Nghệ sĩ phải giữ phẩm giá nghề nghiệp và bảo vệ tác phẩm của mình

Thời gian qua, tranh giả hoành hành khiến người sưu tập và chơi tranh khó phân biệt thật-giả; có tình trạng họa sĩ hồn nhiên 'mượn' ý tưởng của người khác, 'đạo' tác phẩm, thậm chí nhân bản chính tác phẩm của mình để bán...

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trăn trở: Vấn nạn tranh giả, tranh nhái, “đạo” tranh từ lâu trở thành câu chuyện buồn, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nền mỹ thuật Việt Nam.

 Họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Phóng viên (PV): Thưa ông, dường như vấn nạn tranh giả, tranh nhái, “đạo” tranh ở nước ta ngày càng diễn ra thường xuyên và tinh vi hơn?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Câu chuyện tranh giả, chép tranh, tranh nhái... đã tồn tại ở nước ta 30-40 năm nay. Đến nay, chúng ta chưa xử lý được kẻ làm hàng giả trong nghệ thuật. Vấn đề là hành lang pháp lý vận dụng cho nghệ thuật, cụ thể là mỹ thuật chỉ căn cứ theo nghị định, mà nghị định chỉ mang tính thời đoạn, tức là không có tính lâu dài. Trách nhiệm quản lý của Nhà nước với vấn đề này không phải không có, nhưng chưa kiểm soát chặt chẽ. Trong khi khả năng làm tranh nhái, “đạo” tranh, nhất là hiện nay sự hỗ trợ của công nghệ trong việc làm này rất hiệu quả; một ý tưởng vừa được tác giả chia sẻ trên Facebook lập tức bị đánh cắp; một bức tranh chia vui với đồng nghiệp, chưa kịp ra triển lãm, chưa kịp ra thị trường thì đã bị “đạo”, nhái. Biết có “đạo” tranh, tranh giả, có đường dây tranh giả, nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát và giải quyết dứt điểm.

Thể lệ các cuộc thi đều nêu rõ: Tác giả phải chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm của mình. Tuy nhiên, thời gian qua ở rất nhiều cuộc thi vẫn xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền. Đương nhiên đó là "con sâu làm rầu nồi canh". Không thể trách ban giám khảo, bởi mỗi cuộc thi có hàng nghìn bức tranh và khi đã tin ở nghệ sĩ, tin vào tư cách họ tham gia cuộc thi thì không thể vừa nhận tác phẩm vừa xét xem đó có phải là tranh “đạo”, tranh chép.

Điều cốt lõi, bản thân người nghệ sĩ phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, danh dự, đạo đức nghề nghiệp phải luôn được nghệ sĩ đặt lên hàng đầu. Chính nghệ sĩ phải bảo vệ phẩm chất nghề nghiệp, bảo vệ tác phẩm sáng tạo của mình.

PV: Có không ít họa sĩ bị “đạo”, bị nhái tác phẩm và đã đi “gõ cửa" khắp nơi nhưng chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chưa có những hình thức giải quyết thỏa đáng?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Bị “đạo”, nhái tác phẩm và liên tục xảy ra hiện tượng như vậy, đồng nghĩa là không gian sáng tạo nghệ thuật không an toàn. Chúng tôi rất đồng cảm với thực trạng này, bởi chính điều này làm tiêu hủy cảm xúc của người nghệ sĩ. Hay như trong trường hợp tranh giả từ Việt Nam sang châu Âu, đấu giá thành công xong lại từ châu Âu về Việt Nam. Nhưng không thể xử lý được mặc dù nhìn thấy rõ là tranh giả, vì chứng cứ đâu, tác phẩm nguyên tác ở đâu để so sánh...

 Tranh cổ động (bên phải) đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác tranh cổ động APEC năm 2017 nhái tác phẩm nước ngoài (bên trái).

Tranh cổ động (bên phải) đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác tranh cổ động APEC năm 2017 nhái tác phẩm nước ngoài (bên trái).

Tuy nhiên, trong hoạt động nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VH,TT&DL) là một trong những cơ quan quản lý của Nhà nước có trách nhiệm giám sát bản quyền tác giả. Tác giả của thời kỳ đổi mới phải nắm được quyền tác giả, pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nếu không quan tâm tới bản quyền, có bị xâm phạm thì Nhà nước cũng không thể bảo hộ được cho anh, bởi anh có đăng ký bản quyền đâu. Muốn an toàn cao cho tác giả, tác phẩm thì phải đăng ký bản quyền. Hiện nay đang có thực trạng, tranh của nhiều tác giả có thị trường, “ăn khách”, nhưng họ cũng không có ý thức bảo vệ bản quyền chính tác phẩm của mình. Thậm chí có tác giả “đạo”, nhái tranh của chính mình để bán kiếm lời; một nội dung chế ra đến chục bản khác nhau, bán giá cao, bị khách hàng phát hiện trả lại, công chúng lên tiếng. Đó thuộc về đạo đức nghề nghiệp.

Với các hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi có vụ việc vi phạm xảy ra, chúng tôi cũng đã lên tiếng và kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Ngược lại, nếu có hội viên vi phạm, hội có các hình thức xử lý phù hợp.

PV: Làm gì để có một không gian sáng tạo lành mạnh, một thị trường cạnh tranh minh bạch, thưa ông?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng vẫn là tự thân họa sĩ; họa sĩ phải kiểm soát hành vi của mình. Cách đây hai năm, Bộ VH,TT&DL cho phép Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thành lập Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, thế nhưng đến nay hoạt động giám định vẫn rất hạn chế. Đã đến lúc cần thiết lập những địa chỉ cụ thể, công khai các thành viên của trung tâm giám định và có trách nhiệm trong công tác giám định. Không thể cứ để vấn nạn trượt dài mãi. Bởi chúng ta không giải quyết được sự việc thì sẽ mất thị trường, uy tín nghệ thuật của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tôi hy vọng xu thế mỹ thuật đương đại của Việt Nam ngày càng tốt lên nhờ sự xuất hiện, chuyển giao của các họa sĩ thế hệ “7X”, “8X”. Sự đóng góp của họ là bước ngoặt hết sức quan trọng. Với sức trẻ, sức cống hiến sáng tạo và quan điểm làm nghề văn minh sẽ tạo nên một thị trường mỹ thuật lành mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghe-si-phai-giu-pham-gia-nghe-nghiep-va-bao-ve-tac-pham-cua-minh-627479