Nghệ sĩ Đức Hải và 3 món ăn 'thần thánh' lúc nhỏ
Với những ai đã trải qua thời khó khăn, để được ăn một bữa ngon sẽ trở thành kỷ niệm theo họ đến khi già đi. Và nếu lại được ăn khi ốm nữa thì nó không đơn thuần là ngon nữa mà còn khiến người ta khỏe lại nhanh chóng. Đó là câu chuyện mà nghệ sĩ Đức Hải đã trải qua, nhờ món ăn 'thần thánh' là bánh cuốn rắc mỡ hành.
Cả tuần mới có bữa cơm đầy đủ cùng nhau
Có thể nói nghệ sĩ hài Đức Hải là người có khả năng "phân thân" giỏi nhất showbiz, bởi chỉ cần ngồi kể các công việc, chức danh do anh đảm nhiệm cũng đã đủ chục ngón tay. Anh có công ty riêng, làm chủ nhà hàng ẩm thực, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Nghệ thuật tại Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, đi diễn hài, đóng phim, làm đạo diễn, làm MC, viết kịch bản sân khấu, làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế... Với chừng ấy công việc, nhiều người sẽ hồ nghi rằng Đức Hải khó mà làm tròn bổn phận người chồng, người cha trong gia đình. Thế nhưng, chỉ cần hỏi bất cứ điều gì để chăm sóc con cái trong nhà, Đức Hải đều có thể nói vanh vách.
Vốn là người tháo vát, thích nấu ăn nên từ khi là bố của 4 đứa con (trong đó có một lần sinh 3), nghệ sĩ Đức Hải càng có cơ hội để phát huy vai trò “nam công gia chánh” trong nhà. Anh kể, lúc các con còn nhỏ, nhà anh phải thuê tới 4 người giúp việc. Vậy mà anh vẫn luôn trong cảnh “bở hơi tai” mỗi khi về nhà. Bây giờ con cái lớn rồi, anh chỉ bận nhất chuyện đưa đón các con đi học. Chỉ hôm nào đi công tác, anh mới cần đến Grab đưa đón các con. Còn lại, dù bận mấy thì đến giờ con tan học là anh “khóa việc”.
Chia sẻ về việc duy trì bữa ăn trong gia đình, nghệ sĩ Đức Hải cho biết: “Lúc nhỏ thì chỉ mong có ngày không phải nấu nướng, giờ con cái lớn rồi thì lại mong có ngày được đông đủ để vào bếp nấu những món mà các con thích. Bởi sau giờ học chính ở trường, các con anh chỉ được nghỉ 30 phút rồi lại mỗi đứa mỗi hướng ở các lớp học thêm. Đứa nào về trước ăn trước nên không mấy khi mà được cùng nhau. Cả tuần may ra có thứ Bảy là đông đủ, còn Chủ nhật các con lại học các môn năng khiếu như piano, học võ, vẽ, bóng đá, bóng rổ…”.
Vào ngày thứ Bảy, nhà anh có hai lựa chọn, đi ăn hàng hoặc nấu một bữa thịnh soạn. Nhưng “nghịch lý” ở chỗ, dù đang là ông chủ nhà hàng lớn ở TPHCM, kinh doanh khá “mát tay” nhưng để lấy lòng được “thượng đế” ở nhà xem ra không đơn giản. \
Anh kể: “Có hôm tôi hì hục cả buổi sáng đi chợ, vào bếp làm món ếch tẩm bột chiên nhưng xong thì bị đàn con chê là không ngon. Vậy là buổi chiều tôi "phục thù" bằng món ốc om chuối đậu. Món này kỳ công, mất nhiều thời gian của ông bố đảm. Nấu xong, tôi hỏi các con bằng giọng điệu vô cùng tự tin: “Xin các quý khách cho biết cảm nhận để lần sau nhà hàng phục vụ tốt hơn!”. Chúng phán gọn lỏn: “Biết ba nấu nướng thế này thì bọn con thà húp nước mắm còn hơn”.
