Nghề nửa đêm phải bật dậy, mùng 1 Tết vẫn nghe 'ò e'
Tổ chức đám tang là một trong những nghề có tính đặc thù cao. Người làm nghề cần 'vững tâm, lạnh mặt', luôn giữ sự bình tĩnh để lo chu toàn cho lễ đưa tiễn người rời cõi tạm.
Chuyến xe tang chở đầy quan tài
"Tôi vẫn nhớ như in lần lái xe tang chở đầy những cỗ quan tài sau lưng. Nhiều người thấy lạnh gáy, nhưng tôi thấy bình thường. Mỗi chuyến xe, tôi chỉ mong có thể lo chu toàn tang lễ, hỗ trợ nhân nhân người ra đi", dẫu không còn xa lạ với công việc thương tâm, đến giờ Chiến vẫn chưa thôi ngậm ngùi khi nhắc lại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở TPHCM.
6h, Nguyễn Việt Chiến (27 tuổi, nhân viên tổ chức tang lễ) nhận cuộc gọi báo tin đầu ngày và phải lập tức bắt tay chuẩn bị cho kịp lễ tang sắp diễn ra. Anh vội tắm gội, khoác lên bộ âu phục màu đen rồi sang nhà tang lễ với sự chỉn chu, trang trọng nhất.
Theo anh Chiến, nghề này luôn phải thật đúng giờ, từng việc chính xác.
Là một nhân viên tổ chức tang lễ có nhiều năm kinh nghiệm, anh Chiến bộc bạch, tiếp xúc với thi hài hay chứng kiến cái chết với anh không còn là chuyện "lạnh gáy" nữa, thay vào đó là sự thiêng liêng.
Trước đây, Chiến tốt nghiệp Trường Đại học xây dựng Hà Nội năm 2018, làm việc tại một công ty công nghệ nổi tiếng với mức lương hậu hĩnh.
"Bỗng một ngày, tôi nghe bạn bè mời vào TPHCM để cùng làm việc tại công ty tang lễ. Thoạt đầu bản thân tôi cũng e ngại lắm vì khi đó còn rất trẻ. Nhưng sau đó, tôi thấy tò mò và rất muốn biết công việc này là gì", Chiến nói.
Từ Hà Nội, Chiến vào TPHCM mặc cho chiếc ghế tiếp quản công ty gia đình vẫn còn trống. Hay tin con trai làm nhân viên tang lễ, bố mẹ Chiến không khỏi bất ngờ, can ngăn. Để trấn an gia đình, chàng trai gần như không dám tâm sự gì về sự nghiệp của mình.
Anh kể rằng, vào những dịp Tết, gia đình quây quần bên nhau và bắt đầu kể về công việc, thành quả của một năm. Riêng anh luôn ngậm ngùi một góc, ai hỏi cũng không dám kể lể.
"Những dịp như vậy người ta thường rất kị nhắc đến cái chết. Không ít người còn quan niệm, người làm việc này không nên đến nhà người khác ngày Tết. Nhưng đây là đặc thù công việc của tôi nên bản thân tôi phải chấp nhận", Chiến chia sẻ.
Nhân viên tổ chức tang lễ Nguyên Khang (23 tuổi) đồng cảm rằng, đây là một nghề khó nói.
"Nhiều người hỏi tôi sao còn trẻ mà đi làm nghề này. Không sợ xui hay sao? Nhưng với tôi, làm nghề này phải có cái duyên, phải yêu thương người khác lắm mới làm được", Khang trải lòng.
Theo Khang, công việc này ngày càng "trẻ hóa" về nhân sự. Đồng nghiệp của anh, có người vừa mới tốt nghiệp đại học đã xin vào công ty. Một trong những nguyên nhân, chính là cách tổ chức ngày càng hiện đại, khác xa với kiểu cách truyền thống.
Thay đổi quan niệm sự sống, cái chết
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc Chiến còn non nớt bước chân vào nghề. Làm việc từ 6h đến khuya mỗi ngày trong suốt 4 tháng, anh không nhớ một ngày mình đã tổ chức bao nhiêu tang lễ cho người mất vì nhiễm dịch.
Kể về lần đầu chạm vào thi hài, Chiến cho hay bản thân không tránh được lo sợ. Nhưng nỗi sợ của chàng trai trẻ là lo không hoàn thành nhiệm vụ, không chu toàn cho đám tang.
Theo Chiến, nghề này không phải đến trường, lớp để học, vì chẳng có ai dạy. Người trong nghề đa phần học hỏi lẫn nhau, rồi tự đọc sách, kiếm tư liệu để nghiên cứu.
Hơn nữa, lúc nào họ cũng phải trực điện thoại 24/7, kể cả lúc đi vệ sinh, vì không có đám tang nào được định sẵn ngày tổ chức. Thậm chí, vào mùng 1 Tết, đã có lần Chiến vừa chúc Tết gia đình ở quê, vừa điều hành một tang lễ. Trong điện thoại không ngừng vang lên tiếng kèn đám, nhạc hiếu "ò e í e".
Đôi lúc, anh những tưởng sẽ bỏ nghề vì tính chất công việc quá khắc nghiệt. Thời gian biểu bị đảo lộn, áp lực từ gia đình khiến Chiến tưởng chừng như phải dừng lại.
Nhưng sau mỗi tang lễ, khi gia đình của người mất nói lời cảm ơn, Chiến lại cảm thấy nhẹ nhõm và như làm được một điều gì rất ý nghĩa cho cuộc đời.
"Người làm nghề này phải luôn giữ tâm tĩnh. Thực tế trong các đám tang, gia đình người mất rất bối rối, cần chúng tôi là chỗ dựa, lo toan công việc để giúp người đã mất ra đi thanh thản", Chiến nói.
Ngoài việc cho đi cái tâm, sự chân thành và cầu thị, Chiến cho hay, nghề này còn khiến anh có cái nhìn nhẹ nhàng, vô vi hơn với cuộc sống.
Khi chứng kiến quá nhiều tang lễ, chiêm nghiệm về sự sống và cái chết của người làm nghề cũng thay đổi. "Cuộc sống này vô thường lắm, sống và chết chỉ cách nhau một hơi thở. Nó khiến một người trẻ như tôi hiểu rằng bản thân cần trân trọng cuộc sống và làm thật nhiều điều có ích hơn", Chiến tâm niệm.
Những người làm nghề dịch vụ tang lễ thường bị hiểu lầm rằng họ phải đối mặt với cái chết hằng ngày, khiến họ cảm thấy đáng sợ. Tuy nhiên, thực tế, họ quan niệm rằng đó không đơn thuần là công việc mà là một sứ mệnh, một cách để tôn trọng và đồng cảm.