Nghe sử thi 'thần Ngà Voi' giữa đại ngàn Chư Mom Ray

Trời Tây Nguyên xanh thẳm. Xa khuất tầm mắt là những cánh rừng cao su. Dưới bóng mát của cây xoài cổ thụ bên hiên nhà rông, già làng A BLong ở làng Le, xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) rì rầm kể cho chúng tôi nghe sử thi 'thần Ngà Voi'-câu chuyện cổ xưa của đồng bào Rơ Măm-vị thần linh có vị trí bậc nhất gắn với đời sống bao thế hệ người dân ở dải đất biên cương phía tây nam của huyện Sa Thầy.

Già làng trong lòng người dân Rơ Măm

Mới đây, có người hỏi tôi rằng, gần 20 năm làm báo bạn nhớ nhất điều gì? Tôi đã không phải suy nghĩ nhiều mà trả lời rằng: "Nhớ nhất con đường vào làng Le ở xã Mô Rai, một xã nằm giữa đại ngàn Chư Mom Ray, Tây Nguyên. Có bao cung đường đã đi, qua bao miền quê trên dải đất nước, mà đường đến làng Le cứ mãi ám ảnh trong tâm trí tôi". Nhớ buổi chiều mưa như trút, đứng trú bên Khu di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chúng tôi hỏi anh lái taxi con đường đi nối giữa huyện Ngọc Hồi tới xã Mô Rai của huyện Sa Thầy. Đặt vấn đề thuê anh chở đi, anh từ chối, là vì thời điểm đó đường từ huyện Sa Thầy tới xã Mô Rai đang bị sạt lở nghiêm trọng, không đi lại được; còn bảo chở đi đường từ Ngọc Hồi sang Mô Rai thì... chịu, chưa có xe taxi nào dám chạy. Anh lái taxi sẵn lòng mở điện thoại tìm giúp số các tuyến xe khách nhưng cũng chẳng có xe nào chạy cả. Cuối cùng, chúng tôi cũng được cho mượn chiếc xe máy kèm lời cổ vũ: "Đi con đường này là nối bước bộ đội Trường Sơn xưa kia chinh phục đường 14C anh hùng đấy!".

Anh bạn đồng nghiệp hét vang: “Sống rồi!” khi bỏ lại cánh rừng phía sau để lẫn vào những tia nắng đầu chiều chói rạng trước biển chỉ đường tới xã Mô Rai. Gần 3 giờ đồng hồ cầm lái vượt qua hơn 40km, anh “xế” phờ phạc mặt vì căng thẳng với chặng đường khúc khuỷu, những con dốc dựng đứng, mặt đường lổn nhổn đá, có đoạn đá to như mũ cối phải xuống đẩy xe. Trời lúc tạnh, lúc mưa rừng xối xả; thi thoảng xuất hiện những người chạy xe gắn máy, lưng đeo gùi lủng lẳng cây xanh từ những nhánh đường mòn của dải rừng Chư Mom Ray (sau này hỏi,tôi mới biết họ đi “săn” cây sâm Ngọc Linh-loại sâm quý hiếm được ví như di sản của đại ngàn Tây Nguyên).

 Già làng A BLong trong ngôi nhà rông cùng chiếc trống truyền thống của đồng bào Rơ Măm.

Già làng A BLong trong ngôi nhà rông cùng chiếc trống truyền thống của đồng bào Rơ Măm.

