Nghệ sĩ Nhân dân Vương Hà - vắt kiệt mình, tỏa sáng
Lớn lên trong cái nôi của kịch hát dân tộc, bố mẹ Nghệ sĩ Nhân dân Vương Hà (trong ảnh) thuộc lớp người đặt những viên gạch đầu tiên của Ðoàn Tuồng Thanh Hóa. 13 tuổi, khi được bố mẹ gửi ở nhờ nhà người quen để đi công tác, gặp các cô, các chú Ðoàn Tuồng Trung ương ghé vào chơi, cô bé Hà đang nghêu ngao hát tuồng lập tức đi theo...
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vương Hà sinh năm 1967 tại Thanh Hóa, là học trò của các thầy dạy tuồng bậc nhất thời bấy giờ, cùng lớp với các nghệ sĩ Minh Gái, Ánh Dương và được xem là hạt giống đỏ của bộ môn này. Chị thường được giao vai chính trong các vở kinh điển như Lụa trong "Chuyện cổ Bát Tràng", Juliet trong "Romeo và Juliet", Hến trong "Nghêu Sò Ốc Hến", Hàn Tố Mai trong "Ðào Tam Xuân"... Trở thành vợ của nghệ sĩ cải lương Xuân Vinh, có một cậu con trai, chị xin chuyển công tác sang Nhà hát Cải lương Việt Nam để được gần chồng và có thời gian chăm sóc gia đình; đó là một sự hy sinh lớn bởi lúc đó Vương Hà được xem là gương mặt trẻ triển vọng của nghệ thuật tuồng. "Lúc tôi xin ra khỏi nhà hát tuồng, mọi người đều tiếc vì mất bao công dạy dỗ. Bản thân tôi cũng tiếc đứt ruột vì công sức của gần 10 năm học và diễn đã tiêu tan hết", NSND Vương Hà nhớ lại. Từ một diễn viên được coi là trụ cột của đoàn tuồng, chuyển sang cải lương, Vương Hà thành "lính mới’.
Chị không được đào tạo để hát cải lương mà tất cả là tự thân vận động. Bên cánh gà, chị vừa ôm con vừa nghe các bạn hát rồi học theo. Có thể ví, chất của tuồng là nóng, mạnh; trong khi cải lương lại mát dịu, nhẹ nhàng và đời hơn. Vì thế, chị phải tiết chế, bỏ bớt những gì cách điệu quá của tuồng để thích nghi với sự mềm mại, mượt mà của bộ môn nghệ thuật cải lương. Từng ngày qua đi, chị được giao những vai nhỏ, rồi những vai lớn hơn. Sau hai năm, trong lần bất ngờ được gọi diễn thế do diễn viên vai chính bị ốm, Vương Hà phải ra sân khấu khi bản thân còn chưa thuộc hết kịch bản, cần người đứng ngoài nhắc thoại. Và tất cả thay đổi từ đây, khi chị nắm bắt mọi cơ hội để được thể hiện mình, tỏa sáng, khiến các bạn đồng nghiệp phải tâm phục khẩu phục giọng ca, cách diễn cải lương của cô đào tuồng...
Vương Hà thừa nhận, mình đạt được kết quả tốt nhờ chăm chỉ tập luyện. "Hễ thích là tôi hát, bất cứ lúc nào, ở đâu. Tôi làm nghệ thuật theo kiểu ngẫu hứng, chỉ cần một cái gì đó lóe sáng là phải cố chộp lấy ngay. Làm việc theo kiểu đánh kẻng ghi tên thì không phải Vương Hà", chị tâm sự. Nhưng cái tia sáng ấy không phải dễ tìm, dễ thấy. Muốn có nó phải suy nghĩ, nung nấu rất nhiều. Lắm khi làm việc với đạo diễn trên sàn tập nhà hát mà đầu óc cứ mê muội, trống rỗng, chỉ đến khi về nhà trằn trọc thì ý đồ mới bật ra. Nhiều vai, chị phải vắt kiệt sức mình cả về vật chất lẫn tinh thần. Thí dụ, vai Thái hậu Dương Vân Nga, từ lúc nhận kịch bản cho đến khi bước chân lên sàn diễn trước khán giả, ngày nào mồ hôi chị cũng chảy ròng ròng, người mệt lả đi, đến nỗi khi cầm bát cơm cũng nghĩ mình đang diễn. Có hôm đang ngủ, chị bật dậy để nhập vai vì vừa nảy ra một ý tưởng mới. Dương Vân Nga trong vở "Hoàng hậu hai vua" đã mang về cho chị Giải nhất Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương, sau này cũng vai diễn ấy trong vở "Ðế đô sóng cả" lại giúp chị giành Huy chương vàng trong Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Chị còn ghi dấu ấn với vai Thị Tơ trong "Cây đàn huyền thoại", Thị Lộ trong "Vằng vặc sao khuê", Nữ hoàng Vanu trong "Truyền thuyết tình yêu"...
Vai diễn gần nhất của Vương Hà là Tôn Nữ Thị Phương, phu nhân quan tổng đốc trong vở diễn "Thầy Ba Ðợi", thu hút các gương mặt nổi bật của sân khấu cả nước nhân Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương. Ðến nay, chị đã có trong tay sáu Huy chương vàng qua các kỳ hội diễn, liên hoan. Năm 2001, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, năm 2016 trở thành NSND. Ðược đào tạo bài bản về tuồng, song tất cả huy chương, danh hiệu đều thu hái được nhờ cải lương, đó là điều khiến NSND Vương Hà thú vị. Bao nhiêu năm gắn bó với nghệ thuật, niềm hạnh phúc lớn nhất với chị là được làm việc với những đạo diễn bậc thầy. Theo chị, họ không những giúp mở mang đầu óc mà còn khơi gợi cảm xúc, khả năng diễn xuất tiềm ẩn mà chính diễn viên cũng không hề biết. Còn nhớ, lần được giao vai bà vợ trong vở "Nắng quái chiều hôm" của tác giả Nguyễn Ðăng Chương, Vương Hà không biết phải diễn thế nào. Nhân vật này thật sự không gợi hứng thú gì cho nữ nghệ sĩ. "Chỉ đến khi nghe NSND Ngô Xuân Huyền giảng giải, tôi mới vỡ ra. Thầy đã khiến tôi nhìn thấy tia sáng lóe lên trong vai diễn, như thầy thuốc giỏi, chỉ cần bấm đúng huyệt thì người đang đau đớn, bệnh tật bỗng chốc khỏe mạnh hơn xưa", Vương Hà nhớ lại.
Không chỉ tỏa sáng trên sân khấu, NSND Vương Hà còn quen thuộc với khán giả yêu thơ nhờ giọng ngâm trầm bổng. Từ việc cộng tác với Ðài Tiếng nói Việt Nam qua thể hiện các ca khúc dân ca, chị trở thành cộng tác viên đắc lực của tổ ngâm thơ. Năm nào chị cũng được mời ngâm thơ, loại hình tưởng đã xa lạ với khán giả thời công nghệ số. Và điều quan trọng, là nghệ sĩ, tâm hồn bay bổng lãng đãng nhưng NSND Vương Hà lúc nào cũng hết lòng vì chồng con. Chị chia sẻ, đã xác định từ bỏ sở trường (tuồng) để làm người phụ nữ của gia đình, nhưng lại được Tổ nghiệp thương cho nên công danh sự nghiệp vẫn vẹn toàn.