Nghệ sỹ vi phạm quy tắc ứng xử sẽ bị hạn chế biểu diễn, phát sóng?
Chính phủ cho biết, các bộ liên quan xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng và sử dụng hình ảnh…
Nội dung này được thể hiện trong Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, được Chính phủ tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xử lý vi phạm quy tắc ứng xử
Cử tri phản ánh, thời gian qua, hiện tượng những người nổi tiếng như: diễn viên, ca sỹ hoặc mạo danh bác sĩ quân y về hưu... tham gia quảng cáo, bán các loại thuốc tây, thuốc nam, thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội nhưng chất lượng không giống như quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, còn đối tượng lừa đảo thì thu lợi trái phép hàng tỷ đồng gây bức xúc, hoang mang cho người dân.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Liên quan quản lý hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội, báo cáo cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác định chủ thể, hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kịp thời xử lý; ngăn chặn, xử lý website quảng cáo thực phẩm, bảo vệ sức khỏe vi phạm.
Cùng với đó yêu cầu cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm; triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của mình; có thỏa thuận với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện
Tổ chức họp và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ mạng lưới quảng cáo tại Việt Nam, yêu cầu cam kết bằng văn bản và có giải pháp không để tái diễn tình trạng đăng, phát quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng lưới quảng cáo của mình; yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội của các nền tảng này; kiểm soát chặt chẽ đối với việc thực hiện nghiêm túc Giấy phép sản xuất kênh truyền hình, kênh phát thanh...
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử (phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục) theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội).
Nghiên cứu lập đơn vị mua sắm chuyên nghiệp cho y tế
Để nhân viên ngành y tế dồn tâm lực trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế những sai sót trong mua sắm, không phù hợp với ngành nghề chính được đào tạo, cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, không chỉ cho ngành y tế mà còn cho tất cả các ngành tham gia chống dịch.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, thang bảng lương riêng đối với đội ngũ cán bộ y tế, phù hợp với quá trình đào tạo nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức y tế, tránh thất thoát nguồn lực và thu hút nhân tài cho ngành.
Làm rõ vấn đề này, Chính phủ cho biết, mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có thể có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện.
Tuy nhiên, việc giao cho đơn vị chuyên môn mua sắm thực hiện mua sắm tập trung cũng có những khó khăn, hạn chế như phải cần thời gian để xây dựng năng lực của đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc cần nhiều thời gian trong khi mỗi đơn vị sử dụng có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa khác nhau, nhất là khi dịch bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp nếu không khẩn trương mua sắm sẽ không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.
Hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, tại một số địa phương đã hình thành đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, thuốc generic, vật tư, trang thiết bị y tế, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, nhưng cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp, qua đó thúc đẩy việc thành lập các đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp trung ương và cấp địa phương; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện./.