Nghệ sĩ có nghèo không?

Nghệ sĩ có nghèo không? Đây là một câu hỏi cũ rích, thực sự cũ rích nhưng đáp án thì lại rất khác nhau.

Trong mắt công chúng, nhìn vào những hào nhoáng của showbiz, những hàng hiệu sang trọng, những tiệc tùng xa hoa, khán giả thường nghĩ rằng nghệ sĩ mặc nhiên không nghèo. Thậm chí, có người nổi tiếng còn nhận được tin nhắn riêng của “người hâm mộ” đại ý trình bày hoàn cảnh khốn khó và... hỏi xin tiền.

Nhưng, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng chứng kiến không ít câu chuyện trên truyền thông nói về những nhân vật đình đám trong làng giải trí một thời bỗng dưng lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí còn sống khổ hơn cả người lao động bình dân. Nhiều đợt quyên góp tiền ủng hộ đã được vận động cũng đủ để chứng minh cho điều đó. Vậy thì để trả lời câu hỏi kể trên, ta cần cách tiếp cận khác.

Trước tiên, phải rạch ròi đâu là nghệ sĩ và đâu là nhân vật giải trí. Nghệ sĩ gắn liền với thực hành nghệ thuật nhiều hơn và nhân vật giải trí gắn liền với công nghiệp giải trí, với văn hóa đại chúng hơn. Cái gì thuộc đại chúng thường có tính ngắn hạn và có khả năng mang lại doanh thu thương mại cao. Còn những gì thuộc về chiều sâu nghệ thuật lại có tác động cảm thụ tới một số lượng khán giả ít hơn nhiều và đòi hỏi thời gian thẩm thấu cũng lâu hơn.

Hoạt động nghệ thuật bởi thế cũng đòi hỏi công phu hơn, đầu tư nhiều hơn. Và, người làm nghệ thuật thường bay bổng, xem nhẹ giá trị vật chất nên họ cũng không mơ tưởng nhiều tới doanh thu. Nếu có chút mơ tưởng nào, họ cũng ý nhị hơn, tinh tế hơn và tác phẩm của họ cũng vì thế đứng trước nhiều rào cản khi bước ra thị trường hơn. Bởi thế, người nghệ sĩ thường có doanh thu ít ỏi, nhiều khi chưa bằng một phần trăm của những người làm giải trí.

Nhưng, dứt khoát, nghệ sĩ không thể nghèo. Đây gần như là một khẳng định chắc nịch nếu chúng ta nhìn vào những nhân tố trẻ đang tràn trề sinh lực và khát vọng trở thành nghệ sĩ. Đơn giản, để đầu tư cho một tác phẩm, họ phải cần rất nhiều tiền. Con nhà nghèo ngày càng xa hơn với cơ hội phát triển nghệ thuật một cách đầy đủ nhất về chuyên môn.

Một ví dụ điển hình nhất chính là tình trạng của những sinh viên năm cuối Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Để có thể tốt nghiệp, các em phải có tác phẩm báo cáo, giống như công trình nghiên cứu, luận văn của các sinh viên khoa học khác. Ngặt một nỗi, tác phẩm báo cáo không thể thành hình nếu không có tiền. Sáng tác xong trên giấy, demo bằng máy tính, các em cần thuê nhạc công dàn nhạc trình diễn. Mấy chục nhạc công cho một buổi diễn báo cáo và nhiều buổi tập có thể ngốn của các em cả trăm triệu đồng. Chưa hết, muốn diễn báo cáo ở khán phòng của Nhạc viện, các em phải trả tiền thuê. Nói thẳng, không kiếm đủ 200 triệu, một tác phẩm báo cáo tốt nghiệp không thể thành hình.

Đây cũng là tình hình tương tự với sinh viên khoa đạo diễn ở Trường Sân khấu - Điện ảnh. Dựng một vở kịch, làm một bộ phim tốt nghiệp, các em cần phải có tiền. Bởi vậy, đã không ít trường hợp giàu tiềm năng nhưng đành bỏ học từ sớm để đi làm nghề nuôi thân với giấc mơ học cho lành nghề càng ngày càng xa dần.

Làm nghệ sĩ dứt khoát không thể nghèo, vì nghèo thì không thể ra nghề mà thành nghệ sĩ được. Điều đó đang trở thành nghịch lý của thời đại hôm nay. Ngày xưa, hỗ trợ của Nhà nước cho sinh viên các ngành đặc thù này là rất lớn. Vậy mà hôm nay, các hỗ trợ ấy đã không còn nữa dù ngân sách Trung ương và địa phương cho phát triển văn hóa nghệ thuật đang được đầu tư nhiều hơn.

Chẳng lẽ, giấc mơ nghệ thuật không còn dành cho những người không có điều kiện kinh tế nữa hay sao?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghe-si-co-ngheo-khong--i729253/