Nghệ sĩ Tuấn Lê: Cần người trẻ mở những cánh cửa nghệ thuật

Hơn mười năm trước, nghệ sĩ Tuấn Lê từ Đức trở về Việt Nam dựng tác phẩm kịch xiếc Làng tôi như thổi một làn gió mới vào môi trường nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Cách đây bảy năm, À Ố show ra đời gây tiếng vang và làm nên 'thương hiệu' Tuấn Lê, liên tục có lịch diễn trong và ngoài nước. Mới nhất, Tuấn Lê giới thiệu với khán giả Việt Nam show diễn Overseas rất cảm động.

Overseas ra đời từ ý tưởng kết nối các nghệ sĩ gốc Việt đang làm việc ở các quốc gia khác nhau của nghệ sĩ Nguyên Lê và Tuấn Lê. Ở đó, nghệ sĩ sẽ dàn dựng tiết mục của mình chủ yếu trên nền các chất liệu dân gian Việt Nam.

Trong tháng 6, À Ố show đã biểu diễn tại Sydney Opera House (Úc) và Overseas cũng đã có lịch diễn tại Berlin (Đức) vào ngày 26.6 vừa qua.

Vì sao Overseas khi diễn ở Việt Nam có thay đổi một vài nghệ sĩ so với ở Pháp, thưa anh?

Với Overseas, ý tưởng chính là tạo môi trường cho các thế hệ nghệ sĩ có gốc gác Việt Nam (ông bà, cha mẹ là người Việt) làm việc khắp nơi trên thế giới có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau nói lên thông điệp của mình. Vì vậy, mỗi đợt biểu diễn sẽ thay đổi một vài nghệ sĩ là chủ đích của tôi, suất diễn ngày 26.6 vừa rồi ở Berlin (Đức) cũng vậy, vì tôi muốn lôi kéo được càng nhiều nghệ sĩ khắp nơi biết đến và đi cùng với dự án này.

Hơn nữa, việc thay đổi này sẽ khiến các nghệ sĩ chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian của mình, chẳng hạn, nếu chỉ một ê-kíp nghệ sĩ biểu diễn nhiều suất ở Việt Nam thì khâu tổ chức sẽ rất khó khăn.

Nghệ sĩ Tuấn Lê.

Nghệ sĩ Tuấn Lê.

Bỏ qua khâu tổ chức, nếu Overseas có lịch diễn đều đặn ở Việt Nam, anh có tự tin về nguồn khán giả?

Với Overseas, mặc dù nhạc sĩ Nguyên Lê quá hay và rất tiếng tăm trên thế giới nhưng không phải dễ nghe, không phải ai nghe cũng thích liền. Đó là kiểu âm nhạc có đặc trưng nhưng không phổ biến.

Nhạc của Ngô Hồng Quang cũng không phải là kiểu dễ nghe. Các tiết mục xiếc, múa… cũng rất lạ. Vì vậy, phải kiên nhẫn để khán giả tiếp cận từ từ.

Như hồi chúng tôi diễn À Ố show ở Nhà hát Quân đội cũng không có nhiều khách, rồi dần dần cũng tạo được một nếp văn hóa trong thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Tôi nghĩ sau các đêm diễn trong khuôn khổ Ngày Châu Âu 2019, Overseas sẽ có dịp trở về Việt Nam.

Với những khán giả chưa kịp xem Overseas, anh hãy nói với họ Overseas là gì?

Đối với tôi, Overseas là một bức tranh đương đại lớn mà trong đó có nhiều cửa sổ. Cửa sổ này được mở ra, dẫn dắt khán giả vào trong không gian đó, sau đó khép lại và một cửa sổ khác lại mở ra. Nhưng Overseas không phải là một câu chuyện với các tình huống diễn ra liền nhau như kiểu chuyện ngày xửa ngày xưa mà là một chương trình lấy cốt lõi là văn hóa dân gian Việt Nam. Đó cũng là nguồn cảm hứng khi các nghệ sĩ gốc Việt làm việc với tôi và sáng tạo ra những tiết mục của họ.

Ngay cả À Ố show cũng vậy, nếu ai hỏi tôi câu chuyện là gì thì tôi cũng không biết kể gì. Cảm giác và cảm xúc thì nhất thời, khi làm việc, vào khoảnh khắc đó tôi có cảm xúc đó. Nó đi từ con tim rồi đến tới đầu óc để bắt đầu tổ chức và sắp xếp, tạo ra một không gian nghệ thuật.

Chúng tôi sẽ đưa khán giả sống trong không gian đó. Có một người bạn Mỹ nói với tôi một câu rất hay, đại loại: làm nghệ thuật giống như thổi những chiếc bong bóng bùng lên rất đẹp rồi vỡ, sau đó lại thổi tiếp những chiếc bong bóng khác.

Teh Dar - vở kịch xiếc mang hơi thở Tây Nguyên và được dựng từ chất liệu tre do Tuấn Lê làm đạo diễn.

Những năm đầu tiên trở về Việt Nam, có lẽ anh trăn trở với nhiều câu hỏi về thị trường nghệ thuật, nghệ sĩ và khán giả Việt Nam...?

Lúc đó, tôi thấy thị trường cho nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vẫn là thị trường trắng, bây giờ vẫn vậy. Điều đó vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ rộng đường đi nhưng khó ở chỗ tìm kiếm nghệ sĩ và chờ sự đón nhận của khán giả.

