Nghệ sĩ 'tạm biệt nghệ thuật' liệu có 'gác bút'?
Triển lãm 'Tạm biệt nghệ thuật' của họa sĩ Quách Bắc làm nhiều người thắc mắc, liệu đây có phải trưng bày cuối cùng trước khi quyết định 'gác bút'?
Những tờ giấy chứng thực tác phẩm
Chính thức diễn ra từ ngày 15 – 21/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Tạm biệt nghệ thuật” sẽ đưa công chúng lạc vào không gian trưng bày với những bức vẽ theo lối ảnh thực phóng to.
Đây có lẽ không phải là câu trả lời, nhưng lại khiến những câu hỏi và băn khoăn của người xem dài thêm về ranh giới của quá trình thương mại nghệ thuật và bản thân nghệ thuật.
Theo giám tuyển Hoàng Minh Châu, họa sĩ Quách Bắc sử dụng những kỹ thuật hội họa chuẩn mực để tác nghiệp với những họa cụ thủ công trên chất liệu phổ biến là acrylic. Anh đã chép lại, đồng thời phóng to những “tờ giấy chứng thực tác phẩm nghệ thuật” khô khan, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật khác biệt, có phần khôi hài.
Thời điểm nghệ sĩ đặt bút ký vào “tờ giấy chứng thực tác phẩm nghệ thuật” để trao lại cho nhà sưu tập, cũng chính là lúc họa sĩ phải nói lời “tạm biệt nghệ thuật” của chính mình.
Từng thừa nhận rằng, thôi thúc nghệ thuật lớn nhất của Quách Bắc là “vẽ ra được những gì mình suy nghĩ”, trước giờ hẳn chưa có tác phẩm nào của anh từng được sáng tác ra mà không phải là kết quả của một quá trình suy tư và quan sát.
Quách Bắc yêu thích Andy Warhol và nghiền ngẫm sự sâu sắc về tư tưởng trong các tác phẩm của ông. Năm 1962, Andy Warhol thay đổi thế giới nghệ thuật khi vẽ lại 32 hộp súp ăn liền Campbell trong tác phẩm “Campbells Soup Cans”, như một lời nhận xét đầy dí dỏm về sự lặp lại nhàm chán của văn hóa đại chúng và một nền kinh tế tiêu thụ đang thống trị và chiếm lĩnh mọi mặt đời sống nước Mỹ.
Còn với Quách Bắc, anh phóng to rồi vẽ lại 20 tờ giấy chứng thực tác phẩm nghệ thuật, có lẽ là mong muốn xóa nhòa ranh giới quá trình thương mại nghệ thuật và bản thân nghệ thuật. Ở một thời điểm nào đó, liệu chúng ta có coi trọng giá trị phái sinh mà những tờ giấy chứng nhận đó mang lại hơn chính giá trị nghệ thuật tự thân của tác phẩm?
Bằng ngôn ngữ hội họa, việc vẽ lại những tờ giấy chứng thực và đặt chúng vào một triển lãm ý niệm, liệu có mang tính dự báo về một tương lai khác đang tới khi mà trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ trở thành đối trọng thực sự với các nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật?
Đến lúc đó, khi một tác phẩm được tạo ra bằng AI, một tờ giấy chứng thực tôn vinh tác quyền của người nghệ sĩ và tính duy nhất của tác phẩm sẽ trở nên vô nghĩa. “Tạm biệt nghệ thuật”, vì vậy còn thể hiện sự tiếc nuối mà tác giả đã đi qua, cũng như một dự cảm đầy quan ngại cho thế giới nghệ thuật tương lai.
Giám tuyển Hoàng Minh Châu nhấn mạnh, sự trùng hợp ngẫu nhiên hay lựa chọn có chủ ý của nghệ sĩ khi chuỗi tác phẩm được triển lãm vào đúng thời điểm bản lề, chứng kiến những thay đổi lớn của nền nghệ thuật thế giới.
“Sự ra đời của NFTs 3 năm trước, đã đánh dấu việc hiện thực hóa ý tưởng nâng cấp những tờ giấy chứng nhận tác phẩm, mã hóa chúng trên một hệ thống dữ liệu blockchain.
