Nghệ sĩ K-POP mắc Covid-19 và mặt trái của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc

Những nghệ sĩ của Kbiz được xác định dương tính với Covid-19 gần đây đã làm gia tăng nỗi lo về dịch bệnh trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Tuy vậy nhiều công ty quản lý vẫn bất chấp sức khỏe của họ và người hâm mộ vì lợi nhuận quá lớn.

Cả ngành công nghiệp giải trí lao lao vì những ca Covid-19 mới

Ngày 30/11, TOP Media xác nhận Bitto - thành viên nhóm Up10tion - mắc Covid-19. Một thành viên khác của nhóm là Kogyeol cũng dương tính với loại virus này ngay sau đó do lây trực tiếp từ đồng đội.

Bitto - thành viên nhóm Up10tion.

Tối 1/12, công ty Yuehua Entertainment thông báo hai thành viên nhóm Everglow là Wang Yiren (Vương Di Nhân) và Kim Shi Hyun mắc Covid-19. Trước đó vào ngày 22/11, Yiren đã gặp một người quen nên khi biết người này nhiễm SARS-CoV-2 cô liền đi xét nghiệm và nhận kết quả tương tự.

Wang Yiren (Vương Di Nhân) và Kim Shi Hyun

Công ty quản lý của Lee Chan Won là New Era Project ngày 3/12 cũng ra thông cáo cho biết nam ca sĩ này mắc Covid-19. “Anh ấy tạm dừng mọi hoạt động và sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình theo hướng dẫn của cơ quan kiểm soát dịch bệnh cho đến khi mọi chuyện ổn”, thông cáo có đoạn viết.

Lee Chan Won

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn 4 thành viên của các nhóm nhạc K-POP và một ca sĩ solo đã nhiễm Covid-19 trong thời điểm Hàn Quốc vẫn đang căng mình chống lại sự lây lan của đại dịch. May mắn là các thành viên còn lại của hai nhóm nhạc đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.

Ngành giải trí xứ sở kim chi vốn được coi là một trong các mũi nhọn kinh tế khi tạo ra lợi nhuận khủng hằng năm cho các công ty quản lý nghệ sĩ. Việc nhiều nghệ sĩ Hàn mắc Covid-19 là minh chứng cho việc idol bị công ty xem thường sức khỏe. Bởi trước khi bị phát hiện dương tính các nghệ sĩ trên đã tham gia nhiều hoạt động ghi hình, biểu diễn cũng như quảng bá do công ty chủ quản sắp xếp và tổ chức.

Bitto cùng các anh em nhóm Up10tion tại show SBS Inkigayo.

Ngày 29/11, Bitto cùng các anh em nhóm Up10tion tại show SBS Inkigayo. Đáng nói hơn, trong lúc chờ đợi kết quả từ xét nghiệm Covid-19, nhóm nhạc Everglow đã ghi hình cho một chương trình truyền hình ngày 24/11. Còn Lee Chan Won tham chương trình "PPONG School" của TV Chosun vào ngày 1/12.

Những thông tin trên đã khiến cho ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc lao đao và hàng loạt chương trình, sự kiện, thậm chí là lịch quay phim bị ảnh hưởng. Như chương trình The Show của SBS thông báo không phát sóng vào ngày 1/12. Nguyên nhân ê-kíp đưa ra là nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc trong danh sách biểu diễn đã xuất hiện trong cùng chương trình âm nhạc với UP10TION.

Đây là cách mà ngành này đưa ra để ứng phó với cơn khủng hoảng của đại dịch. Rất nhiều ngôi sao, diễn viên, nhà sản xuất và cả nhân viên cùng những người liên quan đã phải tự cách ly tại nhà. Điều này có thể khiến những kế hoạch của các nghệ sĩ bị đình trệ gây ảnh hưởng rất lớn lên nền kinh tế.

Mặt trái của một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận

Những sự việc như vậy càng làm lộ rõ mặt trái của ngành công nghiệp giải trí tại Hàn Quốc. Các công ty quản lý nghệ sĩ dù biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng vẫn xem mọi chuyện như bình thường chỉ vì lợi nhuận.

Nếu như thời gian trước, dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ khiến nhiều người phải ở nhà, các công ty quản lý thích ứng với tình hình mới bằng cách tổ chức những show diễn trực tuyến nhằm duy trì sức hút của các ngôi sao giải trí. Cho đến gần đây, Covid-19 phần nào đã được kiểm soát tại Hàn Quốc nhưng số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng, nhiều ngành trong giới giải trí lại có những hành động coi thường sức khỏe của nghệ sĩ và khán giả khiến K-POP phải đối mặt với nỗi lo lây nhiễm trong ngành.

EVERGLOW

Nguyên nhân là do cách thức mà nền công nghiệp giải trí vận hành. Các ngôi sao thần tượng gia nhập một công ty từ khi còn trẻ và phải nỗ lực tập luyện để được ra mắt. Nếu họ thành công thì sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng cho công ty, và phải vắt kiệt sức cho các kế hoạch tung sản phẩm mới, quảng bá thương hiệu và biểu diễn trước người hâm mộ.

Nhiều nghệ sĩ đã phải bào mòn sức lực của mình dẫn đến những trường hợp đáng tiếc như chấn thương, xuống sức hay thiệt mạng. Trong lịch sử Kpop, không khó để thấy các trường hợp như vậy.

Năm 2019, thành viên Wendy của Red Velvet bị thương nặng trong buổi diễn thử. Đến nay, cô vẫn chưa thể trở lại biểu diễn. Năm 2014, hai thành viên EunB và Rise của nhóm Ladies’ Code qua đời trong vụ tai nạn xe hơi. Vụ việc được xác định do điều kiện lái xe không an toàn. Cuối cùng, quản lý của nhóm phải ngồi tù.

Theo luật pháp Hàn Quốc, các ngôi sao chưa đủ tuổi hay không đảm bảo điều kiện sức khỏe không được phép làm việc, quay phim sau 22h, nhưng các ca sĩ vẫn không thể ngừng luyện tập nếu như vẫn muốn duy trì phong độ và đáp ứng yêu cầu của công ty.

Càng về cuối năm lịch trình biểu diễn của giới nghệ sĩ sẽ càng dày đặc hơn đồng nghĩa với việc đây là thời điểm các nghệ sĩ bị vắt cạn sức lực nhiều nhất. Những chương trình liên tục trong mùa lễ dẫn đến nhiều người phải nhập viện là điều khá bình thường ở thị trường đầy khắc nghiệt này.

Điều cần thiết nhất hiện tại là các công ty quản lý cũng như những ngôi sao thần tượng thực hiện tốt việc hạn chế dịch bùng phát, ngay cả việc ngôi sao mang khẩu trang khi xuất hiện công khai - điều chưa từng có trong lịch sử Kpop. Nếu không việc bất chấp tất cả sẽ khiến cho nguy cơ ngành công nghiệp Kpop phải lụi tàn là rất rõ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-si-k-pop-mac-covid-19-va-mat-trai-cua-nganh-cong-nghiep-giai-tri-han-quoc-post108143.html