Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên - cuộc đời như một huyền thoại
Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên, người tài năng trong cả trong lĩnh vực biểu diễn lẫn trong giảng dạy âm nhạc, đã ra đi vào ngày 31/1/2023, thọ 105 tuổi. Bà là cô giáo của nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có những người con của bà: Trần Thu Hà và đặc biệt là Đặng Thái Sơn.
Cách nay vài chục năm, chúng tôi nhắc đến bà Thái Thị Liên nhân dịp chồng của bà nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng vừa được gia đình, bạn bè xuất bản tập thơ “Ô mai”, trước đó là tập thơ “Bến lạ”… Thơ của ông mãi mấy chục năm sau mới xuất bản vẫn làm người đọc thấy lạ (ngay bây giờ cũng vậy), bởi nó khác hẳn với lối cấu tứ thông thường cả trên hình thức diễn đạt lẫn nội hàm tư tưởng.
Cuộc đời của Đặng Đình Hưng như một kỳ nhân với tầm vóc khó miêu tả hết. Tất nhiên, hình tượng của ông gắn bó nhiều với người con trai - pianist lừng danh thế giới Đặng Thái Sơn, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế F.Chopin (năm 1980), cũng là người châu Á đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin (năm 2005)…
Đặng Thái Sơn được bố là Đặng Đình Hưng dạy dỗ rất nghiêm khắc. Ông cho con trai tập thêm “đàn” bàn gỗ có dán giấy kẻ thành phím đàn, dù đau tay vẫn phải cố. Đây là câu chuyện mà chúng tôi nghe kể qua những trao đổi của những nhà thơ, nhạc sĩ… ở TP Hồ Chí Minh những năm 1990.
Nhưng, như Đặng Thái Sơn từng tâm sự với báo chí, người ảnh hưởng nhiều nhất đến ông là nhà thơ Đặng Đình Hưng, còn người truyền thụ cho ông nhiều kỹ năng chơi đàn piano nhất là người mẹ, bà Thái Thị Liên. Ông Hưng và bà Liên phát hiện người con trai của mình có đôi tai nhạy cảm đặc biệt, có thể đào tạo thành tài năng lớn nên đã dành cho con một chế độ học hành cực kỳ nghiêm khắc.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, tạo nên một Đặng Thái Sơn, người mà bất cứ dàn nhạc giao hưởng nào trên thế giới đều cảm thấy vinh dự khi có ông tham gia, có sự cộng hưởng của hai tài năng đặc biệt: Đặng Đình Hưng và Thái Thị Liên. Đặng Thái Sơn là một thành quả lớn lao nhất của hai người. Đương nhiên, bà Thái Thị Liên và ông Đặng Đình Hưng còn có những người con tài năng khác, trong đó, điển hình như pianist Trần Thu Hà (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội), người có sự nghiệp giảng dạy và biểu diễn lẫy lừng, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp của người mẹ của mình.
Sau này, khi về hưu, bà Thái Thị Liên đã theo Đặng Thái Sơn đi khắp nơi trên thế giới để chăm sóc con, kể cả việc nấu ăn. Nhưng có lẽ, Đặng Thái Sơn dù đã thành danh vẫn cần mẹ mình trao đổi, góp ý thêm về chuyên môn.
Bà Thái Thị Liên lừng lẫy không chỉ vì là mẹ của Đặng Thái Sơn, Trần Thu Hà… Cuộc đời của bà như một cuốn phim sống động, gợi cảm hứng cho các nhà làm phim tài năng, bởi nó sinh động đến đáng ngạc nhiên.
Bà sinh ra ở Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh), có chị gái là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris. Anh trai của bà là Thái Văn Lung, luật sư, người có tên đường ở TP Hồ Chí Minh. Cha của bà là Thái Văn Lân, kỹ sư điện lứa đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Bà học nhạc trong nhà thờ từ nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian hoạt động trong phong trào phụ nữ thế giới bà đã gặp ông Trần Ngọc Danh (quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, em ruột Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên Trần Phú ) và họ nên duyên vợ chồng. Khi ông Danh sang Tiệp Khắc công tác, bà đi theo chồng và học Nhạc viện Praha. Sau khi người chồng đầu qua đời, bà đã kết hôn với nhạc sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng…
Không thể kể hết những gian nan, vất vả của cuộc đời làm mẹ của bà Thái Thị Liên. Nhưng trong hoàn cảnh nào, bà cũng cố gắng hết sức vì sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Bà là một trong những người thành lập trường Âm nhạc Việt Nam (năm 1955, sau này là Nhạc viện Hà Nội); tập hợp đội ngũ giảng dạy; soạn giáo trình piano và là chủ nhiệm khoa piano đầu tiên của nhạc viện…
Những ngày gần đây, khi về Hà Tĩnh, nơi có dòng La hiền hòa, chúng tôi đến vùng đất Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, nơi có nhiều anh hùng, danh nhân hội tụ, chợt vương vấn về những phụ nữ tài hoa, trong đó có bà Thái Thị Liên. Bà có lẽ chưa có dịp về vùng quê này, nhưng nhiều người dân ở đây biết đến bà, một người con dâu, người phụ nữ đáng ngưỡng mộ trên cả các khía cạnh cống hiến cho xã hội, nhất là về khía cạnh nghệ thuật âm nhạc và chăm lo cho gia đình. Dòng La và những con sông quê hương sẽ như những dải lụa mềm mại vỗ về nhớ ơn người phụ nữ tuyệt vời ấy.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-si-nhan-dan-thai-thi-lien-cuoc-doi-nhu-mot-huyen-thoai.html