Nghệ nhân trẻ Kim Thoa và những mũi thêu trên lá bồ đề

Người trẻ và nỗ lực khẳng định bản thân, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống - đó không đơn thuần là một cuộc chơi hay trào lưu nhất thời. Nhìn cách nghệ nhân trẻ Kim Thoa (31 tuổi) tỉ mỉ, nâng niu, chau chuốt từng đường kim, mũi chỉ trên chiếc lá bồ đề đã được xử lý hết chất diệp lục, chỉ còn lại gân lá trắng mỏng manh, mỗi chúng ta phần nào hiểu được hành trình theo đuổi niềm đam mê, kiên trì, quyết tâm và bung nở sáng tạo.

Một góc niềm vui của Nghệ nhân bàn tay vàng Kim Thoa với nghề thêu tay.

Một góc niềm vui của Nghệ nhân bàn tay vàng Kim Thoa với nghề thêu tay.

“Tôi bắt đầu những mũi thêu đầu tiên trong khoảng thời gian bất ổn nhất”

Trong không gian ngôi nhà nhỏ tại phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) với phòng khách được bày biện đẹp mắt, hướng mặt ra khu vườn nhỏ trước sân, nghệ nhân trẻ Kim Thoa trải lòng về những ngày đầu học cách thêu tay. Chị Thoa cho biết: “Từ nhỏ, tôi rất thích làm các đồ thủ công nhỏ xinh và cũng có chút khéo tay. Lớn lên, theo định hướng của gia đình, tôi theo học ngành kế toán, trải qua một số công việc khác nhau, lòng vòng một quãng, tôi lại có duyên đến với nghề thêu”.

Thời điểm năm 2018, chị trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống. Sự hụt hẫng cùng áp lực kinh tế khiến chị suy nghĩ nhiều, cố gắng tìm kiếm một công việc vừa đúng với sở trường, đam mê vừa có thêm thu nhập. Lang thang trên mạng, chị vô tình nhìn thấy những bức tranh thêu cảnh sắc thiên nhiên tĩnh lặng, gợi cảm giác an yên. Sự hài hòa màu sắc, uyển chuyển của từng đường nét thêu đã thu hút, tạo ấn tượng sâu sắc với chị. Chị tự tìm hiểu, học cách thêu tay, vừa học vừa làm các sản phẩm thêu trên vải.

Những tiêu chuẩn của nghề thủ công truyền thống nói chung, nghề thêu tay nói riêng rất dễ khiến cho “người bạn đường” bỏ cuộc. Bởi lẽ, ngoài việc phải luyện tập sao cho thành thục, điêu luyện những mũi thêu cơ bản, đúng kỹ thuật, người học phải kiên trì, tỉ mỉ thực hành để tích lũy kinh nghiệm, tự hoàn thiện mình. Quan trọng hơn hết, mỗi người thêu phải là một chủ thể sáng tạo, từ kiến thức chung kết hợp với sự khéo léo, tính cách, khiếu thẩm mỹ, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng để thổi hồn vào từng mũi thêu, định hình phong cách, cá tính, nét độc đáo riêng cho sản phẩm. Chị Thoa chia sẻ: “Thời điểm mới học thêu, mình cũng không tránh khỏi lúng túng, nhiều khi thêu sai kỹ thuật, phải tháo ra sửa lại nhiều lần. Trí tưởng tượng của mình luôn tốt hơn và cao hơn khả năng của mình”. Thời gian đầu, để làm được sản phẩm túi xách có họa tiết thêu tay, chị Thoa phải mất hơn 1 tuần để thêu, thêm 2 ngày nữa để hoàn thiện và bán với giá 400 nghìn đồng. “Nếu chỉ tính theo ngày công lao động đã thấy không hiệu quả kinh tế rồi nhưng lúc bấy giờ mình vui lắm” - chị Thoa bộc bạch.

