Nghề thêm thu nhập nơi cửa biển, cụ già cũng có thể làm được
Nghề đục hàu tuy không cần kỹ thuật, không đòi hỏi sự khéo léo nhưng cần sự nhẫn nại, chịu khó của người làm. Mỗi ngày, một người đục hàu thuê có thể nhận được 200 nghìn đồng, góp thêm phục vụ cuộc sống.

Xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có hàng chục hộ nuôi hàu sữa tự nhiên trên sông bằng bè mảng, bãi cọc. Thời điểm thu hoạch, các cơ sở nuôi thuê nhân công đục hàu lấy ruột, tạo công ăn việc làm cho nhiều người phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương.

Hàng ngày, tại các cơ sở nuôi hàu ở xã An Hòa luôn có từ 10-15 người đục hàu thuê kiếm sống. Tuy thu nhập từ việc đục hàu không cao nhưng giúp người dân nơi đây kiếm thêm thu nhập, phục vụ cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Danh (61 tuổi, trú xã An Hòa) cho hay, nghề đục hàu đến với bà từ thuở còn con gái. Ngày trước, bà thường theo người dân trong xã ra các bãi đá ngầm nơi cửa biển để đục, đẽo hàu tự nhiên. Những năm gần đây, tuổi cao sức yếu, nghề nuôi hàu phát triển mạnh nên bà Danh theo mọi người đến các cơ sở nuôi đục hàu thuê.

Bà Danh cho biết, nghề đục hàu không đòi hỏi kỹ thuật khéo léo nhưng cần sự nhẫn nại, chịu khó. "Trước đi đục hàu ở bãi đá tự nhiên thì nguy hiểm vì thủy triều lên xuống thất thường, đá trơn trượt dễ ngã xuống biển. Giờ ngồi một chỗ thì chỉ cần chịu khó. Ngồi thời gian dài cũng đau lưng lắm", bà Danh nói và cho biết, mỗi kg hàu thành phẩm bà được trả 30 nghìn đồng. Một ngày, bà có thể kiếm được từ 150 đến 200 nghìn đồng từ việc đục hàu thuê.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương (trú xã An Hòa) cho biết, hàu sữa thường được các hộ nuôi thu hoạch từ đầu năm đến giữa tháng 4. Hàu nuôi theo tự nhiên nên kích thước nhỏ. Chính vì thế những con hàu này không bán được theo con mà phải tách vỏ lấy ruột để bán theo kg. "Kích thước nhỏ nhưng là hàu tự nhiên nên vị ngon, thơm, ngọt. Nhiều người tìm mua loại hàu này nên đục đến đâu bán hết đến đó", bà Nương nói.

Mỗi ngày, bà Nương thuê 10 người đến thu hoạch và đục hàu. Vỏ hàu cứng nên mỗi ngày cơ sở của bà Nương chỉ tách được khoảng 40-50kg hàu ruột để bán. Một số sẽ được bán lẻ, số còn lại được các cơ sở, nhà hàng mua về chế biến phục vụ thực khách.


Tuy thu nhập ít nhưng đổi lại, nghề đục hàu không khó, không phải đi xa nên luôn thu hút đông đảo những người phụ nữ trong xã theo làm.

Nhiều cụ già cũng tranh thủ những thời gian nhàn rỗi đến cơ sở nuôi hàu để đục hàu thuê kiếm tiền.

Dụng cụ tách hàu là những chiếc búa có 2 đầu nhọn và dẹt.

Dưới những nhát búa cứng, vỏ hàu được tách đôi, lộ ra ruột hàu sữa mềm mại.

"Nói không cần kỹ thuật nhưng cũng cần chút khéo léo để tách vỏ hàu. Nếu đập mạnh quá, vỏ hàu bị nát thì ruột hàu cũng hỏng. Lúc đó không bán được", chị Trần Thị Lan (trú xã An Hòa) nói và cho hay, vỏ hàu cứng như đá và khá sắc nên khi đục hàu mọi người đều phải đeo nhiều lớp găng tay để bảo vệ mình.

Mỗi ngày, một người có thể đục được từ 5-6kg hàu ruột. Nhiều người trẻ tuổi nhanh nhẹn có thể đục được từ 6-8kg và được trả công từ 200-250 nghìn đồng. "Giờ già rồi không làm được gì nữa thì đi đục hàu thuê. Ngày kiếm ít chục nghìn, ít trăm nghìn góp thêm vào cuộc sống vậy", bà Nguyễn Thị Lương (72 tuổi, trú xã An Hòa) nói.

Ruột hàu sữa mềm, nhiều chất dinh dưỡng được bán với giá từ 100-120 nghìn đồng/1kg. Hàu sữa có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng nên luôn được các nhà hàng, quán ăn tìm mua về chế biến phục vụ du khách.