Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan: Với người nghệ sĩ,được đứng trên sân khấu là niềm vui

Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan. Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan được đánh giá là một nghệ sĩ tài năng và đa năng trên sân khấu cải lương. Sớm bộc lộ tài năng ca hát nhưng con đường theo nghiệp diễn cũng nhiều truân chuyên và nghệ sĩ gọi đây là duyên, là nghiệp để có thể gắn bó với nghề trong suốt hơn 40 năm qua.
Năm 2023, nghệ sĩ Phượng Loan được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như một sự ghi nhận của nhà nước về những sự nỗ lực bền bỉ. Theo Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan, vinh dự càng lớn thì người nghệ sĩ càng có trách nhiệm tiếp tục dẫn dắt, truyền lửa cho các bạn trẻ để sân khấu cải lương ngày nay đổi mới, bắt nhịp được với đời sống đương đại.
Cải lương là duyên nghiệp
* Nghệ sĩ Phượng Loan có thể kể lại quá trình đến với cải lương như thế nào?
- Tôi theo nghề từ năm 13 tuổi, giờ đã hơn 40 năm đứng trên sân khấu. Cải lương lúc thịnh, lúc suy theo từng giai đoạn nhưng đối với tôi, đó là cái duyên, cái nghiệp của mình. Gia đình tôi trước đây không theo nghệ thuật và cũng không thích tôi đi theo nghề hát cải lương. Để được gia đình chấp thuận là một thử thách rất lớn.
Mấy chục năm làm nghề, bây giờ nếu có cho chọn lại thì tôi cũng sẽ theo con đường mà trước đây mình đã đi bởi nó như là cái duyên của mình. Đã đi theo thì luôn luôn nỗ lực, cố gắng và có thể nói là không có điều gì tiếc nuối trong suốt chặng đường ấy cả.
Ông tổ đã chọn mình, nên vì lòng yêu nghề mà tôi vượt qua hết. Được đứng trên sân khấu hát là một điều hạnh phúc rất lớn với tôi rồi.
* Trong các thể loại vai diễn, nghệ sĩ thích thể hiện mình là nhân vật ra sao trên sân khấu?
- Thực tế đối với bất cứ mỗi người làm nghề nào, ai cũng mong muốn mình được làm kép chính, những vai trung tâm của vở diễn. Với tôi, diễn lâu rồi nên cũng đã qua rất nhiều thể loại vai đã đóng trên sân khấu, từ kép chính đến kép phụ, từ sân khấu địa phương đến sân khấu ở thành phố nên tôi nghĩ vai nào cũng phải đáp ứng được. Từ lẳng, độc, hài cho đến đào thương; vai già cũng đóng được mà vai trẻ cũng đóng được, theo yêu cầu của đơn vị tổ chức.
Nếu nói về tuyến nhân vật, có lẽ tôi thích hơn cả là những người phụ nữ có cuộc sống truân chuyên một chút, kiểu như cuộc đời chịu nhiều va đập nên tâm lý nhân vật cũng có nhiều mảng miếng để mình thể hiện hơn.
Phượng Loan tên thật là Đặng Thị Phương Loan, sinh năm 1966, là nghệ sĩ sân khấu cải lương và vọng cổ Việt Nam. Nghệ sĩ Phượng Loan được biết đến với giọng ca ngọt ngào truyền cảm, lối diễn xuất chân phương, mộc mạc đầy cảm xúc với làn hơi rất khỏe, chất giọng trong sáng và là nghệ sĩ có tâm với nghề, mỗi vai và mỗi bài ca trình diễn đều có cách diễn đạt riêng.
* Là nghệ sĩ, nhất là trong lĩnh vực cải lương, niềm vui sân khấu của nghệ sĩ Phượng Loan là gì?
- Với người nghệ sĩ, sân khấu chính là hơi thở, cuộc sống của họ nhưng nghề cũng phải có sự cạnh tranh và có các sân khấu lớn, nhỏ khác nhau. Nếu ai cũng chú tâm vào các sân khấu lớn hay chỉ chuyên “trị” những vai diễn đặc biệt, đặc sắc, một thể loại vai thì cũng rất khó. Trừ khi bạn là người vừa có sắc, vừa có thanh mà lại phải thực sự nổi bật. Nếu cứ chấp nhận giữ một loại vai thì sẽ không còn việc để làm.
Nghệ sĩ không có vai diễn thì làm sao khán giả nhớ? Bị khán giả lãng quên chính là điều đáng sợ nhất. Thế nên tôi không nề hà vai lớn nhỏ, kể cả những vai “cứu bồ” chỉ vài câu thoại mà không phải nghệ sĩ nào cũng nhận.
Có thể cũng vì sự “dễ tính” ấy và coi việc được diễn ở bất cứ đâu cũng là niềm vui với bản thân nên cái tên Phượng Loan cũng dần được mọi người biết đến nhiều hơn. Và các đài truyền hình, các chương trình về cải lương hay các nhà hát cũng trở thành nơi quen thuộc (cười)!
* Thế còn sự khổ luyện trong nghề?
