Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn: Hành trình 40 năm ghi lại vẻ đẹp thầm lặng của người lao động

Mỗi sớm mai, trong góc phố cũ giữa lòng thành phố Thái Nguyên, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn (sinh năm 1949) vẫn miệt mài bên những ống kính và cuộn phim nhuốm màu thời gian. Gần 40 năm qua, ông lặng lẽ kể chuyện đời bằng ánh sáng và khung hình, với tình yêu sâu sắc dành cho người lao động.

Quê ở Hưng Yên nhưng ông lớn lên và gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Chính vùng đất công nghiệp nồng nàn hương chè và khói lửa gang thép này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất trong hành trình nhiếp ảnh của ông. Trong suốt 40 năm cầm máy, người nghệ sĩ này không chọn nơi hoa lệ, không theo đuổi những trào lưu rực rỡ hay sự sắp đặt cầu kỳ mà ông lặng lẽ đi và chụp những điều chân thật nhất.

Đó là hình ảnh người công nhân giữa ca làm với những giọt mồ hôi đọng lại trên gò má, là đôi bàn tay khiếm khuyết vẫn khéo léo đan từng nan quạt hay nụ cười rạng rỡ của cô gái giữa dây chuyền sản xuất. Với ông, họ là những “nhân vật chính” thầm lặng nhưng cao cả của cuộc sống, những người làm nên vẻ đẹp bền bỉ của thời đại.

 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn giới thiệu những tác phẩm gắn bó với hành trình sáng tạo của mình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn giới thiệu những tác phẩm gắn bó với hành trình sáng tạo của mình.

Từ người thợ đến nghệ sĩ nhiếp ảnh

Những năm tháng tuổi trẻ, khi còn là công nhân sửa chữa ô tô, đồng thời giữ vai trò Bí thư Đoàn của Công ty Vận tải ô tô số 10 (Cục vận tải ô tô, Bộ Giao thông vận tải-trước đây), người ta thấy một người công nhân ban ngày sửa xe, chiều tối lại vác chiếc máy ảnh rong ruổi khắp mảnh đất Thái Nguyên để “bắt” lấy những khoảnh khắc đời thường. “Tôi còn nhớ những ngày đầu, ngoài thời gian làm việc, vào những ngày nghỉ, tôi thường đạp xe đi các huyện lân cận để chụp ảnh kiếm thêm thu nhập. Đồng thời, tôi cũng chụp ảnh phục vụ cho phong trào và gửi ảnh cộng tác cho báo chí”, ông kể lại, ánh mắt ánh lên niềm vui nhỏ bé mà ông vẫn giữ đến tận bây giờ. Chính vì từng là công nhân, ông hiểu sâu sắc đời sống của người lao động, sự vất vả, lam lũ và cả những niềm vui rất đỗi đời thường của họ.

 Dù thời gian qua đi nhưng chiếc máy ảnh và tình yêu với nhiếp ảnh vẫn nguyên vẹn trong ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù thời gian qua đi nhưng chiếc máy ảnh và tình yêu với nhiếp ảnh vẫn nguyên vẹn trong ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nổi bật trong các tác phẩm của ông đó là bức ảnh chân dung người thợ đứng trước lò luyện thép, mắt chăm chú điều khiển nhiệt độ, ánh sáng từ lò hắt vào gương mặt, mồ hôi còn đọng trên má, ánh mắt tập trung cao độ, tất cả tạo nên một bố cục đầy chiều sâu và cảm xúc.

Bên cạnh hình ảnh người công nhân miệt mài trong guồng quay sản xuất, ông Tuấn còn dành trọn một tình yêu âm thầm mà sâu sắc cho những đồi chè xanh ngát. Những nương chè trải dài theo triền đồi, lấp lánh sương sớm hay rực rỡ trong ánh nắng chiều, luôn hiện diện đầy cảm hứng trong ống kính của người nghệ sĩ ấy. Ông Tuấn đã không ít lần lặng lẽ đặt chân đến các nông trường, hợp tác xã, vùng chè trứ danh như Tân Cương, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ… như một cách trở về với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình.

 Giữa đồi chè bát ngát, cô gái tươi cười rạng rỡ, hái từng búp chè non, hình ảnh đậm chất thơ qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa đồi chè bát ngát, cô gái tươi cười rạng rỡ, hái từng búp chè non, hình ảnh đậm chất thơ qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi còn là hội viên Câu lạc bộ Công nhân Gang thép Thái Nguyên, ông Tuấn có cơ hội được trực tiếp tác nghiệp trong lòng nhà máy, nơi những ngọn lửa đỏ rực và những giọt mồ hôi mặn chát đã trở thành một phần ký ức của bao thế hệ công nhân. Hằng năm, cùng với câu lạc bộ, ông góp phần tổ chức các cuộc triển lãm ảnh như một cách tri ân, tôn vinh những con người đang âm thầm giữ lửa cho ngành gang thép.

Phong cách nhiếp ảnh mà ông Tuấn theo đuổi cũng nhất quán như chính con người ông, hiện thực gần như nguyên bản. Hầu hết các tác phẩm đều rất ít can thiệp hậu kỳ, ông chia sẻ rằng, điều quan trọng nhất là phải "rình" được đúng khoảnh khắc, từng ánh mắt, nụ cười, dáng đứng hay một hành động đặc trưng trong công việc. Để làm được điều đó, ông luôn dành thời gian quan sát, tìm hiểu kỹ đặc thù nghề nghiệp của nhân vật, từ bàn tay người công nhân công nghiệp đến động tác của người hái chè trên nương đồi. Mỗi tấm hình không đơn thuần là ghi lại hình ảnh, mà là sự đồng cảm sâu sắc, là cách ông thấu hiểu và trân trọng từng phận người mà ông bắt gặp.