Thời điểm ấy, nhiều sản phẩm thêu tay của chị Thoa được bạn bè, khách hàng hỏi mua nhưng chị vẫn có những băn khoăn. Do mới bắt đầu học, thực hành nghề nên chị chưa thực sự ưng ý, tâm đắc với các sản phẩm mình làm và bán ra thị trường. Chị nghĩ: “Nếu cứ tiếp tục như thế thì sợ rằng bản thân sẽ dễ dãi với nghề và những sản phẩm mình làm ra sẽ không để lại được ấn tượng, tạo được nét riêng với khách hàng”. Bởi vậy, khoảng cuối năm 2018, chị Thoa quyết định đăng ký theo học lớp dạy thêu tay của nghệ nhân Thu Cúc nổi tiếng, đã được vinh danh Nghệ nhân bàn tay vàng. “Mình quyết định học nghề thêu tay trong những khoảng thời gian bất ổn nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Và cũng chính niềm vui, đam mê, bận rộn với nghề đã giúp mình mạnh mẽ, tự tin, đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai”.

Những nét thêu trên lá bồ đề và hành trình đến với danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng

Muốn nghiêm túc theo đuổi nghề thêu tay, nâng cao giá trị sản phẩm, chúng ta phải thực sự tỉ mỉ, chau chuốt, đầu tư công sức, thời gian, không ngại đổi mới, thử thách. Giá trị của nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa giữa thông điệp, ý nghĩa mình muốn lan tỏa và “chất riêng” trong phong cách, cá tính sáng tạo thể hiện qua từng tác phẩm.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi nhận biết được xu hướng, trào lưu và hiểu thông điệp, ý nghĩa của các sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề, chị Thoa đã hào hứng học hỏi, thử sức mình. Chị Thoa cho biết: “Thêu tay trên các chất liệu vải đã khó, thêu tay trên lá bồ đề càng khó, đòi hỏi kỹ thuật, đầu tư thời gian, tâm huyết hơn rất nhiều. Bởi lẽ, lá đã được xử lý hết diệp lục, chỉ còn lại phần gân nên mỏng mảnh lắm, nhiều khi dùng lực đâm kim hơi mạnh đã hỏng luôn rồi”.

Sau nhiều thất bại, với bản tính kiên trì, ham học hỏi, sáng tạo, chị Thoa đã đúc rút kinh nghiệm, bí quyết riêng để thành công làm nên những sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề độc đáo, ấn tượng. Các sản phẩm thêu tay của chị Thoa nói chung thiên về tính truyền thống với kỹ thuật chủ yếu là các mũi đâm sâu nên đường nét thêu mềm mịn, có sự uyển chuyển, tinh tế, hài hòa cùng chất liệu. Nhìn các họa tiết như vốn nó đã có ở đó chứ không phải bất kỳ ai dụng công sắp đặt, bày biện.

Hiện nay, ngoài các sản phẩm thêu tay truyền thống trên các chất liệu vải khác nhau, chị Thoa tập trung vào sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề, phát triển thành thương hiệu. Giá thành các sản phẩm thêu tay trên lá bồ đề của chị Thoa dao động từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy kích thước, mang lại nguồn thu nhập khá ấn tượng.

Ngoài việc nhận các học viên đào tạo trực tiếp tại cơ sở, chị Thoa thường xuyên tổ chức các buổi workshop hướng dẫn các mũi thêu cơ bản, cách làm một số sản phẩm với họa tiết thêu tay đơn giản, cách phối màu chỉ thêu... Chị cũng thường xuyên đăng tải các video dạy thêu tay, lan tỏa cảm hứng, yêu thích học thêu tay truyền thống trên các trang mạng xã hội...

Từ những nỗ lực, cố gắng ấy, tháng 9/2023, chị Thoa được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chứng nhận Nghệ nhân bàn tay vàng, ngành nghề thêu tay truyền thống. Chị Thoa chia sẻ: “Sự ghi nhận này là nguồn động viên, cổ vũ để mình tiếp tục kiên định, quyết tâm gắn bó và phát triển nghề. Cơ hội đến với mình nhiều hơn, không chỉ là đơn hàng hay thu nhập mà ở việc mở rộng kết nối, giao lưu, học hỏi với những con người cùng đam mê trên cả nước”.

Trong câu chuyện của mình, chị Thoa có nhắc đến mong mỏi nghề thêu ở Thanh Hóa sẽ được quan tâm, phát triển hơn, sẽ có cả làng nghề trong tương lai nữa. Nói rồi chị cười bảo: “Nghe có vẻ tham vọng và khó khăn quá nhỉ. Nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Ai đó chẳng bảo, bạn hãy cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn đấy thôi”.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nghe-nhan-tre-kim-thoa-va-nhung-mui-theu-tren-la-bo-de/29702.htm