Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao: Thổi hồn cho từng thớ gỗ

Nhiều năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Thao (SN 1980), một trong những nghệ nhân trẻ nghề mộc của xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín đã chạm khắc nên biết bao tác phẩm gỗ có giá trị, để lại dấu ấn và luôn son sắt một lòng với nghề 'bụi bặm' này.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao đang truyền dạy nghề cho người lao động.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao đang truyền dạy nghề cho người lao động.

Niềm đam mê

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thao sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng nghề xã Tự Nhiên. Ngay từ nhỏ, tiếng chàng, tiếng đục đã in sâu vào tiềm thức của chàng trai trẻ. Thao sớm theo học làm mộc với mong muốn phát triển nghề. Vốn chăm chỉ, cần mẫn, năm 14 tuổi chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thao đã được truyền lại bộ môn điêu khắc và trở thành một phó mộc.

Theo nghệ nhân Thao, nhiều năm trở về trước, việc phục dựng các di tích, nhà cổ, đồ thờ chưa được phổ biến rộng rãi như ngày nay. Vì thế, cũng như những nghệ nhân trong làng, anh chuyên tâm làm nghề mộc dân dụng. Những sản phẩm đầu tay của anh là hoành phi, câu đối, đồ thờ các loại, bàn, ghế, kệ, tủ, giường…

Mặc dù đam mê nghề “bụi bặm” nhưng không biết bao lần nghệ nhân Thao rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản vì nghiệp cơ đồ khởi đầu lập nghiệp. Từ nghề mộc thủ công manh mún, Thao cùng nhiều anh em khác trong vùng đã tìm hướng đi mới cho bà con bằng nhiều cách.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Từ nghề mộc dân dụng truyền thống, người nghệ nhân đã thay đổi tư duy, sáng tạo và nâng cấp từng sản phẩm. Trước mỗi sản phẩm, Thao đều tìm hiểu về phong cách, thiết kế và ghi chép cẩn thận làm tư liệu riêng cho mình. Ngoài ra, anh còn cẩn thận tìm những người thợ mộc chịu khó, giỏi nghề, dày kinh nghiệm về xưởng làm.

Sau 30 năm làm nghề và làm ông chủ với không biết bao nhiêu biến cố thủa ban đầu lập nghiệp từ việc do thiếu kinh nghiệm mua gỗ cũng như thiếu kinh nghiệm kinh doanh, quản lý dẫn đến bê trễ công việc. Số lượng khách hàng thì nợ nần tăng, trở thành nợ xấu khó đòi…

Anh Thao tâm sự, để có được thành quả như ngày hôm nay thật không đơn giản, phải tâm huyết và nghị lực mới vượt qua được khó khăn, vươn lên làm giàu. Khi đang học tiểu học, anh đã tham gia lớp học nghề “mộc chạm khắc”, buổi học chữ buổi học nghề. Sau khi học hết THCS, anh xin bố mẹ cho nghỉ học để theo đuổi đam mê.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao ở trong một góc xưởng sản xuất của mình.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao ở trong một góc xưởng sản xuất của mình.

Năm 1993, anh Thao đã bước đầu tham gia làm những công việc chạm khắc gỗ cho các xưởng mộc trong làng, trong xã, khắp huyện và rồi niềm đam mê say đắm nghề mộc bắt đầu từ đây. Năm 2001 anh xây dựng gia đình và năm 2003 anh quyết tâm về nhà mở xưởng mộc chuyên làm đồ thờ.

Anh Thao đã tham gia tôn tạo nhiều khu di tích trong và ngoài TP như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Đáng nói là anh đã tôn tạo phục dựng bộ kiệu bát cống và hương án khu di tích lịch sử quốc gia đình làng xã Tự Nhiên được khách thập phương khen ngợi, tham gia làm đồ thờ ở Văn từ Thượng phúc…

Truyền lửa để giữ nghề

Sau bao năm vật lộn với nghề, đến năm 2012 anh mới đi vào ổn định và được nhiều khách hàng biết đến. Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, kinh tế gia đình sụt giảm, gần như với hai bàn tay trắng, anh luôn tâm niệm, sẽ có một ngày gây dựng được cơ ngơi cho riêng mình, để gia đình bớt khó khăn.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao đang truyền dạy nghề cho người lao động.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao đang truyền dạy nghề cho người lao động.

Dần dần khi đã có kinh nghiệm, kỹ thuật, tay nghề cao, anh mạnh dạn tiếp tục vay vốn gây dựng xưởng sản xuất. Từ những khó khăn bước đầu về vốn, nguyên vật liệu, thế nhưng được sự ủng hộ động viên của gia đình, người thân, từng bước xưởng sản xuất của anh ngày một phát triển.

Đến nay, sau 30 năm lăn lộn với nghề, anh phần nào hoàn thành được mong ước của mình với xưởng sản xuất rộng gần 500m2 tại nhà chuyên sản xuất các mặt hàng chủ yếu như: Bàn thờ, lư hương, hoành phi, câu đối, sơn son thiếc vàng, đồ gia dụng gỗ... Hiện nay, xưởng mộc của anh có 18 lao động thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Anh đã mở được trên 10 lớp đào tạo nghề cho các bạn trẻ với hàng chục người ra nghề là thợ giỏi. Anh còn là người đi đầu trong dùng máy công nghệ cao ở địa phương. Khi hỏi yếu tố nào để thành công như ngày hôm nay, anh Thao chia sẻ: Làm nghề mộc cũng như nghề khác phải có chữ Tâm, chữ Đức thì mới tạo ra được chỗ đứng trên thị trường.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Để tạo được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải yêu nghề, kiên trì, giữ niềm tin vào nghề. Muốn sản phẩm của mình được người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài chất lượng sản phẩm thì mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu là yếu tố quan trọng. Đồng thời, phải đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề vững chắc, như vậy mới sống được với nghề.

Với bàn tay khéo léo, lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm của anh Thao làm ra ngày càng có tiếng và được nhiều khách trong và ngoài huyện tìm đến đặt hàng. Mỗi năm xưởng sản xuất của anh cho doanh thu hàng tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2017 anh vinh dự được đi dự đoàn doanh nghiệp tự hào thương hiệu Việt Nam.

Năm 2018 anh được Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á tặng Bằng chứng nhận nghệ nhân thủ công truyền thống Việt Nam và đạt danh hiệu gương mặt Doanh nhân suất sắc năm 2018. Những năm sau đó, anh được Chủ tịch UBND TP tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội và Chủ tịch Hội Nghệ nhân thợ giỏi TP tặng Bằng khen. Hiện, anh đang chờ cấp Bằng công nhận nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thao trao đổi trực tiếp với người lao động trước khi hoàn thiện sản phẩm.

Với sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó, anh Thao không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn học hỏi nghề mộc. Từ châm ngôn sống ấy đã giúp anh trở thành nghệ nhân tài hoa.

Vượt khó vươn lên bằng nghị lực và sự quyết tâm của một cá nhân dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho thanh niên địa phương, anh Thao là tấm gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua yêu nước huyện Thường Tín và là tấm gương sáng “tiếp lửa” cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp.

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-nhan-tre-nguyen-van-thao-thoi-hon-cho-tung-tho-go.html