Nghề 'spa' cho những chiếc đồng hồ tiền tỷ
Cứ theo định kỳ, những chiếc đồng hồ tiền tỷ như Patek Philippe, Omega hay Rolex vàng khối, lại được chủ nhân đưa đi bảo dưỡng ở những trung tâm uy tín, có thợ lành nghề.
Trên phố Khâm Thiên, thành phố Hà Nội, nếu chú ý người ta có thể tìm thấy một cửa hàng đặc biệt dành riêng cho việc chăm sóc và "spa" những đồng hồ cho giới thượng lưu. Ở đây họ "spa" những chiếc đồng hồ tiền tỷ như Patek Philippe, Omega hay Rolex vàng khối…Cửa hàng này do anh Nguyễn Anh Tuấn, 40 tuổi làm chủ.
Nghề "Spa" cho đồng hồ… tiền tỷ
Theo anh Tuấn, nhu cầu về "spa" và bảo dưỡng đồng hồ luxury những năm gần đây đã tăng đáng kể, do tay nghề của những người thợ Việt Nam đã nắm bắt kĩ thuật và giỏi hơn trước rất nhiều, vì vậy khách hàng đã tìm đến những cửa hàng uy tín để giao tài sản giá trị cao cho những người thợ lành nghề.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, cửa hàng của anh Tuấn đã áp đặt quy trình thực hiện các phương án sửa chữa và khắc phục một cách vô cùng tỉ mỉ. Anh cho biết việc chăm sóc và bảo quản những chiếc đồ đắt tiền này phải cực kỳ cẩn thận để tránh hỏng hoặc trầy xước.
Để đảm bảo rằng những chiếc đồng hồ của khách luôn được bền, đẹp, ngoài việc học tập sửa chữa chính quy, anh Tuấn còn dành nhiều thời gian tìm hiểu cách vệ sinh thông qua các video hướng dẫn nước ngoài và đọc tài liệu từ các nhà sản xuất để nắm vững quy trình tháo lắp và bảo dưỡng chuẩn.
Ngoài những máy móc của Việt Nam, anh đặt mua thêm những dụng cụ sửa chữa từ nước ngoài, có giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng, và bắt đầu tự mình chăm sóc cho những chiếc đồng hồ của khách.
Ban đầu, việc tự mình "spa" đồng hồ khá khó khăn, vì mỗi chiếc đồng hồ có hàng trăm hoặc hàng nghìn chi tiết khác nhau, yêu cầu người thực hiện phải nhớ từng vị trí và cách sắp xếp để tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau nhiều lần thực hiện, anh Tuấn đã trở nên thành thạo và tự mình vệ sinh đồng hồ khi khách hàng tìm đến.
Quy trình bảo dưỡng của cửa hàng bao gồm các bước: Tiếp nhận - Thẩm định - Tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa và làm đẹp cho đồng hồ. Sau đó, tháo rời các bộ phận bên ngoài như dây đeo, vỏ và nắp đáy của đồng hồ cùng với các chi tiết bên trong để làm sạch. Riêng về các sản phẩm bị xước sâu, anh phải đánh bóng mạnh, làm phẳng và sục rửa bề mặt. Tiếp theo là giai đoạn sấy khô, lắp ráp và lau sạch bằng dầu.
Sau khi máy được lắp, đồng hồ sẽ được kiểm tra và loại bỏ từ trường để đảm bảo hoạt động ổn định hơn. Bước tiếp theo là điều chỉnh chức năng đồng hồ và kiểm tra tính năng chống nước. Cuối cùng, đồng hồ được kiểm tra về khả năng tích năng và trữ cót trước khi trả lại cho khách hàng.
