Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa: Trọn vẹn một tình yêu với Trường Sa
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Khánh Hòa hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội được mệnh danh là 'ca sĩ của Trường Sa' bởi chị có tình yêu bền bỉ và một nhân duyên lớn với nơi này.
Hiếm có ca sĩ nào từng 8 lần ra Trường Sa, thực hiện tới 2 bộ phim ca nhạc về Trường Sa. Bộ phim ca nhạc “Trường Sa bến bờ trong nhau” - được đánh giá là bản hùng ca về người lính Hải quân - vừa thực hiện cũng là sản phẩm mà chị ấp ủ, kết nối thực hiện bằng tất cả tình yêu và trí lực.
- Chúc mừng chị và đoàn làm phim vừa hoàn thành bộ phim ca nhạc hoành tráng nhất từ trước tới nay về Trường Sa. Quả thật, những thông tin liên quan tới bộ phim như là bộ phim ca nhạc đặc biệt do Quân chủng Hải quân, Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long phối hợp thực hiện, với sự góp sức của khoảng 1.000 người... đủ khiến người đọc cảm thấy choáng ngợp!
- Trường Sa là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và Trường Sa xứng đáng được khắc họa trong những sản phẩm hoành tráng nhất. Tôi nghĩ đó không chỉ là tâm niệm của riêng tôi mà còn là của rất nhiều người. Nhiều khi xem những sản phẩm làm về Trường Sa chưa thực sự đầu tư, tôi cứ cảm thấy tiếc, thấy áy náy vô cùng.
Chính vì vậy, khi chia sẻ ý tưởng làm một bộ phim âm nhạc hoành tráng, có tầm vóc về Trường Sa, về nhiều thế hệ bộ đội hải quân đã hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ biển trời Tổ quốc, tôi đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, nhiều đơn vị, đặc biệt là Quân chủng Hải quân. Điều đó đã giúp chúng tôi cùng nhau làm nên một tác phẩm tuyệt vời như vậy.
- Quy mô hoành tráng cũng nói lên cả sự vất vả của những người kiến tạo. Không quá khi nói NSƯT Khánh Hòa chính là “linh hồn” của dự án này. Chị có thể chia sẻ đôi chút về hành trình đã qua?
- Bộ phim xuất phát từ tình cảm của Khánh Hòa dành cho Trường Sa suốt mười mấy năm qua. Năm 2009, Khánh Hòa bén duyên với Trường Sa, từ đó đến nay Khánh Hòa có may mắn 8 lần được đến với Trường Sa. Năm 2012, Khánh Hòa thực hiện phim ca nhạc “Gần lắm Trường Sa”.
Năm 2022, với tình cảm được chất chứa qua những lần đi Trường Sa, những trải nghiệm, những hình ảnh, những câu chuyện về Trường Sa được thấm đẫm trong tâm trí, trong trái tim và tâm hồn Khánh Hòa. Khánh Hòa muốn biến những hình ảnh trong tâm trí mình thành một bộ phim để gửi đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân, để các anh vơi bớt những gian nan vất vả, vững tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời đây cũng là bộ phim gửi đến hậu phương người lính, luôn vững vàng vượt qua gian khó để làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Phim cũng gửi gắm khát vọng hòa bình, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam...
Trong 2 năm thực hiện dự án, tôi cùng với nhạc sĩ Lê Tâm lên ý tưởng và viết kịch bản văn học, cùng nhà báo Đặng Hương chọn ca khúc cho phim, làm việc với đạo diễn Phú Trần về chi tiết kịch bản và lịch ghi hình, cùng Cục Chính trị Hải quân lên kế hoạch cho công tác tổ chức sản xuất...
Để có thể quay phim ở Trường Sa, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều khâu, khối lượng công việc đồ sộ bởi làm việc với quân đội là phải chuẩn chỉnh, kế hoạch chi tiết và tuyệt đối không được để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Đoàn phim vô cùng biết ơn Quân chủng Hải quân và các đơn vị trong Quân chủng đã hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi về phương tiện và con người. Nhờ đó, chúng tôi đã mang đến cho công chúng những cảnh quay có thể nói là chưa từng có.
- Có thể nói, dấu ấn cá nhân của chị trong phim rất đậm nét. “Trường Sa bến bờ trong nhau” dường như là “thiên tiểu thuyết”, được viết tiếp từ câu chuyện tình yêu của người lính đảo đã được Khánh Hòa tạo dựng trong phim ca nhạc đầu tiên “Gần lắm Trường Sa” cách đây hơn chục năm?
- Cảm ơn nhà báo đã nhìn thấy dấu ấn của Khánh Hòa bởi đây là dự án mà Khánh Hòa đã ấp ủ hàng chục năm. Câu chuyện tình yêu của người lính đảo, gắn với những hy sinh, những mất mát của họ và gia đình là điều Khánh Hòa đã được chứng kiến rất nhiều trong những hải trình ra với đảo nhiều năm qua. Khánh Hòa cũng đã đọc và chắt lọc những câu chuyện từ thực tế để đưa vào phim.
Tình tiết bé Xuân Trường khi đi học bị bạn trêu không có bố, mẹ của bé cắt áo của bố, may nhỏ lại cho con mặc và nói dối đó là quà tặng bố gửi về từ Trường Sa, hay cảnh người lính đi đảo 3 năm không về, đều được lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật.
- Khánh Hòa là một nghệ sĩ năng động, từng thử sức với nhiều thể loại âm nhạc, nhưng có lẽ như một nhân duyên, những ca khúc về biển đảo, về người lính mới thực sự mang đến cho chị cả sự thăng hoa về cảm xúc cũng như sự đón nhận của công chúng, tạo nên thương hiệu “ca sĩ của Trường Sa”?
- Khánh Hòa cũng thực sự tin vào hai chữ “nhân duyên”. Ngay từ tên “cha sinh mẹ đẻ” của mình cũng đã gắn với Trường Sa. Rồi từ lần đầu tiên ra đảo, dù say sóng đến mức nằm bệt trên boong tàu, nhưng cứ đặt chân xuống đảo là dường như Khánh Hòa lại có một năng lượng đặc biệt để hát phục vụ các chiến sĩ. Rất nhiều lần Khánh Hòa ốm, mất giọng nhưng chỉ cần thành tâm xin anh linh các anh hùng liệt sĩ Trường Sa là lại có sức để biểu diễn tiếp, có những điều kỳ diệu mà đôi khi mình cũng không lý giải nổi.
Mọi người cũng hỏi vì sao Khánh Hòa có thể kết nối để tạo nên một bộ phim “phi thường” như thế? Trường Sa là tình yêu lớn nhất, sâu sắc nhất trong cuộc đời Khánh Hòa và có lẽ với nhiều người cũng là như thế nên khi đưa ra ý tưởng, Khánh Hòa đã nhận được đồng cảm, giúp đỡ của rất nhiều người, điều đó khiến tôi thấy mình “giàu có” về tình cảm, khiến mình vô cùng tự hào và biết ơn. Với âm nhạc, với cuộc đời, Khánh Hòa cho rằng cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại!
- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!