Nghệ sĩ 'Mai Vàng' hội ngộ trong live show mini của danh hài Bảo Quốc
Từ một cậu bé mê đá bóng hơn mê sân khấu, rồi một lần được đóng thế vai, NSƯT Bảo Quốc đã đến với thế giới màn nhung và chọn sở trường hài để phấn đấu.
Tối 3-7, chương trình Kỷ niệm 60 năm gắn bó với nghệ thuật của danh hài - NSƯT Bảo Quốc diễn ra tối 3-7 tại Nhà hát Trần Hữu Trang. NSƯT Bảo Quốc mở đầu chương trình với lời tâm sự: "Nghệ sĩ chúng tôi yêu thương nhau, nay lại càng yêu thương nhau nhiều hơn nữa. Đêm diễn này nhằm tri ân Tổ nghiệp, ba má tôi, anh hai và chị ba của tôi….và bao thế hệ khán giả đã yêu mến đại gia đình Thanh Minh, Thanh Nga". Đông đảo khán giả đã đến xem và ngồi chật cả lối đi trong khán phòng.
Họ vỗ tay cổ vũ cho từng nghệ sĩ khi bước ra sân khấu, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài danh đã từng được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn giải Mai Vàng như: Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Vũ Luân, Tú Sương… Họ dành trọn vẹn tình thương cho thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương, dù đến thời điểm này, nói như lời giao lưu với khán giả của danh hài Bảo Quốc: "đêm nay trên sân khấu, U50 thì ít, U80 thì nhiều". Và họ đã khóc - cười theo từng số phận nhân vật qua các trích đoạn dù nội dung câu chuyện của các kịch bản, họ thuộc làu và có người còn thuộc luôn cả lời ca của: ông Sáu ("Nửa đời hương phấn"), chú Tư Kiên ("Con gái chị Hằng"), ông hàng xóm ("Không bán tình em")….mà danh hài Bảo Quốc thể hiện.
Phần mở màn chương trình thật ấn tượng, khái quát phần nào sự nghiệp của một cậu bé mê đá bóng hơn mê sân khấu, bỗng nhiên một lần được thế vai trong vở "Người vợ không bao giờ cưới" theo lời "kích tướng" của thân phận - ông Lư Hòa Nghĩa, Bảo Quốc đã bước lên sân khấu. Sau đó, đinh mệnh đã đưa ông đến với thế giới màn nhung, gắn bó với nghề và chọn sở trường hài để phấn đấu. Năm 1967, ông đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm trong vở "Hiệp sĩ mù", từ đó sự nghiệp thăng hoa, trở thành "Đệ nhất danh hài" được công chúng, đồng nghiệp yêu quý.
Tài năng là một lẽ, quan trọng đối với đời ông là người con hiếu thảo, sống mực thước, tử tế với nghề và chan hòa với mọi người. Nhân cách đó ông đúc kết chứ không từ gen di truyền mà có, bởi đâu phải ai sinh ra từ một gia tộc lớn của nghệ thuật thì cũng đều biết có sẳn sự tử tế đó. Và ông cũng chưa bao giờ cố tạo cái nhìn đẹp đẽ, mà sẳn ở trong ông tính cách ôn hòa, tinh thần lạc quan, truyền năng lượng tích cực đến với khán giả bằng sự hài hước, duyên dáng, tạo nên tiếng cười châm biếm, sắc sảo.
Sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, ông gầy đi nhiều, nhưng phong độ tạo tiếng cười vẫn khỏe như xưa.Ông còn ca vọng cổ, ca bài bản, thể hiện những vai phụ nhưng khó ai có thể thay thế.
NSND Ngọc Giàu chia sẻ nếu không phải là Bảo Quốc thì khó mà tổ chức được suất hát qui tụ thế hệ vàng nghệ sĩ cải lương như đêm nay. "Vì chúng tôi yêu quý anh ấy, chưa bao giờ làm phật lòng một ai. Từ sau live show 45 năm, đến nay tròn 60 năm của anh, chúng tôi hội ngộ thì ai cũng đều gần 80 tuổi rồi. Những suất hát như vậy sẽ ngày càng hiếm, nên ai cũng xúc động" - NSND Ngọc Giàu chia sẻ.
NSND Lệ Thủy nhớ lại thời điểm 14 năm trước, trích đoạn "Nửa đời hương phấn" diễn phục vụ kiều bào Mỹ: "Chúng tôi lúc đó không có cảm xúc mạnh mẽ như đêm diễn này. Biết rằng sẽ phải nói lời tạm biệt vì diễn tuồng, ai nấy đều lớn, không thể cưa sừng làm nghé mãi, nên đây là suất hát kỷ niệm để đời của chúng tôi" - NSND Lệ Thủy xúc động.
Nếu phần mở màn, danh hài Bảo Quốc chỉ nhắc đến vài vai diễn tiêu biểu trong sự nghiệp của ông như: Chương Hầu ("Tiếng trống Mê Linh"), Y xì ke ("Bóng tối và ánh sáng"), Tất Đạo ("Bên cầu dệt lụa"), Nhan Tấn ("Nõ thần")….Nhưng thực tế, ông có hàng trăm vai diễn hay, tạo tiếng cười độc đáo, luôn làm mời mình từ sân khấu sàn diễn cho đến kịch truyền hình và điện ảnh. Ông chính là điểm tựa vững vàng cho thế hệ con cháu trong đại gia đình Thanh Minh, Thanh Nga, noi theo tấm gương của ông để sống tử tế với nghề.
Chương trình này do NSƯT Hữu Châu làm tổng đạo diễn, anh cũng khiêm tốn như chú của mình. NSƯT Hữu Châu bộc bạch: "Tôi chỉ làm công việc sắp xếp lại các tiết mục, vì chú tôi đã cao tuổi rồi, những suất diễn ý nghĩa của gia đình như thế này sẽ ngày càng hiếm. Từ khi ba tôi - cố nghệ sĩ Hữu Thình, qua đời, má ba Thanh Nga của tôi cũng ra đi, tôi xem chú là cha".
Đêm diễn khép lại, khán giả gần như không muốn ra về dù đã gần nửa đêm, họ đều muốn nán lại để lắng nghe những lời bộc bạch chân thành của các nghệ sĩ và trên hết là được ngắm nhìn mãi những nghệ sĩ tài danh mà họ đã yêu quý, một thế hệ vàng của sân khấu cải lương.
"Khi ba tôi mất, tôi vẫn còn ham chơi, nhưng rồi tôi suy nghĩ, ba mình muốn mình theo nghề hát mà sao mình lại thờ ơ với sự nghiệp của cả dòng họ. Tôi thương ba tôi vô cùng và như có một sợi dây vô hình nào đó truyền lại, tôi xin má tôi (bà Bầu Thơ - PV) cho tôi được hát và cái nghiệp dĩ theo tôi cho đến bây giờ. Hơn 60 năm qua có những bước đường chông gai mà vì yêu nghề nhưng tôi cố gắng vượt qua và tôi đã đạt được thành công này đến thành công khác" - đó là lời tâm sự trong lớp diễn mở màn chương trình đầy xúc động của danh hài Bảo Quốc.