"Mỗi chiếc đồng hồ khi sửa chữa đều qua quá trình kiểm tra rất là ngặt nghèo rồi trả về đến tay khách hàng. Đối với những đồng hồ cần thay linh kiện chi tiết đều phải báo trước với khách hàng, còn đa phần với những đồng hồ hàng hiệu như thế này ở mức bình thường chỉ cần lau, bảo dưỡng. Mình phải làm cực kì cẩn thận, bởi vì chỉ cần sơ xuất nhỏ thì cũng phải đền vài chục triệu", anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, công việc khó nhất và tốn nhiều thời gian nhất là với những sản phẩm có vết xước sâu trên bề mặt. Đối với những trường hợp này, anh Tuấn cùng nhân viên phải lên các phương án "bù đắp chỗ hổng" bằng cách sử dụng các chất liệu tương đương để đảm bảo rằng sau khi spa, đồng hồ vẫn giữ nguyên dáng vẻ như mới. "Với trường hợp này chúng tôi sẽ lên phương án khắc phục, nhưng đảm bảo sau khi spa, thẩm mỹ, đồng hồ giữ nguyên dáng vẻ như mới. Đảm bảo đẹp, khó tìm lại lỗi".
Những đôi bàn tay kỳ diệu và lành nghề
Sau hơn 3 năm hoạt động, cửa hàng của Anh Tuấn đã thu hút một lượng lớn khách hàng định kỳ. Một đồn mười, mười đồn trăm, nghe tiếng cửa hàng của anh sửa chữa tốt, khách hàng gần như tự tìm đến và tự liên hệ. Anh cho biết mình cũng không quảng cáo hay phải giới thiệu gì.
Khách hàng đến hay gửi đồng hồ về cửa hàng anh ở trên toàn quốc, có người gần thì mang qua nhưng cũng có không ít đồng hồ được gửi theo đường chuyển phát. Trung bình mỗi tháng, anh nhận khoảng 100 chiếc dòng luxury, còn tính tổng các dòng khác thì khoảng 1.000 chiếc. Doanh thu vào lúc cao điểm có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Theo anh, những người thợ phụ khi tuyển anh cũng đòi hỏi kinh nghiệm cực kì cao và tay nghề phải thật chuẩn thì mới đảm bảo được. Nếu người thợ mà không có kinh nghiệm thì khi làm dễ gãy hỏng chi tiết ở trong máy làm để lại những vết trong máy thì mất đi giá trị của đồng hồ.
"Công việc khó nhất là việc lắp ráp để các bộ phận và chi tiết máy trong đồng hồ khớp với nhau sau khi đã thêm vàng, kim cương hoặc thay đổi mặt đồng hồ. Một sản phẩm hoàn thiện phải được lắp ráp chặt chẽ, đảm bảo các thông số kỹ thuật về máy móc, độ kháng nước và khử từ đạt chuẩn", anh cho biết.
Anh Tuấn chia sẻ thêm, tùy vào tình trạng của đồng hồ, nếu như đồng hồ chỉ lau dầu bảo dưỡng làm trong 1 ngày có thể xong, còn những chiếc cần phải thay thế linh kiện phải đặt ở nước ngoài về có khi mất khoảng 2 tháng, có chiếc mất 3 tháng. Tuy nhiên từ khi vào nghề anh chưa bao giờ phải chịu "bó tay" trước một trường hợp nào.
Là một khách hàng thường xuyên tại cửa hàng, anh Lê Văn Đức, quận Thanh Xuân thường đem đồng hồ Thụy Sĩ của mình đến "spa" định kỳ. Theo anh, giá vệ sinh bảo dưỡng đồng hồ thường dao động từ vài trăm nghìn đồng, và trong trường hợp cần sửa lỗi xước sâu, chi phí có thể lên đến vài triệu đồng.
Anh cho biết, "Nhưng tôi thấy đáng bởi sau mỗi lần vệ sinh, đồng hồ lại trở nên như mới, độ bền của nó cũng được nâng cao nhờ được các kỹ thuật viên kiểm tra chi tiết máy, độ kháng nước tỉ mỉ".
Song hành với việc "spa" đồng hồ, anh Tuấn cho biết mình sẽ tiếp tục trau dồi kinh nghiệm và nâng cao tay nghề của mình hơn nữa, "Chúng tôi tự hào về việc đảm bảo rằng mỗi chiếc đồng hồ không chỉ giữ thời gian chính xác mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt trên tay của chủ nhân".