Tuy vậy, trong hành trình 10 năm của chúng tôi có khá nhiều điều thú vị, chẳng hạn việc đi tìm nghệ sĩ cho vở kịch xiếc Teh Dar là một kỷ niệm đẹp.

Tôi đi tìm một cô gái biết hát nhạc Tây Nguyên và khi gần như vô vọng thì bạn nhạc công giới thiệu một người cháu có biết nhạc. Khi gặp, tôi đề nghị hát thì cô lại hát nhạc trẻ. Tôi thất vọng hoàn toàn nhưng ăn cơm xong, tôi nói nếu cô có chia sẻ gì thì nói bằng tiếng K’ho. Cô ngồi im vài phút, nhìn thiên nhiên và như rời khỏi trần gian này rồi cất tiếng hát như một thiên thần.

Bây giờ, cô là người có tiết tấu giỏi nhất của show diễn.

Trong mỗi tác phẩm của mình, anh có cố làm sao để khán giả thấy được chất Việt Nam nhiều nhất không?

Tôi chỉ lấy chất liệu Việt rồi làm sao để những tác phẩm của mình có tiếng nói toàn cầu mà ai xem cũng hiểu được chứ không phải chỉ nói câu chuyện Việt Nam.

Ví dụ Teh Dar là văn hóa Tây Nguyên nhưng nếu diễn ở bất kỳ một khán phòng nào trên thế giới và không giới thiệu gì cả thì khán giả sẽ thấy đó là những bộ tộc có thể gặp ở đâu đó trên thế giới.

Trong các vở diễn, tôi chủ yếu khai thác tính cách cá nhân của diễn viên. Tính cách đó không thể lập lại, nếu một diễn viên sau ba năm không diễn nữa thì khi có diễn viên mới phải khai thác tính cách mới.

Tôi có lợi thế được sống nhiều nơi trên thế giới, giúp tôi học được những kiến thức mới và khi dựng một tác phẩm không bao giờ nghĩ rằng người Việt Nam xem thì phải thế này, người nước ngoài xem thì phải thế kia.

Khi làm một chương trình, tôi tạo ra giấc mơ của mình và khán giả đến để chia sẻ giấc mơ của tôi mà không cần phải thông dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Overseas tại Việt Nam hồi tháng 5.2019

Như vậy, có thể hiểu “làm sống” văn hóa truyền thống nghĩa là mang hơi thở hiện đại vào những chất liệu truyền thống để ai cũng có thể tiếp cận chứ không cố làm y hệt ông bà mình ngày xưa?

Ở Việt Nam hay có cụm từ “Bảo tồn văn hóa”, tôi thắc mắc hoài: Nghĩa là sao? Đem ra lau chùi, làm cho sạch đẹp rồi đặt lại nguyên xi ư? Văn hóa có đời sống của nó, có tâm hồn và chuyển động riêng, vì vậy nó phải đi cùng thế hệ đương thời. Tôi lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng để sáng tạo chứ không gọi những chương trình của chúng tôi là truyền thống. Làm sao tôi có thể làm một tác phẩm y chang của người xưa và phải chú thích ý nghĩa của nó là thế này, thế kia được?

Tôi nghĩ, cần những người trẻ không bảo thủ, đủ khả năng để mở những cánh cửa văn hóa nghệ thuật, ngày hôm nay họ có thể làm việc với người Pháp, ngày mai làm với người Đức, ngày kia lại với người châu Phi. Đó mới là những người có đủ tri thức và khả năng để đại diện cho văn hóa Việt Nam, về nghệ thuật.

À Ố show - tác phẩm được xếp lịch diễn thường xuyên trong suốt bảy năm qua

Nhìn về nguồn lực nghệ sĩ, anh có xót xa khi hầu hết những người có tài thì tìm đường ra nước ngoài để có môi trường làm việc tốt hơn?

Điều này cũng tốt thôi, chỉ xót xa khi họ đi mà không trở về. Sẽ tốt hơn nếu sau khi tiếp cận được những cái mới thì họ sẽ quay về với tâm thế của một nghệ sĩ được đặt trách nhiệm trên vai để xây dựng một nền tảng nghệ thuật ở Việt Nam.

Và, họ cũng nên chuẩn bị lâu dài cho thời gian không còn có thể đứng trên sân khấu sau này.

Trong lúc làm diễn viên tôi cũng đã chuẩn bị cho mười năm sau khi không còn diễn để làm những việc như hiện tại.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Tuấn Lê sinh năm 1977, 14 tuổi theo gia đình định cư tại Đức, 18 tuổi theo học xiếc tại Trung tâm Văn hóa Ufa Fabrik (Berlin - Đức) và sau đó được biết đến là một nghệ sĩ tung hứng tài năng. Năm 2009, Tuấn Lê trở thành thành viên của đoàn xiếc Mặt Trời (Cirque du Soleil) của Canada. Anh là người Việt đầu tiên ký hợp đồng biểu diễn với đoàn xiếc nổi tiếng thế giới này. Năm 2010, Tuấn Lê trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên giành giải Nghệ sĩ xuất sắc do Hiệp hội Nghệ sĩ tung hứng thế giới trao tặng. Cách đây hơn 10 năm, Tuấn Lê trở về Việt Nam làm đạo diễn và biên đạo cho các vở kịch xiếc chất lượng như Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar

An Hiên - Ảnh: Sơn Trần - NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghe-si-tuan-le-can-nguoi-tre-mo-nhung-canh-cua-nghe-thuat-19405.html