Nghe sách có phải là gian lận không?
Cuộc tranh luận giữa những người yêu thích sách nói và sách in ngày càng nóng khi ngành công nghiệp sách nói liên tục lớn mạnh.

Ảnh minh họa: Tờ Washington Post
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của sách nói, ngành công nghiệp này đang nhận được nhiều sự chú ý. Theo Straits Research, sách nói là thị trường trị giá hơn 8,15 tỷ USD năm 2024, dự kiến đạt hơn 53 tỷ USD vào 2032.
Tại sao sách nói bị chỉ trích?
Trong khi sách nói là phân khúc xuất bản phát triển nhanh nhất hiện tại thì cuộc tranh luận cho rằng nghe sách là lười biếng, thấp kém và nói thẳng ra là gian lận cũng ngày càng nóng lên. Cây viết Katherine Powers của tờ Washington Post cho rằng quan điểm trên đến từ lối suy nghĩ về “đạo đức nghề nghiệp”. Theo đó, những người ủng hộ cho rằng đọc sách thể hiện sự nghiêm túc, giống đang làm một công việc thực sự. Còn nghe sách giống một dạng gian lận.
Tuy nhiên, nhà bình luận trên cho rằng sách nói không phải là một hình thức nghệ thuật kém cỏi hơn sách in. Trong khi không thể phủ nhận vai trò của sách nói với những người bị suy giảm thị lực hoặc chứng khó đọc thì sách nói cũng đang giúp ích cho hàng triệu người ngày nào cũng phải đi làm và thường xuyên vật lộn với những công việc nhàm chán. Sách nói đã phần nào bù đắp cho khoảng thời gian phải lao động vất vả và tẻ nhạt. Người nghe có thể thưởng thức những cuốn sách mà nếu không thì họ sẽ không bao giờ có thời gian để đọc.
Ngoài ra, một luận điểm thường được đề cập để bảo vệ cho quan điểm đề cao sách in là người nghe sách không thể tiếp thu sách một cách trọn vẹn như người đọc. Tuy nhiên, đã có kết luận từ các nhà khoa học thần kinh về điều này. Theo một nghiên cứu năm 2019 từ Tạp chí Khoa học thần kinh, con người đều hiểu được các từ cho dù chúng được đọc hay nghe. Trong khi người nghe sách nói đều biết rất rõ rằng trải nghiệm đọc và nghe sách là khác nhau, họ có thể tập trung tâm trí để hiểu và nhớ được những gì họ muốn.
Vai trò của người kể chuyện
Dù vậy, có một điều phải thừa nhận là sách nói có thể bị người kể chuyện làm hỏng đi câu chuyện, đặc biệt là hồi ký. Trong khi các tác giả viết hồi ký để thể hiện nội tâm, thì nhiều người kể đơn giản là không thể truyền tải hết điều đó. Một ví dụ gần đây là cách Geraldine Brooks đọc cuốn hồi ký đau buồn Memorial Days dài năm giờ. Cuốn sách được viết rất hay và rất cảm động, nhưng cách truyền tải của Brooks lại rất mệt mỏi và uể oải, như thể một giọng đọc không có sự đồng cảm mà chỉ cày xới từng từ để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tác phẩm được chuyển sang sách nói thành công và giúp câu chuyện trở nên cuốn hút hơn. Tuyển tập truyện ngắn Show Don’t Tell dài bảy giờ của Curtis Sittenfeld là một ví dụ điển hình.

Show Don’t Tell bản sách nói giúp câu chuyện trở nên cuốn hút hơn. Ảnh: Google Play Books.
Những câu chuyện ngắn những người kể chuyện khác nhau truyền tải. Và chính những người kể chuyện chuyên nghiệp là Michael Crouch, Nicole Lewis, George Newbern, Emily Rankin, Xe Sands và Kristen Sieh đã nâng tầm tác phẩm khi họ rất khéo léo nắm bắt câu chuyện từ góc nhìn của họ. Như vậy, việc kể chuyện trong sách nói, với những người am hiểu rõ về bối cảnh tác phẩm, thực sự là một nghệ thuật, đặc biệt là với tiểu thuyết và thơ ca.
Một ví dụ là người kể chuyện chuyên nghiệp Will Patton đến từ Nam Carolina. Mặc dù rất giỏi kể chuyện về bất kỳ điều gì, Will thực sự xuất sắc khi kể những cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở miền Nam nước Mỹ, chẳng hạn như loạt truyện Dave Robicheaux của James Lee Burke.
Hay nữ diễn viên kiêm người kể chuyện Adjoa Andoh trong phim Bridgerton, có cha là người Ghana. Bà đã kể nhiều câu chuyện có bối cảnh trên khắp thế giới nhưng lại là bậc thầy về giọng điệu châu Phi, bao gồm các tác phẩm của Chimamanda Ngozi Adichie và Abi Daré.
Sự xuất sắc của những người kể chuyện và thành công của nhiều tác phẩm sách nói trên cho thấy điều sách nói có thể đạt được: Chỉ cần nghe một lần và độc giả sẽ bị cuốn hút suốt đời. Và mặc dù khó để tập trung khi nghe sách thì việc mở rộng tâm trí và để không gian và thời gian trong những câu chuyện lướt qua cũng đủ để độc giả trải nghiệm niềm vui và những giá trị thầm lặng trong sách.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nghe-sach-co-phai-la-gian-lan-khong-post1542051.html