Nghệ thuật biểu diễn lo mất người, mất khán giả
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhà hát công lập trong 6 tháng cuối năm nhằm góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ giữa lúc những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 buộc ngành biểu diễn nghệ thuật phải tắt đèn.
Hai sự kiện vừa diễn ra thu hút sự quan tâm của nghệ sĩ cả nước là buổi tọa đàm trực tuyến do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức (ngày 25-5) và buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các cục, vụ chức năng có liên quan với 12 nhà hát thuộc bộ (ngày 27-5). Hai buổi làm việc này đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ, hứa hẹn tìm lối ra cho hoạt động biểu diễn.
Bài toán giữ người
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 buộc ngành biểu diễn nghệ thuật phải tắt đèn, rất nhiều nghệ sĩ từ đơn vị công lập bày tỏ nỗi lo "kép": Mất khán giả và bỏ nghề.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ nghệ thuật xiếc có đặc thù đào tạo từ nhỏ. Tuổi nghề rất ngắn, nữ chỉ làm việc đến 40 và nam thì 45 tuổi. "Là lãnh đạo, chúng tôi không thể "vắt chanh bỏ vỏ" khi để các nghệ sĩ không còn khả năng biểu diễn nghỉ việc. Thế nhưng, diễn viên trẻ là lực lượng biểu diễn nòng cốt, họ phải "nuôi" những người không thể làm việc. Liên đoàn hiện có 190 cán bộ, nghệ sĩ, trong đó 70 người thuộc diện hợp đồng, phần lớn là nghệ sĩ trẻ. Liên đoàn rất muốn giữ chân các em và mong được ký hợp đồng dài hạn, đưa vào biên chế, đóng bảo hiểm xã hội nhưng kiểm toán lại không đồng ý và chỉ cho ký hợp đồng thời vụ" - NSND Tạ Duy Ánh nói.
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, tâm sự bà có 42 năm làm nghề nhưng cũng chưa đến 10 triệu đồng/tháng lương dù là NSND. Thử hỏi các diễn viên trẻ ở diện hợp đồng vài ba triệu làm sao đủ sống. "Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều nghệ sĩ tài năng bỏ nghề. Bài toán giữ người hiện nay vô cùng khó" - NSND Thanh Ngoan bộc bạch.
Tương tự, NSND Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho rằng cần sớm có chế độ hỗ trợ để không bị chảy máu chất xám, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng (hát bội), chèo, cải lương. "Nhà hát Tuồng Việt Nam có nhiều NSƯT cũng đã phải bỏ việc để ra bên ngoài bươn chải. Không có lương, nghệ sĩ không thể sống bằng niềm tin" - ông Tuấn tâm sự. Ngoài ra, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam còn thiệt thòi khi chỉ tốt nghiệp trung cấp, không có hệ đào tạo đại học, nên biện pháp tăng lương theo cấp bậc đào tạo rất khó.
Tồn tại, phát triển với tầm nhìn lâu dài
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cũng thẳng thắn cho rằng: "Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lỗi thời. Mức 200.000 đồng/buổi diễn áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, chỉ đạo nghệ thuật là quá thấp".
Sau 2 năm "ngắc ngoải" bởi dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ nhận định, chiến dịch quảng bá tác phẩm là cần thiết nhưng điều cấp thiết tại thời điểm này là phải tìm được cách giữ nguồn nhân lực. Việc tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay vô cùng khó. Qua những ý kiến tâm huyết của hai buổi gặp gỡ và tọa đàm, hàng loạt khó khăn của ngành đã dần lộ diện. Những bất cập chế độ, chính sách đặc thù đã khiến lãnh đạo các nhà hát như ngồi trên lửa.
Các nghệ sĩ đã kiến nghị kết nối giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành du lịch; đầu tư xây dựng nhà hát cho các đơn vị chưa có nhà hát để diễn; đầu tư có trọng điểm các vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc; đưa ra đề án quảng bá nghệ thuật với khán giả, chú trọng tới lớp khán giả trẻ và chương trình biểu diễn phục vụ các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết việc tự chủ đối với các nhà hát công lập hiện nay đúng là vô cùng nan giải. Ngay trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021-2022, lãnh đạo bộ sẽ nghiên cứu kế hoạch đặt hàng cho các đơn vị một cách cụ thể và sát với tình hình thực tế. Để giải quyết những khó khăn bởi tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, bộ cũng sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhà hát trong 6 tháng cuối năm nhằm góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ.
Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện "Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở trung ương". Càng sớm kiện toàn lại bộ máy, điều chỉnh, đề xuất những cơ chế phù hợp với thực tế sẽ giúp ngành nghệ thuật biểu diễn tồn tại và phát triển với tầm nhìn lâu dài.
Sớm khắc phục những bất cập
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ sẽ thành lập tổ nghiên cứu, rà soát mô hình phát triển của từng nhà hát theo hướng tinh gọn, tăng thẩm quyền cho ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật. Tổ công tác thứ hai sẽ cùng với các nhà hát rà soát lại các chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng để làm sao cân đối nhu cầu theo từng đơn vị, chấm dứt phân chia chỉ tiêu theo kiểu "cào bằng".
Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, qua đó sớm khắc phục những bất cập này. Theo Bộ trưởng, trước mắt để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập.