Nghệ sĩ gạo cội ngày càng có 'đất' và 'lột xác' trên màn ảnh Việt
Người già là nhóm nhân vật thường bị liệt vào diện 'thiểu số' trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh, ít khi họ được mô tả như những cá nhân độc lập, có tiếng nói riêng.
Có cũng như không
Tham gia bộ phim “Yêu trong đau thương”, NSND Kim Xuân vào vai bà Hai phú hộ hiền đức nhưng sớm qua đời vì cú sốc con trai ngoại tình. NSƯT Hữu Châu góp mặt trong phim “Trói buộc yêu thương” với “nhiệm vụ” làm mềm đi xung đột kịch tính của phim bằng tiếng cười, sự hài hước của nhân vật. Ở “Về nhà đi con”, nghệ sĩ Ngân Giang cũng chỉ thể hiện tròn vai bà mẹ chồng hiện đại, nhân hậu, tâm lý trong cách đối đãi với con dâu.
NSND Lan Hương “em bé Hà Nội” xuất hiện trong phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng chỉ với vai diễn bà Bằng- một người mẹ luôn khuyên con gái phải biết nhẫn nhịn… NSND Lan Hương (Hương “bông”) vào vai bà Mai trong phim “Lửa ấm” là hình ảnh một người mẹ, người bà nội trợ, quanh quẩn trong nhà ngoài chợ như bao người già với những nỗi lo lắng về con cháu…
Đó chỉ là một vài ví dụ để thấy rằng xưa nay, ở cả trong phim điện ảnh và truyền hình, sự xuất hiện của các nhân vật lớn tuổi thường chỉ là vai phụ, là một mắt xích góp phần hoàn chỉnh những gam màu gia đình, mà trọng tâm câu chuyện hướng về tuyến trẻ. Thỉnh thoảng, có vài phim, người già được vào vai thứ chính thì mới được chăm chút khắc họa số phận, tính cách.
Thực tế, nhiều phim truyền hình xưa nay chỉ tập trung câu chuyện về tuyến nhân vật trẻ, còn nhân vật già có xuất hiện hay không cũng không quan trọng. Những tên tuổi gạo cội thừa khả năng hóa thân, nhưng lại rất ít cơ hội có vai diễn “để đời” với những nhân vật người già. Người bà, người mẹ trong các phim đề tài tâm lý xã hội cũng khó vượt trội, ngoài việc chăm sóc, yêu thương, bảo ban con cháu.
Hãy trao cơ hội cho nghệ sĩ già!
Rõ ràng, khi được trao vai diễn bà Phương - bà mẹ chồng đáng sợ trong “Sống chung với mẹ chồng”, NSND Lan Hương “bông” đã hoàn thành nhiệm vụ vô cùng xuất sắc. Hay gần đây, hình ảnh người già ấn tượng, xúc động như ông Sơn trong phim “Về nhà đi con” và ông Phương trong “Trở về giữa yêu thương” cũng đã tạo được sức hút đặc biệt cho màn ảnh nhỏ. Tuy bà Phương, ông Sơn, ông Phương không phải là nhân vật trung tâm, nhưng đã được khai thác sâu tâm lí, sự lắng đọng trong thế giới nội tâm của người già.
Trong buổi họp báo ra mắt phim, ekip làm phim “Trở về giữa yêu thương” khẳng định phim đi sâu khai thác câu chuyện về người cao tuổi trong hành trình sống chung với con cái, chứ không phải đề tài hot về tình yêu. Kịch bản đã đặt ra được câu hỏi rằng làm sao để dung hòa các mối quan hệ giữa hai thế hệ người già - con cái, làm sao người già vẫn giữ được sự độc lập, không trở thành "người thừa" với các con đang là "bài toán" nan giải.
Khác với những bộ phim truyền hình xây dựng hình tượng người cha luôn bao bọc, che chở cho con, ông Phương - nhân vật trung tâm trong “Trở về giữa yêu thương” và ông Sơn trong “Về nhà đi con” được khai thác đa chiều hơn. Họ là những người bố có khiếm khuyết, có sai lầm, có tổn thương, đồng thời cũng đầy yêu thương, bao dung trong cách đối xử với con cái. Đồng hành cùng họ không chỉ có con cái mà còn có bạn bè, hàng xóm, thông gia..., tạo nên một thế giới tâm lý lứa tuổi rất đáng theo dõi.
Vẫn là sự quan tâm, lo lắng cho con cái mà có lúc bị sai cách nhưng rồi trên hết, tình cảm gia đình, sự yêu thương vẫn là sợi dây kết nối để xóa nhòa tất cả sự khác biệt, đưa người ta trở về bên nhau. NSND Trung Anh trở thành "ông bố quốc dân" trên màn ảnh Việt sau các vai diễn trong "Về nhà đi con" và "Trở về giữa yêu thương" (đạo diễn trao lại vai diễn ông Phương cho NSND Trung Anh, sau khi NSND Hoàng Dũng đột ngột qua đời).
NSND Như Quỳnh được biết đến là nữ diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt. Bà thường vào vai điềm đạm, hiền lành, đậm chất phụ nữ phương Đông. Tuy nhiên, đảm nhận vai bà Dần trong phim “Hương vị tình thân” vừa lên sóng mới đây, nữ nghệ sĩ đã “lột xác” trở thành bà mẹ chồng mất trí nhớ, chửi mắng, điên loạn nửa đêm lao vào phòng con trai gào thét, túm tóc, tát con dâu... Đây thực sự là một “màu” rất khác so với những vai diễn trước đây của nữ nghệ sĩ.
Không thể phủ nhận những vai diễn của các nghệ sĩ NSND Trung Anh, cố NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương… đã phần nào lấp "khoảng trống" chủ đề người già trong phim truyền hình và điện ảnh Việt Nam.
Từ đây mở ra cách nhìn nhận mới cho các đạo diễn, khi thực tế thế giới người già có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nỗi cô đơn của họ, sự cách biệt tuổi tác giữa các thế hệ trong gia đình, tình yêu dành cho con cháu; bên cạnh đó cũng có thể khai thác những người già lạc quan, yêu đời… Và hãy mạnh dạn trao niềm tin, cơ hội cho lớp nghệ sĩ già vẫn luôn mong mỏi được cống hiến hết mình cho nền điện ảnh nước nhà.