Nghệ thuật biểu diễn trước ngưỡng cửa mới

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc (thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận cũ). Với đầy đủ các loại hình biểu diễn nghệ thuật từ truyền thống đến đương đại, cùng lực lượng nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công… đông đảo sẽ mở ra những triển vọng mới cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đơn vị.

Nhanh chóng hòa nhịp

Tối 10-7, tại lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa, ca sĩ Nguyễn Trí Thức cùng các ca sĩ, diễn viên thuộc Đoàn Ca múa nhạc dân tộc (cũ) đã tham gia biểu diễn với những đồng nghiệp mới. Khán giả theo dõi các tiết mục trong chương trình gần như không thấy sự “lạc nhịp” giữa các thành viên tham gia biểu diễn. Không những thế, với các tiết mục mang màu sắc văn hóa Chăm, khán giả còn cảm thấy sinh động với những ấn tượng đẹp. “Tuy mới ra đây nhận nhiệm vụ được hơn một tuần, nhưng chúng tôi đã tham gia tập luyện cùng các đồng nghiệp mới trong đơn vị. Qua thời gian ngắn tiếp xúc, làm việc, mỗi người đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo cơ quan, anh chị em đồng nghiệp. Với chương trình “mở hàng” của đơn vị mới, chúng tôi rất vui khi được góp phần mình vào thành công chung” - ca sĩ Nguyễn Trí Thức cho biết.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn trong chương trình nghệ thuật diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn trong chương trình nghệ thuật diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Với gần 30 năm tuổi nghề và đã trải qua một số vị trí quản lý ở đơn vị cũ, nhưng sau khi sáp nhập, ca sĩ Nguyễn Trí Thức đã nhanh chóng thu xếp đời sống cá nhân tại địa điểm mới, gác lại những mối băn khoăn riêng tư để tập trung vào công việc chuyên môn. Đây cũng là tâm thế và suy nghĩ chung của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công như ca sĩ Nguyễn Trí Thức. Một điều thuận lợi khiến những người như anh cảm thấy ấm lòng đó chính là tình cảm, sự đoàn kết, sẻ chia trong cuộc sống, sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong công việc của những đồng nghiệp mới. Điều quan tâm lớn nhất của anh, cũng như toàn thể nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đó là được tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động với quy mô, địa điểm khác nhau để vừa được làm nghề mình yêu thích, theo đuổi, vừa có thu nhập lo cho cuộc sống bản thân, gia đình.

Đa dạng hoạt động biểu diễn

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống hiện được giao 147 biên chế, trong đó có gần 100 người tham gia trực tiếp vào công việc biểu diễn nghệ thuật, số còn lại thuộc bộ phận hành chính, kỹ thuật… Về chuyên môn, đơn vị có nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, ca nhạc nhẹ, ca nhạc dân tộc. Với số lượng nhân sự và loại hình nghệ thuật như trên sẽ giúp cho đơn vị giải quyết được bài toán thiếu hụt lực lượng khi dàn dựng những chương trình, tiết mục mới. Sự đa dạng các loại hình nghệ thuật cũng sẽ là lợi thế lớn để đơn vị chủ động trong việc cân đối, hài hòa giữa các tiết mục truyền thống với đương đại, “xoay tour” khi đi lưu diễn. Theo ông Nguyễn Ái Quốc - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, đơn vị có chức năng xây dựng chương trình nghệ thuật, tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và hoạt động biểu diễn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật của nhân dân. Thông qua hoạt động chuyên môn, nhà hát còn góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Đơn vị còn có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn trong chương trình nghệ thuật diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống biểu diễn trong chương trình nghệ thuật diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Với không gian địa lý mới của tỉnh đã mang lại nhiều điều kiện hơn trong việc tổ chức hoạt động biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, đơn vị sẽ có thêm cơ hội để giới thiệu các loại hình nghệ thuật khác nhau đến người dân ở những vùng, miền khác nhau trong tỉnh. Chẳng hạn, các đoàn nghệ thuật tuồng, dân ca kịch bài chòi sẽ đến biểu diễn ở những xã, phường khu vực nam Khánh Hòa; đưa các chương trình, tiết mục nghệ thuật Chăm, Raglai biểu diễn phục vụ nhân dân các địa phương khu vực bắc Khánh Hòa. “Từ nay, khi xây dựng các chương trình nghệ thuật mới, đơn vị sẽ cân đối hài hòa, đầy đủ các loại hình nghệ thuật. Hoạt động biểu diễn, từ chương trình nghệ thuật đường phố đến các chương trình, sự kiện lớn cũng sẽ cố gắng có đầy đủ các màu sắc, loại hình khác nhau. Hoạt động lưu diễn sẽ được diễn ra dài ngày hơn và có sự luân phiên giữa các loại hình nghệ thuật của đơn vị để người dân được thưởng thức nhiều tiết mục, chương trình mới, hấp dẫn” - ông Nguyễn Ái Quốc cho biết.

Ông LÊ VĂN HOA - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Việc thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống trên nền tảng 3 đơn vị nghệ thuật đã mang đến sức mạnh tổng hợp trong hoạt động chuyên môn của đơn vị. Lợi thế của nhà hát trong thời gian tới đã thấy rõ, vấn đề hiện tại là cần phải nhanh chóng vượt qua những thử thách, trở ngại để hoạt động biểu diễn thực sự mang đến những giá trị, hiệu quả đối với công chúng. Cùng với đó, mỗi thành viên của nhà hát cần không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, phát huy trí tuệ để đổi mới hoạt động của đơn vị, mang đến những chương trình nghệ thuật có chất lượng phục vụ khán giả.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/nghe-thuat-bieu-dien-truoc-nguong-cua-moi-9a6535a/