- Ở đời, không gì “tự nhiên mà có”. Để có được bản lĩnh sân khấu vững vàng, bất cứ mỗi người nghệ sĩ nào cũng là một sự khổ luyện dài. Rộng ra hơn thì nghề gì cũng cần phải khổ luyện bởi những người tài năng thiên bẩm rất hiếm, ngay cả họ cũng đều phải vượt qua chính mình theo thời gian.
Với tôi, đó là những năm tháng ngồi cánh gà nhìn các anh chị đi trước ca diễn đến thấm từng động tác, từng cách nhấn nhá, nhập tâm được vào từng nhân vật. Là thói quen ngồi trước gương tập thoại, tập xử lý cơ mặt, khống chế biểu cảm... Ngay cả tiếng cười cũng phải tập luyện. Đã là duyên, là nghiệp thì sống chết gì mình cũng phải cố gắng với nghề.
Sẵn sàng truyền lửa cho lớp trẻ
* Theo nghệ sĩ Phượng Loan, so với thời hoàng kim, nghệ thuật cải lương ngày nay có những thay đổi ra sao?
- Trước đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống là món ăn tinh thần lâu đời và chiếm sóng nhiều trong mỗi gia đình, khán giả. Tuy nhiên, xã hội phát triển, hội nhập với thế giới, có nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập và cũng có nhiều chương trình giải trí tân thời xuất hiện, vì thế cải lương nói riêng, sân khấu nghệ thuật truyền thống phải chia bớt số khán giả.
Xã hội và nhu cầu của khán giả thay đổi nên ngày nay, sân khấu cải lương cũng có nhiều thay đổi, diện mạo nghệ thuật nói chung, cải lương cũng phải làm mới mình để theo xu hướng dòng chảy của xã hội. Từ kịch bản đến diễn xuất, sân khấu cũng phải hòa vào nội dung đương đại để công chúng dễ đón nhận hơn.
Tuy vậy, sự bắt nhịp của cải lương vẫn còn chậm và sự kế thừa cũng sẽ có những băn khoăn nhất định. Tôi cho rằng cần tạo điều kiện đào tạo thế hệ kế thừa. Lĩnh vực nghệ thuật cải lương hiện nay đang có nhiều khiếm khuyết, phải sớm tìm kiếm và vun bồi những hạt nhân trẻ đủ sức làm chủ ngôi nhà sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Nhân dân Phượng Loan trên sân khấu. Ảnh: NVCC
* Với thâm niên hơn 40 năm trong nghề, nghệ sĩ Phượng Loan được coi là người luôn truyền cảm hứng tích cực đến nghệ sĩ đàn em?
- May mắn là tôi có kinh qua nhiều dạng vai diễn khác nhau nên khi các em cần sự trợ giúp, phân tích, tôi sẵn sàng. Cũng như qua những lần tham gia với tư cách huấn luyện viên cho các thí sinh tranh tài Chuông vàng vọng cổ, tôi vui khi thấy các em diễn viên trẻ tiến bộ. Tôi vừa là giám khảo, vừa là người tuyển chọn những nhân tố có triển vọng nên có điều kiện gần gũi, theo dõi họ. Thú thực, nhiều nghệ sĩ cải lương trẻ bây giờ rất giỏi. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nghệ sĩ trẻ mới vào nghề, hỗ trợ họ trong chặng đường hoạt động nghệ thuật. Tâm niệm của tôi luôn là làm sao để hỗ trợ và giúp đỡ nghệ sĩ trẻ phát triển bản thân, nghề nghiệp.
* Là Nghệ sĩ Nhân dân, người của công chúng hẳn nhiên nghệ sĩ cũng rất bận rộn nhưng bí quyết gì để chị luôn giữ được nét trẻ trung, niềm đam mê của mình?
- Nhờ sự nỗ lực của bản thân, tôi nghĩ rằng với bất cứ ai, lĩnh vực gì, chỉ cần chúng ta cố gắng cuối cùng rồi cũng sẽ hái quả ngọt. Vài năm trước tôi bị tai nạn giao thông, có lẽ vì tình yêu với sân khấu với cải lương mà sau đó tôi nhanh chóng hồi phục và lại có thể đi diễn trở lại.
Năm 2023, tôi rất vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Với tôi, danh hiệu này là phần thưởng, sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực trong suốt hơn 40 năm qua. Danh hiệu dù không phải là tất cả nhưng cũng là cột mốc ý nghĩa trong quãng đời người nghệ sĩ. Và giờ đây, Phượng Loan vẫn là Phượng Loan, vẫn là cái tên giản dị trong nghề, và tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn với bộ môn nghệ thuật cải lương.
Là nghệ sĩ độc lập nên không phục thuộc đơn vị nào, khi càng lớn tuổi, tôi càng muốn theo đuổi công tác đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Tôi sẽ theo nghề đến lúc nào không làm được nữa. Với bạn trẻ, cứ hãy coi tôi như người bạn, người chị để có thể cởi mở mà chia sẻ, tâm sự những vui buồn cả trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp với nhau.