Ở trong Nam, khẩu vị thường thích ngọt hơn ngoài Bắc nên có những món mình nấu chưa đủ độ ngọt là chúng cho không ngon. Trong khi cũng món đó, bà ngoại nấu cho nhiều ngọt thì chúng khen, bảo: “Ba nấu không ngon bằng bà ngoại”. Cũng tủi thân ghê gớm”.
Nếu như thời kỳ nuôi con nhỏ, tốn kém đủ thứ nên có lần nhìn thấy bát phở giá 37.000 đồng là Đức Hải đã "lượn thẳng". Đi du lịch với anh là một điều xa xỉ, vì vừa không có thời gian, vừa phải tiết kiệm để dành cho các con.
Tuy nhiên, quan niệm của anh giờ lại khác. Theo nghệ sĩ Đức Hải, cuộc sống hiện đại nên việc ăn uống cần phải “giải phóng” sức lao động trong bếp. Không nên nấu quá cầu kỳ vì mất nhiều thời gian, công sức mà xong chả ăn được bao nhiêu. Bây giờ, ăn không quan trọng bằng việc được gần nhau, trò chuyện nên thỉnh thoảng, gia đình anh lại kéo nhau ra tiệm. Các con được chọn món mình thích, ba mẹ không phải lọ mọ vào bếp. Thời gian đó dành để tâm sự, tình cảm gia đình cũng nhờ thế mà gắn bó hơn. Nếu có vào bếp thì cũng nên huy động các con mỗi đứa giúp một tay, vừa vui vừa ý nghĩa.
Ba món ăn “thần thánh”
Nói chuyện ăn uống thời nay, nghệ sĩ Đức Hải lại ngậm ngùi nhớ chuyện xưa. Một thời gian khó, thiếu thốn nhưng đầy ắp những kỷ niệm. Anh kể: “Nhà tôi có 4 anh chị em nên để quan tâm được cả 4 là không thể. Nhất là hồi đó, kinh tế khó khăn, bố mẹ còn mải lo làm việc để nuôi mấy “cái tàu há mồm” nữa.
Nhà tôi may mắn không đến nỗi thiếu thốn lắm nhưng để được ăn ngon thì chỉ có ngày Tết hay có sự kiện gì đó. Ngoài ra, mẹ tôi đặt ra một quy định rất hay là nếu ai học giỏi thì sẽ được thưởng một bữa “tươi” nên học hành cũng có động lực lắm. Vừa được ăn ngon, vừa có cảm giác tự hào vô cùng.
Nhưng có bận, chả phải được điểm cao gì mà tôi vẫn được ăn món mình thích. Ấy là khi bị ốm. Tôi nhớ năm đó đang học lớp 3 hay lớp 4 thì phải. Đang nằm bẹp như một con gián, nói không ra hơi nhưng chỉ một câu nói của mẹ mà thay đổi cục diện hoàn toàn. “Con thích ăn gì để mẹ mua”, mẹ hỏi. Như chỉ chờ có thế, tôi bảo: “Bánh cuốn”.
Nếu mua về nhà thì chả nhẽ mình ăn mà các anh chị ngồi nhìn thì nuốt không trôi. Mà để nuốt được một cách không hổ thẹn với lòng mình, có khi người cần tẩm bổ chỉ được vài miếng đã hết. Vậy là mẹ cho tôi tiền ra ngoài ăn cho “tế nhị”.
Lúc ở nhà, tôi còn phải lần thành giường để đi vì mệt quá. Nhưng ra khỏi nhà, nghĩ đến món bánh cuốn chấm mỡ hành, tôi nhảy chân sáo đến hàng bánh với tốc độ không thể nhanh hơn. Sau này tôi cứ nghĩ, không biết có phải do thèm quá, do thiếu quá mà ốm không? Hay là do món ăn đó kích thích tinh thần nên chữa luôn cho mình hết ốm?
Mà món bánh cuốn ngày đó không phải sang chảnh như bây giờ. Chỉ làm bằng bột gạo, sau đó người ta chấm mỡ hành lá lên thay cho thịt, mộc nhĩ bây giờ. Ấy vậy mà ngon tê tái, nhớ mãi”.
Kỷ niệm thứ hai của nghệ sĩ Đức Hải là năm anh học lớp 5. Khi đó cả nhà đi sơ tán nên sau mỗi giờ học, anh hay ra đồng bắt tôm, cá để cải thiện bữa ăn. Lần đó, anh bắt được con cá rô to bằng cổ tay, kỳ công cuốn lá rồi mang nướng bếp rơm. Ngửi mùi khói thôi cũng thơm nhức nhối.
Nhưng đến giờ cơm mới thực nan giải. Kiểu như “mình có tiền nên mình có quyền”, anh là người kiếm được cá, lại có công chế biến, thực hiện nên cũng là người đưa ra “luật ăn”. Theo quy định của anh, mỗi người chỉ được ăn bằng một chiếc đũa. Con cá bằng cái cổ tay, chưa kể nướng đi rồi còn bị ngót. Nếu ăn như thông thường thì hên xui quá, chậm tay có khi chả được miếng nào. Tuy nhiên, ăn bằng một chiếc đũa nên tình thế lại ngược lại. Bốn anh em ăn cả buổi cũng không hết được.
Kỷ niệm thứ ba là hồi nghệ sĩ Đức Hải học lớp 8. Lần đó, anh đi qua nhà ăn của Bộ Tài chính, thấy trẻ con đang ngồi ăn với rất nhiều món. Vậy là anh trà trộn vào đó như thể mình là con em của cán bộ công nhân viên ở đây. Đối với anh, đó là bữa cơm của con nhà giàu. Anh kể: “Tôi được ăn bát mỳ có nước dùng ninh từ xương, bên trên có mấy miếng thịt, tất nhiên là thái rất mỏng nhưng cảm thấy đời mình như lên tiên vậy. Vì ngày đó làm gì có thịt. Sau này có điều kiện, tôi “phục dựng” lại món ăn sang chảnh này theo khả năng của mình. Ba tiếng loay hoay mới xong món mỳ, nhưng ăn trong đúng 2 phút”.
Nói về món ăn ấn tượng của mẹ nấu cho lúc nhỏ, nghệ sĩ Đức Hải cho biết, anh nhớ nhất món cà tím bung. Thực đơn của món này gồm có cà tím, đậu phụ rán, thịt ba chỉ, rau tía tô. Vào ngày trọng đại thì mẹ mới làm vì nó có thịt.
Sau này mỗi khi về thăm mẹ, anh lại được chiêu đãi món này. Kể cả mẹ không vào bếp được thì cũng chỉ đạo người làm đúng ý và đúng khẩu vị của con trai.
Từ những câu chuyện về món ăn đáng nhớ ấy mà sau này khi làm chồng, làm cha, bản năng bếp núc của anh cứ thế phát huy mà không cần phải học. Anh có sở trường học món ăn khá nhanh. Mỗi khi đi nhà hàng, chỉ cần ăn một lần là anh có thể bắt chước và nấu giống đến 80%.
Để vào bếp được, theo nghệ sĩ Đức Hải cần có 3 yếu tố: Một là bản thân người đó phải thích bếp núc, tiếp đó là sự quan sát tinh tế và cuối cùng là phải có năng khiếu. Còn nếu không có đầy đủ cả 3 yếu tố này, chỉ cần một thôi thì bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể làm được, đó là coi con cái là những thiên thần chứ không đơn thuần chỉ là khúc ruột do mình sinh ra. Bằng tình yêu ấy, bản năng nấu nướng của cha mẹ sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Đức Hải thừa nhận mình chiều con quá, ôm hết việc vào người nên đến giờ, món ăn mà các con anh làm được giỏi nhất là trứng rán hoặc luộc. Anh nói: “Bà xã hay than phiền tôi “Chỉ được cái làm lười con”. Nhưng thôi kệ đi, miễn là mình thấy thoải mái, các con vui. Vậy là đủ rồi”.