Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thúy: Luôn muốn làm mới mình qua từng vai diễn

Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Thúy

Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Thúy

Hơn 20 năm tham gia bộ môn nghệ thuật thứ 7, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hạnh Thúy là một nữ diễn viên, nhà biên kịch và đạo diễn sân khấu được nhiều người mến mộ. Ngoài tham gia các bộ phim, đóng các vở kịch thì chị còn là giảng viên tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh để truyền nghề cho các thế hệ đàn em.

Theo NSƯT Hạnh Thúy, để có được vai diễn thành công cần nhiều yếu tố, từ ngoại hình, nghệ thuật hình thể cho đến sự thẩm thấu văn hóa xung quanh nhân vật. Là người luôn theo đuổi cái mới nên hầu như chưa bao giờ chị từ chối vai diễn nào, miễn là phù hợp và tạo cơ hội để bản thân thử sức, sáng tạo qua từng nhân vật.

Hạnh phúc vì được khán giả đón nhận

Là một diễn viên, đạo diễn, tác giả hoạt động nghệ thuật hơn 20 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là với vai trò diễn viên, điều mà chị cảm thấy hạnh phúc bây giờ là gì?

- Tôi vui và hạnh phúc vì đến giờ này mình còn được làm nghề và có nhiều người nhớ đến. Diễn viên là nghề đặc biệt, được hóa thân vào nhiều nhân vật vì thế sự trân quý đối với nghề nghiệp là rất quan trọng. Tôi luôn nỗ lực đem đến cho khán giả những vai diễn tâm đắc nhất. Ngày nào còn làm nghề thì ngày đó còn là thời hoàng kim của mình. Mỗi thời điểm được tham gia một vai diễn mình yêu thích, được làm thêm những công việc mới là điều rất tuyệt vời.

Trước đây, khi làm diễn viên thì tôi học thêm đạo diễn, rồi làm tác giả, giảng viên... và tôi vẫn muốn nếu được thì sẽ thử sức ở nhiều vai trò nữa. Sự cố gắng không khiến mình mệt mỏi mà lại thêm năng lượng để khám phá, biết được mình hay, dở điều gì. Đến giờ này, tôi vẫn còn được làm nghề, vai diễn dù lớn hay nhỏ thì cũng đã là thành công của bản thân rồi.

Chị thích tuyến nhân vật nào và mong muốn được hóa thân vào nhân vật cụ thể ra sao trong vai diễn của mình?

- Nếu chọn vai diễn, tôi muốn được chọn vai hay, đất diễn có thể không nhiều nhưng vai có số phận, có điểm nhấn. Tôi thích hầu hết các vai được nhận bởi đa phần nhà sản xuất hay đạo diễn mời thì đều nhắm vào sự hợp vai mà họ cảm nhận ở tôi. Thích cái mới nên tôi sẽ không định hình mình ở vai diễn nào, miễn là vai đó hay trong bộ phim được mọi người quý mến thì đó là niềm vui lớn.

Chị có thể chia sẻ thêm về các cơ duyên khi đến với những nhân vật như vậy?

- Tôi nghĩ rằng đa phần là tác phẩm chọn mình, bởi vì là diễn viên nên nói chung là công việc khá “thụ động”, được mời vai diễn thì sẽ nhận. Người diễn viên chỉ chủ động khi mà được mời, thấy thích hợp với vai diễn thì mình nhận ngay và không so đo tính toán, một khi đã nhận thì mình cố gắng cho nhân vật đó. Thực sự tôi cũng thấy rất may mắn khi được đạo diễn, nhà sản xuất tin tưởng giao cho mình hóa thân vào nhân vật. May mắn hơn nữa là khán giả đón nhận các vai diễn ấy như là một dấu ấn của Hạnh Thúy trong thời gian làm nghề.

NSƯT HẠNH THÚY tên thật là Ngô Phạm Hạnh Thúy, sinh năm 1976 tại Bến Tre, từng học tại Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh). Cô bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1997, ghi dấu ấn trong nhiều vai trò như: diễn viên, tác giả, đạo diễn... Hạnh Thúy đa năng khi hóa thân được nhiều vai: lão, hài, chính kịch và nhân vật tính cách khác nhau ở nhiều lứa tuổi. Chị nhận danh hiệu NSƯT trong đợt phong tặng của Nhà nước năm 2015.

Chị vừa đi đóng phim, làm đạo diễn, vừa đi dạy, rồi chăm lo cho gia đình, chị có thể chia sẻ đôi điều về bí quyết của mình khi có thể làm tròn được những nhiệm vụ trên?