Đường dẫn tới làng Le dễ đi hơn chút, một số đoạn được trải bê tông bởi Công ty 78 (Binh đoàn 15) đóng quân trên địa bàn. Được cán bộ Đồn Biên phòng Ia Lân giới thiệu, chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai Rơ Chăm Huệ, ông dẫn đi thăm quanh làng. Những nóc nhà rông cải tiến lợp tôn của đồng bào Rơ Măm khang trang; một số nhà bên khu chăn nuôi có cả chục con trâu, lợn; có nhà gà, vịt đếm không xuể... Đứng trước cổng ngôi nhà mang đậm nét truyền thống của đồng bào Rơ Măm, ông Rơ Chăm Huệ nói: "Tới làng Le mà chưa gặp già làng A BLong là chưa về được đâu". Trong sân có người phụ nữ đang địu trẻ nhỏ sau lưng ngồi dệt vải, ông Rơ Chăm Huệ gọi: "I Nuôi, có A BLong ở nhà không?"- "Trưởng thôn A Thái vừa gọi già A BLong đi sang nhà có người mới chết rồi, vào đây đợi đi, bà I Nuôi đáp lời rồi xởi lởi mời khách. Bí thư Rơ Chăm Huệ chỉ vào khung dệt vải nói: "Truyền thống dệt vải của người Rơ Măm được già làng A BLong mày mò phục dựng từ năm 2017, rồi hướng dẫn bà I Nuôi-vợ của già và các con gái, con dâu dệt may trang phục. Nay phụ nữ trong làng theo làm, cứ lễ hội hay lễ tết, người già, người trẻ, trai, gái ai cũng mặc trang phục truyền thống múa hát, đánh cồng, đánh chiêng tưng bừng, phấn khởi lắm!".

Trong lúc chờ, Bí thư Đảng ủy xã Rơ Chăm Huệ giọng chầm chậm kể: "Với người Rơ Măm, A BLong là “già làng trong lòng dân” vì đã giúp cộng đồng dân tộc Rơ Măm nhận thức rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong phát triển kinh tế, gia đình già có gần 4ha cao su đang cho khai thác mủ, hơn 3.000m2 ruộng lúa nước, ao nuôi cá, chăn nuôi đàn trâu cùng nhiều gia cầm. Là thầy giáo về hưu, già A BLong lúc nào cũng đau đáu chuyện học hành của thế hệ trẻ. Chính già là người đã dạy nói, dạy chữ phổ thông cho bà con đồng bào Rơ Măm từ trước những năm 1975; rồi nhiều chục năm nay xây dựng tinh thần hiếu học, vận động con em trong làng học lên cao đẳng rồi cả đại học. Nhiều người đã trở về làng làm giáo viên, làm công chức, nhân viên ở Công ty 78; hướng dẫn người dân xóa bỏ hủ tục, phục dựng và bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống, viết quy ước, hương ước cho dân làng theo nếp sống mới...".

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai, uy tín cùng sự kiên trì vận động, phân tích đúng, sai của già A BLong, người Rơ Măm ở biên giới Mô Rai giờ đã hạn chế được tình trạng tảo hôn và loại bỏ hôn nhân cận huyết thống; duy trì được một số lễ hội độc đáo như: Lễ mở kho lúa, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới... Điều đáng quý, nhờ vào công sức của già A BLong, dù chỉ chưa tròn 150 hộ với gần 500 khẩu cư trú gọn trong làng Le, song người Rơ Măm còn lưu giữ được 34 bộ cồng, chiêng để sử dụng trong các dịp lễ hội.

Có tiếng lạch cạch ngoài cổng, bà I Nuôi bảo: "Già về đó". Dắt chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, mặc trên mình quân phục và chiếc mũ đã bạc màu, già A BLong kể luôn chuyện: "Cái nhà có người chết, nó đòi giết hai con trâu để làm lễ cúng, chuẩn bị hết soong nồi để mang ra mộ chia chôn theo. Tôi với Trưởng thôn A Thái vừa sang để khuyên can, nó nghe lời rồi, cam kết không giết trâu chia của nữa!"-"Thế là tốt rồi", Bí thư Đảng ủy xã Rơ Chăm Huệ phấn khởi bắt tay già làng A BLong rồi giới thiệu với chúng tôi.

