thước, hoa văn từ đó chuyển đổi phù hợp. “Riêng với họa tiết sản phẩm, tùy vào mục đích sử dụng, mình phải tư vấn mẫu hoa văn cho khách hàng, như: Tranh phong cảnh thì chạm hình ảnh các loài chim, hoa sen; đồ thờ lại sủ dụng các con vật các tính biểu tượng như hạc... Mục tiêu là giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đúng chủng loại và phù hợp nhất”, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn nói.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn, những năm gần đây, làng nghề Văn Hanh tuy có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn nhưng thu nhập từ nghề bị giảm đáng kể. Nguyên do, làng nghề ở vùng sâu, giao thông không thuận lợi nên người tiêu dùng ít biết đến. Sản phẩm làm ra chủ yếu được bán ra thị trường qua doanh nghiệp trung gian, bao gồm cả xuất khẩu, do vậy giá thành rất rẻ, người dân làm nghề chủ yếu “lấy công làm lãi”.

Cần nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại

Những năm gần đây, cùng với internet phổ biến, người dân làng nghề và cả nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn cũng đã giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên hiệu quả không cao, do không có nhân viên phụ trách chuyên nghiệp, bản thân nghệ nhân phải trực tiếp sản xuất nên không thể thường xuyên trao đổi, quảng bá sản phẩm với khách hàng.

Bản thân cơ sở sản xuất của nghệ nhân cũng đã được Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; mang sản phẩm của cơ sở đi trưng bày và giới thiệu tại các sự kiện của tỉnh. Qua các sự kiện cũng có khách hàng tìm tới đặt hàng, tuy nhiên, do sản phẩm cồng kềnh, chi phí vận chuyển cũng như chi phí tham dự các sự kiện lớn nên cơ sở cũng e ngại. Hiện, ngoài được các doanh nghiệp thương mại thu mua, sản phẩm chạm bạc của Văn Hanh hiện vẫn chủ yếu được bán theo phương thức truyền thống qua khách hàng giới thiệu nên số lượng tiêu thụ không nhiều.

“Nghề chạm bạc của Văn Hanh có truyền thống lâu đời, để nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ chi phí cho các tổ sản xuất tại Văn Hanh tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, tìm được đối tác tốt, nhất là những nhà nhập khẩu tới với Văn Hanh”, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn mong muốn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn chăm chút cho từng tác phẩm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn chăm chút cho từng tác phẩm

Được biết, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn bên cạnh là lớp nghệ nhân kế cận được phong tặng của làng nghề Văn Hanh. Anh cùng với các thành viên trong Hội làng nghề kim hoàn Văn Hanh tích cực vận động các tổ sản xuất tại làng nghề mạnh tay đầu tư cho sản xuất, tạo ra những sản phẩm đẹp, có độ tinh xảo cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, bảo tồn tinh hoa nghề truyền thống.

Cùng đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn cũng tham gia giảng dạy nhiều lớp dạy nghề do ngành Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Tính đến nay, anh đã đào tạo nghề cho khoảng 300 người, bao gồm cả lao động mới, lao động nâng cao tay nghề. Hiện số lao động này đã được nhận vào các tổ sản xuất với thu nhập ổn định.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn đã đào tạo nghề cho khoảng 300 người, bao gồm cả lao động mới, lao động nâng cao tay nghề

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn đã đào tạo nghề cho khoảng 300 người, bao gồm cả lao động mới, lao động nâng cao tay nghề

Đặc biệt, với tay nghề tốt nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn đã nhiều lần tham gia hội thi tay nghề của xã, huyện, tỉnh; có sản phẩm tham gia, được bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khi vực năm 2014, Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sản phẩm cấp quốc gia năm 2015.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-nhan-nguyen-van-hoan-tran-tro-bai-toan-dau-ra-cho-san-pham-lang-nghe-148212.html