- Dù nhiều công việc nhưng cũng là trong khuôn khổ của nghề. Tuy vậy, cũng có lúc tôi cảm giác mình như không bao giờ đủ thời gian làm việc cho thật chu đáo, vẹn toàn. Lịch quay, lịch dạy, lịch làm việc dày đặc nên tôi phải rất cố gắng để dành thời gian cho gia đình. Đôi khi chỉ một khoảng thời gian ngắn các thành viên trong nhà được ở cùng nhau, gần gũi nhau đã cảm thấy ấm áp, hạnh phúc và tiếp thêm năng lượng cho mình rất nhiều.

Làm nghề với sự tử tế và nỗ lực hết mình

Làm diễn viên chắc không phải dễ, từ kinh nghiệm của mình cũng như trong công tác giảng dạy, chị đánh giá như thế nào về vai trò của ngôn ngữ hình thể để có một vai diễn hay?

- Đối với người nghệ sĩ mà lại là diễn viên, nghệ thuật sử dụng hình thể trong diễn xuất là rất quan trọng.

Diễn viên thật ra chỉ có mấy thứ “công cụ sáng tạo”: giọng nói, hình thể và tư duy sáng tạo. Ai cũng có “nguồn vốn” như nhau. Nhưng có người khai thác được và biến chúng thành vàng, vũ khí sắc bén, thứ giá trị nhưng có người phung phí, không sử dụng hoặc không biết cách sử dụng những thứ vốn liếng mình có. Họ quên mất hình thể, khắc họa nhân vật thông qua hình thể, khai thác hành động...

Học bài bản thì sẽ được rèn luyện nhiều về các đơn nguyên - yếu tố kỹ thuật chính yếu để diễn xuất. Còn hiểu đơn giản hơn thì người diễn viên chính là người dùng cơ thể mình và mọi phát sinh từ đó để thể hiện nhân vật ở đúng trạng thái, thời điểm, hoàn cảnh, mối quan hệ của họ với không gian, thời gian, nhân vật khác.

Phải chăng, người diễn viên không chỉ bó buộc trong vai diễn mà phải có cái nhìn đa diện hơn, thẩm thấu nhân vật, cuộc sống, môi trường, hoàn cảnh sống xung quanh vai diễn?

- Diễn viên là yếu tố quan trọng nhất của quá trình sáng tạo của đạo diễn và các nhân sự khác trong ê kíp, là phương tiện thể hiện mọi ý đồ nghệ thuật, là điểm kết nối, truyền tải mọi ý tưởng, công sức của tất cả thành phần đoàn phim. Diễn viên cũng là người đại diện cho đạo diễn tổng hòa tất cả mọi sáng tạo, hệ thống lại một cách khoa học, dựa trên cảm xúc đầy đặn nhất để có thể cho ra một tác phẩm tròn vẹn nhất.

Diễn viên sử dụng chính bản thân, cơ thể mình với những yếu tố: ngoại hình, giọng nói để biểu cảm, thể hiện nhân vật. Trong đó, trình độ học thức, thẩm thấu nhân vật, cuộc sống, môi trường, hoàn cảnh sống, quan điểm chính trị, tôn giáo, địa vị xã hội, giai cấp, thời điểm sống, môi trường sống… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách thể hiện nhân vật. Điều đó tạo ra sự khác biệt, làm nên đẳng cấp của diễn viên.

Nghề diễn viên, điện ảnh cần có duyên, nhưng như vậy là chưa đủ để có thể đạt được thành tựu lâu dài, chị mong muốn gì từ các lứa học trò, đàn em của mình về sự nỗ lực, nghị lực để làm nghề một cách tử tế?

- Chúng ta có thể thấy, nếu như các bạn diễn viên trẻ có nhan sắc, có tài năng thì khi có sự đam mê, nhiệt huyết, bạn sẽ làm được nghề, thậm chí có cơ hội trở thành ngôi sao. Cố gắng và kiên trì, thậm chí hành trình ấy có thể kéo dài 5-10 năm. Nếu bạn cố gắng chắc chắn đường đời sẽ không phụ bạn và tổ nghề cũng không phụ bạn!

Điều này không chỉ đúng đối với các diễn viên mà cả những tác giả trẻ. Dạo gần đây, chúng ta thấy nhiều người trẻ mang phim đi thi ở liên hoan phim quốc tế và cũng đã có những giải cao. Đây là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt và nghệ thuật văn hóa Việt. Cùng với kỹ thuật, sự hòa nhập với toàn cầu hóa, các tác phẩm của Việt Nam đang hướng ra quốc tế. Sự nhìn nhận của những người làm điện ảnh thế giới sẽ giúp cho điện ảnh của chúng ta phát triển hơn.

Xin cảm ơn chị! .

Đào Lê (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202407/nghe-si-uu-tu-hanh-thuy-luon-muon-lam-moi-minh-qua-tung-vai-dien-394558b/