Theo “thần Ngà Voi” giúp dân

A BLong sinh năm 1955 ở làng Le, ngày đó chỉ có khoảng 30-40 hộ dân đồng bào Rơ Măm (một trong 5 dân tộc dưới 1.000 người, gồm: Brâu, Pu Péo, Si La, Ơ Đu) sinh sống rải rác dọc núi rừng Chư Mom Ray. Với vị trí đặc biệt quan trọng ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là căn cứ kháng chiến kiên cường của quân và dân đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thuở còn niên thiếu, A BLong đi theo bộ đội làm cách mạng rồi xung phong nhập ngũ, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến năm 1973, A BLong rời quân ngũ, học chuyên ngành sư phạm rồi trở thành thầy giáo, dạy văn hóa cho đồng bào các dân tộc ở xã Mô Rai. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy giáo A BLong tiếp tục giảng dạy, trở thành Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Ray) nhiều năm cho đến khi nghỉ hưu, rồi đảm đương chức vị già làng.

Cũng như các dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên, tinh hoa văn hóa của dân tộc Rơ Măm được hội tụ và thể hiện sinh động nhất trong các lễ hội truyền thống, gắn với tâm linh và thực tế cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đấng tối cao của người Rơ Măm là Yàng Plút, tức là “thần Ngà Voi”, vị thần được người dân tin mang đến ấm no, hạnh phúc cho người Rơ Măm. Theo truyền thuyết, Yàng Plút hóa thân vào phiến đá thô mộc màu nâu xám, ở phía đầu mỏm có hình chiếc ngà voi nhô lên. “Theo quan niệm của người Rơ Măm, vạn vật hữu linh, mọi thứ trên đời rồi sẽ tan biến, duy chỉ có ngà voi là trường tồn với thời gian. Trong đời sống thực tại, voi không chỉ là loài vật hiền lành mà còn có sức mạnh hơn muôn loài. Do đó, họ tin rằng Yàng Plút sẽ là vị thần mạnh nhất, có thể bảo vệ, phù hộ cho họ. "Tôi chỉ biết học theo thần mà hướng dẫn bà con sống tốt và vươn lên”, già làng A BLong nói.

Cách để người dân tin, nghe và làm theo mình, già bảo, phải gương mẫu trước. Như muốn vận động các gia đình cho con cái đi học, mình phải chỉ dạy con mình học tốt, học hết cấp nọ lên cấp kia (con gái già A BLong đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế). Rồi hướng dẫn người dân đừng đi vào rừng đốt rẫy nữa, chịu khó học trồng lúa nước, quanh năm có lúa gạo ăn; nhà ai có cưới xin hay tang ma thì không được giết nhiều trâu, lợn để làm cỗ...

Cũng theo lời già A BLong, cộng đồng dân tộc Rơ Măm phát triển được như ngày nay là nhờ người dân trong làng luôn một lòng với Đảng và học theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, tất cả người dân đều đã có điện và nước sạch để dùng; các gia đình ít thì 1-2ha cao su, nhiều thì cả chục héc-ta; nhiều gia đình khá giả hơn còn sắm xe công nông, xe tải phục vụ lao động sản xuất; mọi người luôn sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Đặc biệt hơn, nghe theo lời già A BLong, các nhà đặt bàn thờ tổ tiên và trong mỗi nhà đều treo ảnh Bác Hồ để bày tỏ lòng biết ơn.

Già A BLong từng được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017. Những ngày cuối năm 2020, già làng A BLong vinh dự là một trong số 25 đại biểu của tỉnh Kon Tum tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, tổ chức tại Hà Nội.

Nhìn về phía đại ngàn Chư Mom Ray, già A BLong thầm hy vọng các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm và thực hiện lời hứa từ hơn 10 năm trước, là đổ nhựa con đường 14C nối xã Mô Ray với huyện Ngọc Hồi. Để ngoài con đường tỉnh lộ 674 nối TP Kon Tum đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Thầy, người dân các dân tộc xã Mô Rai, trong đó có đồng bào Rơ Măm bớt biệt lập, có thêm con đường giao thương, đi lại thuận lợi để cùng chung sức với đồng bào các dân tộc trên địa bàn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/nghe-su-thi-than-nga-voi-giua-dai-ngan-chu-mom-ray-654237