 Tác phẩm chân dung thợ luyện thép của tác giả Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác phẩm chân dung thợ luyện thép của tác giả Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau nhiều năm rong ruổi khắp mọi miền đất nước, ống kính của ông không chỉ dừng lại ở Khu Công nghiệp Gang Thép hay những nông trường chè đầy nắng và gió. Ông từng lặng lẽ bấm máy khi những đứa trẻ chạy tung tăng bên đàn bồ câu ở Hồ Núi Cốc, từng ghi lại ánh mắt đầy nội lực của một thiếu nữ nơi phiên chợ vùng cao... Những tấm ảnh được ông nâng niu kể lại như những kỷ niệm sống động, đó là những lát cắt đời thường được ông lưu giữ bằng sự trân trọng và rung cảm sâu sắc với con người và cuộc sống. Dù chưa từng học qua trường lớp chính quy về nhiếp ảnh nhưng nhờ tinh thần tự học và lòng say mê với bố cục, ánh sáng, ông đã tạo nên một phong cách riêng, đầy chất đời nhưng không kém phần nghệ thuật.

“Chụp đến khi nào không cầm nổi máy nữa thì thôi”

Giờ đây, ở tuổi 76, NSNA Đỗ Anh Tuấn vẫn miệt mài đi chụp ảnh như một phần hơi thở cuộc sống. Với ông, mỗi tấm ảnh là một lần đối thoại không lời giữa người lao động và người xem, nơi ánh sáng, khung cảnh và hành động thay cho lời nói.

Trong khoảng thời gian giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên, ông từng tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, giúp chi hội được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động tích cực. Bên cạnh đó, ông thường xuyên tổ chức các đợt sáng tác tập thể, chia sẻ kinh nghiệm nghề với thế hệ trẻ, đồng thời làm cầu nối đưa các nghệ sĩ địa phương đến gần hơn với những sân chơi nghệ thuật quy mô lớn.

 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến bền bỉ và lặng thầm của NSNA Đỗ Anh Tuấn.

Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến bền bỉ và lặng thầm của NSNA Đỗ Anh Tuấn.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông mang tên “Đi qua thời gian” được tổ chức vào tháng 5-2025 như một cột mốc đánh dấu hành trình gần 40 năm lặng thầm. Hơn 50 bức ảnh được trưng bày, mỗi bức là một lát cắt ký ức, một khoảnh khắc ông nâng niu giữa muôn vàn khuôn hình từng bấm máy. Để có được những tác phẩm ấy, ông đã phải chọn lọc kỹ lưỡng từ hàng nghìn bức ảnh, ảnh phải có hồn, bố cục đẹp và mang lại cảm xúc. Ông bảo: “Chỉ cần người xem dừng lại ngắm một vài giây và cảm thấy thích vài bức là tôi mãn nguyện rồi”.

 Các tác phẩm của ông Đỗ Anh Tuấn không chỉ đẹp về bố cục, ánh sáng mà còn chan chứa cảm xúc và chiều sâu nhân văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các tác phẩm của ông Đỗ Anh Tuấn không chỉ đẹp về bố cục, ánh sáng mà còn chan chứa cảm xúc và chiều sâu nhân văn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dẫu cho đã đi qua gần nửa thế kỷ cầm máy, ông vẫn đau đáu các thế hệ tiếp theo có thể giữ trọn đam mê với con đường nhiếp ảnh, ông không ngần ngại chia sẻ rằng: “Muốn chụp ảnh đẹp thì phải có đam mê và kiên nhẫn. Khoảnh khắc đến rất nhanh, không kiên trì sẽ bỏ lỡ. Phát hiện vẻ đẹp trong những điều tưởng như rất bình thường mới là cái quý. Bấm máy thì dễ, nhưng chọn đúng thời điểm và góc nhìn thì không phải ai cũng làm được”.

Với ông Tuấn, phần thưởng lớn nhất sau 40 năm gắn bó với nghiệp ảnh không nằm ở danh hiệu hay vật chất, mà chính là những giá trị tinh thần mà ông nhận lại từ cuộc sống. “Cái quý giá nhất với tôi là niềm vui mà nhiếp ảnh mang lại. Có những lần gặp lại người tôi từng chụp đám cưới hay ảnh gia đình, họ cảm ơn vì những khoảnh khắc đó vẫn còn nguyên vẹn. Đó là phần thưởng lớn nhất”, ông chia sẻ.

 Bên cạnh các bức ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân, ông Đỗ Anh Tuấn lặng lẽ kể lại hành trình nghệ thuật đầy đam mê và trách nhiệm với quê hương.

Bên cạnh các bức ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân, ông Đỗ Anh Tuấn lặng lẽ kể lại hành trình nghệ thuật đầy đam mê và trách nhiệm với quê hương.

Với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn, nhiếp ảnh là cách để sống đẹp, sống có ích và sống chân thành. Đó cũng là cách ông trả ơn cuộc đời bằng những tấm ảnh lặng lẽ nhưng đầy xúc động như chính con người ông, đó là sự khiêm nhường, giản dị nhưng sáng ngời nhân văn.

Bài, ảnh: BẢO NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nghe-si-nhiep-anh-do-anh-tuan-hanh-trinh-40-nam-ghi-lai-ve-dep-tham-lang-cua-nguoi-lao-dong-836544