Không ai có thể sửa đổi thông tin của các giao dịch một khi chúng được mã hóa. Nói cách khác, NFTs là những “tờ giấy chứng nhận sở hữu tác phẩm” không thể bị sao chép hay làm giả”, giám tuyển Hoàng Minh Châu nhận định.
Trăn trở trên con đường nghệ thuật
Quách Bắc sinh năm 1988 tại Hà Nội và được biết tới như một nghệ sĩ tài năng của hội họa đương đại Việt Nam. Anh tốt nghiệp Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 2010 và Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Cho đến nay, cả 3 triển lãm cá nhân của anh là “Bầu trời danh tiếng” (2016), “Rơi vào đường chân trời” (2019), “Phong cảnh ướt” (2020) đã gây được những tiếng vang lớn trong giới chuyên môn.
Quách Bắc cũng đã tham gia vào 20 triển lãm nhóm tại Hà Nội và TPHCM. Năm 2023, tác phẩm “Ngã vào góc vuông” của anh lọt vào chung kết cuộc thi “UOB – Painting of the Year”.
Hội họa của Quách Bắc hướng đến tính đa ngữ nghĩa, trong tác phẩm thường sử dụng nghịch lý, mâu thuẫn và cả những gì ít được thói quen chấp nhận. Anh không chọn cách làm hài lòng khán giả bằng việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, hay chạm vào sự nhạy cảm của họ bằng các mánh khóe thị giác.
Thay vào đó, anh khơi gợi ở người xem một vài thắc mắc hay nghi vấn, để người xem có thể tham gia vào tác phẩm, và đôi khi người xem lại trở thành một phần của tác phẩm.
Trong “Tạm biệt nghệ thuật”, Quách Bắc có đến 2 tác phẩm sắp đặt tiếp nối và bổ sung cho loạt 20 tranh vẽ. Trong đó, một tác phẩm sắp đặt có tên rất toán học “Tạm biệt nghệ thuậtⁿ” nhằm tiếp tục gợi mở quá trình nối dài liên tiếp của những giao dịch nghệ thuật, bằng những tờ chứng nhận tác phẩm lồng vào nhau, đan xen không hồi kết.
Trong tác phẩm sắp đặt “Hậu văn bản”, một thủ pháp quen thuộc của nghệ thuật đương đại đã được Quách Bắc sử dụng, đó là giải cấu trúc. Những con chữ trong các tờ giấy chứng nhận được tách rời khỏi bối cảnh ban đầu và trở nên vô nghĩa.
Năm 2018, nghệ sĩ người Anh là Banksy đã chủ ý làm biến mất bức tranh nổi tiếng nhất của mình ngay sau tiếng gõ búa “xác nhận tác phẩm được mua” với mức giá hơn 1 triệu bảng Anh trong một phiên đấu giá tại Sothebys London. Có người coi đó là một “cú lừa thế kỷ”, cũng có người cho đó là một tuyên ngôn đầy thách thức với khuynh hướng thương mại ngày một rõ rệt trong thế giới nghệ thuật.
Nhưng dù gì, nó cũng ít nhiều xuất phát từ những trăn trở đích thực của người nghệ sĩ và khao khát được giữ lại những gì thuần khiết nhất. Người nghệ sĩ đích thực thì ở đâu cũng vậy, nhưng suy tư tình cảm chân thực ấy, một lần nữa được Quách Bắc thể hiện trong chuỗi tác phẩm “Tạm biệt nghệ thuật”.
Quách Bắc tìm cho mình nguồn cảm hứng sáng tác khi nhìn về những ký ức cũ, hay khai phá các góc độ mới. Bằng những diễn tả giàu cảm xúc, họa sĩ muốn tìm kiếm và đưa ra góc nhìn sâu sắc hơn.
"Vẽ là cách để tôi tránh đối đầu trực tiếp với thực trạng xã hội và thế giới thiếu lòng trắc ẩn, nơi chúng ta bị phân rã theo cả ngàn cách thức, nơi những giấc mơ không thành và những vết thương không thể được chữa lành”, họa sĩ Quách Bắc chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-tam-biet-nghe-thuat-lieu-co-gac-but-post690899.html