Nghệ sỹ quảng cáo thực phẩm chức năng mà không sử dụng có phải hành vi lừa dối

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: 'Người nổi tiếng chưa dùng thuốc, thực phẩm chức năng, nhưng lại quảng cáo đã uống khỏi bệnh, ví như 'thần dược' là lừa dối khán giả, phản bội người hâm mộ, là hành vi vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật'.

Việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật hoặc “thổi phồng” công dụng của sản phẩm... đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Không ít người tiêu dùng vì tin quảng cáo mua sản phẩm, nên “tiền mất, tật mang”, còn nghệ sỹ chỉ biết đưa ra lời xin lỗi.

“Việc các nghệ sỹ ký hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sỹ. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, nghệ sỹ cần tìm hiểu các quy định pháp luật. Trường hợp nghệ sỹ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định Luật Quảng cáo, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo ý kiến của nhiều luật sư, nghệ sỹ, người nổi tiếng quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống, cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan truyền thông, có bộ phận hỗ trợ pháp lý để kiểm tra, rà soát điều kiện quảng cáo. Nếu nghệ sỹ quảng cáo trên trang mạng xã hội, trang cá nhân, nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với nội dung quảng cáo.

Luật Quảng cáo năm 2021, sửa đổi bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: Không phải sản phẩm, hoàng hóa, dịch vụ nào cũng được phép quảng cáo. Pháp luật quy định những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo; quy định các hành vi bị cấm trong việc quảng cáo; điều kiện để thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng, những hàng hóa kinh doanh có điều kiện khác. Khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được áp dụng theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trong đó khoản 5, Điều 51 Nghị định quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.

Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này; Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

Từ ngày 1/6, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật hay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo Điều 50, Nghị định số 38, hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thuốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cần phạt thật nặng một vài nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật để có tính răn đe, phải có chế tài cụ thể cho những hành vi đó. Người đứng ra quảng cáo sai cũng phải chịu trách nhiệm.

“Vấn đề bức thiết là phải luật hóa các quy định, các chế tài xử lý cụ thể. Đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quảng cáo. Người nổi tiếng dùng uy tín cá nhân quảng cáo như một thương hiệu nên đóng vai trò quan trọng, nghiêm trọng hơn việc người bình thường quảng cáo sai. Trách nhiệm hiện đang quy vào đơn vị kiểm duyệt và phát quảng cáo, chứ người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo thì lại không bị xử lý”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết. Nói về trách nhiệm của những nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook gián tiếp tiếp tay lan truyền cho các quảng cáo sai sự thật, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh: Cách giải quyết tốt nhất vẫn là phải có những quy định rõ ràng trong Luật Quảng cáo.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghe-sy-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-ma-khong-su-dung-co-phai-hanh-vi-lua-doi-20210606144934954.htm